Facebook vừa tiến hành đệ đơn lên tòa án Mỹ kiện OneAudience vì hành vi thu thập trái phép các thông tin riêng tư, thông tin nhạy cảm của 10 triệu người dùng.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên mạng xã hội khổng lồ dính dáng đến những lùm xùm về lộ thông tin dữ liệu. Các thông tin nhạy cảm bị thu thập một cách trái phép và lần này Facebook là nạn nhân chứ không phải bị kiện như những lần trước.
Đối tượng bị kiện là OneAudience, một mạng xã hội có trụ sở tại New Jersey, Mỹ. Công ty này bị cáo buộc đã trả tiền cho các nhà phát triển ứng dụng tạo ra các mini-game (ứng dụng gần giống This is Your Digital Life nổi tiếng từ vụ bê bối Cambridge Analytica) chạy trên nền tảng của Facebook.
Các ứng dụng này đã thu thập trái phép dữ liệu của người sử dụng Facebook và các trang mạng xã hội khác có chúng xuất hiện.
Facebook cho rằng các nhà phát triển đã thêm các công cụ không cần thiết hoặc các phần mềm độc hại vào ứng dụng của họ nhằm theo dõi và gửi thông tin thiết bị để sử dụng vào hiển thị quảng cáo sau đó.
Giám đốc phụ trách vấn đề pháp lý Facebook - Jessica Romero cho biết, việc OneAudience thu thập trái phép thông tin cá nhân người dùng Facebook đã xuất hiện từ tháng 11 năm 2019 cho đến nay.
Vụ việc chỉ bị phát giác khi các chuyên gia bảo mật hợp tác với Facebook tiến hành nghiên cứu và đưa ra kết luận về các ứng dụng đang hoạt động trên nền tảng này.
Tại thời điểm đó, OneAudience và một nhà phát triển khác có tên Mobileburn đã lấy được rất nhiều thông tin từ người dùng sử dụng ứng dụng bao gồm tên tuổi, địa chỉ email và cả giới tính để phục vụ cho mục đích quảng cáo.
Facebook đã lên tiếng cảnh báo có đến 9,5 triệu người dùng sử dụng các ứng dụng này đã bị thu thập thông tin trái phép.
Ngay sau khi phát hiện vụ việc trên, Facebook đã gửi yêu cầu cho OneAudience ngưng sử dụng bộ phát triển phần mềm (SDK) và tiến hành thanh tra toàn bộ các ứng dụng trước đó. Nhưng cũng chính vì công ty này bác bỏ lời đề nghị hợp tác, Facebook đã buộc phải thực hiện các biện pháp mạnh hơn là đưa vụ việc ra trước pháp luật.
Kể từ vụ bê bối Cambridge Analytica bị phanh phui, Facebook đã phải đối mặt với rất nhiều áp lực trong việc quản lý dữ liệu người dùng trên mạng xã hội của mình. Cho đến nay, hệ quả của Cambridge Analytica vẫn để lại khiến ông chủ Mark Zuckerberg rất đau đầu.
Năm ngoái, Facebook đã từng khởi kiện một công ty đến từ Hong Kong với hành vi lừa đảo người sử dụng Facebook nhấn vào những liên kết độc hại khiến tài khoản bị đánh cắp.
Facebook cũng luôn khuyến cáo người dùng nên kiểm tra các danh sách ứng dụng đang được phép truy cập vào dữ liệu của họ. Đồng thời tiến hành rà soát và loại bỏ các ứng dụng khả nghi hoặc không sử dụng nữa ra khỏi tài khoản của mình.
Như đã nói ở trên hệ quả mà Cambridge Analytica để lại cho Facebook không chỉ sự tai tiếng, sự yếu kém trong quản lý dữ liệu người dùng mà còn là cả kinh tế.
Mới đây, chính phủ Úc đã đưa đơn kiện Facebook lên tòa án quốc gia này vì hậu quả mà Cambridge Analytica để lại, hơn 300.000 tài khoản Facebook bị cáo buộc thu thập dữ liệu trái phép thông qua ứng dụng This is Your Digital Life.
Theo ước tính mỗi người dùng bị xâm hại dữ liệu riêng tư trái phép, Facebook sẽ phải bồi thường 1,7 triệu USD. Với hơn 300.000 người con số này vào khoảng 529 tỉ USD, 1 con số khổng lồ so với gần 70 tỷ thu thập năm 2019 của mạng xã hội số 1 thế giới này.
Vụ kiện mới được Tòa án tại Úc nhận vào hôm thứ 2 mới đây, nhưng dường như rất khó để đóng một khoản phạt khổng lồ như vậy. Trong quá khứ Facebook đã từng nhiều lần phải chịu phạt với 5 tỷ USD vào năm 2019 và 500.000 bảng Anh vào năm 2018.
Ngay cả với OneAudience, Facebook cũng không hoàn toàn là người bị hại khi chính những người sử dụng Facebook, tin tưởng mạng xã hội này mới là người phải chịu nhiều thiệt hại nhất.
Chính giám đốc pháp lý của Facebook Jessica Romero đã tuyên bố rằng họ đang làm mọi việc để bảo vệ người dùng, tăng trách nhiệm cho những người lạm dụng công nghệ (các nhà phát triển).
Nhưng một số ý kiến lại cho rằng Facebook và các công ty công nghệ khác cần phải làm nhiều hơn thế, những hành động thiết thực để bảo vệ dữ liệu của người dùng cũng như đưa ra các chế tài quyết liệt áp dụng đối với các nhà phát triển.
Giám đốc an ninh Facebook Alex Stamos cho biết việc thu hồi quyền truy cập cho các ứng dụng đến từ các nhà phát triển là hoàn toàn có thể, nhưng động thái trên có thể đi kèm với một vài sự đánh đổi từ chính các nhà phát triển trên nền tảng này.
Vụ kiện Facebook với OneAudience cũng đặt ra câu hỏi cho chính Facebook và những hãng công nghệ khác. Liệu sau cùng ai sẽ là người chịu trách nhiệm bảo vệ quyền riêng tư của người dùng vẫn là vấn đề cần làm sáng tỏ.