CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII, mã chứng khoán: CII) vừa có thông báo về việc một công ty con của doanh nghiệp, CTCP Đầu tư Cầu đường CII (CII B&R) đã được chấp thuận để chính thức nắm giữ 89% cổ phần tại CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận.
CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận là doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT (dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận).
Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 4/2015. Thời điểm mới thành lập, CII B&R là một trong 6 cổ đông sáng lập với tỷ lệ nắm giữ là 10% vốn điều lệ. Khi đó vốn điều lệ của BOT Trung Lương - Mỹ Thuận là gần 1.543 tỷ đồng. Trong các bản thay đổi đăng ký doanh nghiệp được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty không cho thấy có thêm đợt tăng vốn nào.
Gần nhất, tính đến cuối quý II vừa qua, CII ghi nhận BOT Trung Lương - Mỹ Thuận là một công ty liên doanh, đầu tư gián tiếp thông qua CII B&R với tỷ lệ lợi ích 50% vốn điều lệ. CII cũng nắm 54,82% vốn điều lệ của CII B&R.
Về dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận nói trên, theo CII, dự án này có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược kết nối TP HCM với các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. Khi dự án kết hợp với cao tốc TP HCM – Trung Lương, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 sẽ tạo thành một tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TP HCM đến khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 12.668 tỷ đồng, đã đi vào vận hành khai thác từ quý III/2022 . Việc đưa dự án vào khai thác đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM đi đến trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long từ 7 tiếng xuống còn khoảng 3,5 tiếng.
Doanh thu bình quân của dự án đạt khoảng 2,5 tỷ đồng/ngày đêm, tương đương trên 910 tỷ đồng/năm. Theo CII, với mức tăng trưởng lưu lượng hằng năm ước tính khoảng 6,3% và lộ trình tăng giá vé như được quy định trong hợp đồng BOT, tổng doanh thu tính đến cuối dự án dự kiến khoảng 32.000 tỷ đồng. Thời điểm kết thúc thu phí dự kiến là vào quý III/2036.