Không chỉ ghi lại những hoạt động của người dùng trong quá trình sử dụng, mạng xã hội này còn thu thập nhiều hơn thế. Ở chiều ngược lại, người dùng Facebook cũng chưa ý thức được sự quan trọng việc bảo vệ quyền riêng tư của bản thân
Facebook thu thập những gì về quyền riêng tư của người dùng?
Điều tiên phải kể đến là những thông tin cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ, liên lạc... cho đến việc bạn thích bài viết nào, bình luận ra sao.
Đặc biệt, rất nhiều ứng dụng mà bạn sử dụng hiện nay đều có tính năng đăng nhập bằng Facebook, khiến dữ liệu người dùng cũng bị ghi lại ngay cả khi không sử dụng mạng xã hội này.
Theo EFF (một tổ chức bảo vệ quyền riêng tư), trong số 10.000 trang web phổ biến nhất trên thế giới, Facebook có thể theo dõi 1/3 trong số đó khi người dùng truy cập chúng. Thông tin về thời gian, địa điểm và nội dung truy cập cũng đều được thu thập.
OFA ra đời từ những bê bối về xâm phạm quyền riêng tư
Theo thống kê của Statista, Facebook có khoảng 2,5 tỉ người dùng hàng tháng. Với lượng dữ liệu khổng lồ đó, mạng xã hội này không tránh khỏi những cáo buộc về xâm phạm quyền riêng tư.
Xuất phát từ sự kiện chia sẻ dữ liệu với Cambridge Analytica để công ty này phân tích dữ liệu về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đạo luật quyền riêng tư người dùng đã yêu cầu Facebook và các công ty phải tiết lộ cách họ sử dụng những dữ liệu thu thập được.
Mạng xã hội không có cách nào khác ngoài việc cố gắng thể hiện sự minh bạch trong thời gian qua. Với việc ra mắt OFA, công cụ được Facebook giới thiệu là bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
OFA có thực sự bảo vệ quyền riêng tư của người dùng
Đầu tiên, người dùng phải truy cập OFA từ Facebook, điều này bắt buộc phải nhập lại mật khẩu. Giao diện lúc này sẽ kèm theo những giới thiệu và hướng dẫn về OFA. Trên trang này, người dùng sẽ nhìn thấy tất cả những trang web mà Facebook đang chia sẻ dữ liệu của bạn và ngược lại.
Ở phía dưới màn hình, người dùng có thể tùy chọn Tắt hoạt động trong tương lai. Ở góc trên, người dùng có thể lựa chọn ngắt kết nối tài khoản với tất cả các trang web và dịch vụ hiện tại đang sử dụng.
Tuy nhiên, điều này có vẻ chỉ mang ý nghĩa về mặt tâm lí. Facebook và các ứng dụng này hoàn toàn có thể tiếp tục việc thu thập thông tin người dùng của mình.
Ở cột bên phải, người dùng có thể lựa chọn Tùy chọn khác. Từ đây sẽ thấy một liên kết để Quản lí hoạt động trong tương lai.
Nếu tắt tính năng này, bạn sẽ không thể sử dụng tài khoản Facebook để đăng nhập vào các ứng dụng bên thứ ba. Đồng thời, kết nối giữa bạn và những người khác trên Facebook cũng sẽ bị giảm tương tác một cách đáng kể.
Với những ai đang mong đợi Facebook xóa dữ liệu sử dụng hay ngừng thu thập quá trình hoạt động hàng ngày của người dùng, thì điều này không hề khả thi. Người dùng vẫn có thể thực hiện thao tác xóa lịch sử, nhưng không có nghĩa Facebook không thể ghi lại chúng.
Nếu muốn quyền riêng tư của mình an toàn tuyệt đối, người dùng không có cách nào khác ngoài việc xóa tài khoản của mình. Mặc dù vậy, việc từ bỏ mạng xã hội này là điều không hề dễ dàng.
Nhìn chung, chúng ta không thể đảm bảo toàn bộ dữ liệu cá nhân của mình sẽ không bị thu thập bởi Facebook, nhưng có thể hạn chế hành động này bằng cách thay đổi một số thói quen sử dụng mạng xã hội này.
Hãy ngừng cung cấp quyền truy cập vị trí, ghi âm và các file phương tiện khi sử dụng Facebook. Trong trường hợp cần thiết, hãy lựa chọn sử dụng một lần duy nhất và tắt những tính năng này sau đó.
Hạn chế cung cấp những thông tin quá cụ thể như quê quán, tình trạng quan hệ hay công ty làm việc. Cung cấp số điện thoại hoặc email phụ cũng là một phương án mà nhiều người dùng mạng xã hội lựa chọn áp dụng.
Cuối cùng, mạng xã hội chỉ là một công cụ để kết nối. Hãy cố gắng dành nhiều thời gian tương tác ở ngoài đời thực, bởi đó là lúc chúng ta hoàn toàn chủ động bảo vệ được quyền riêng tư của bản thân.