Cơn khát thịt heo của Trung Quốc đang định hình lại chuỗi cung ứng thịt toàn cầu

Dịch tả heo châu Phi tại Trung Quốc đã tác động đến việc định hình lại thị trường thịt heo toàn cầu và mô hình thương mại của nó trong 18 tháng qua, kể từ khi dịch bệnh lần đầu tiên bị bùng phát.

Dịch tả heo châu Phi đã làm giảm hơn 1/3 đàn heo tại Trung Quốc, ước tính hơn 100 triệu con heo đã bị chết hoặc bị tiêu huỷ do dịch bệnh. Do đó, giá thịt heo Trung Quốc đã tăng vọt lên mức cao kỉ lục, người tiêu dùng nước này đã phải chuyển sang nhập khẩu không chỉ thịt heo mà còn là thịt bò, thịt gà,… cũng như thiết lập các mối quan hệ thương mại mới với các nhà cung cấp. 

“Không ai có thể dự đoán được mức độ ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế. Thật không thể tưởng tượng nổi”, ông Adam Couch, giám đốc điều hành công ty chế biến thịt Cranswick của Anh, nói.

Cơn khát thịt heo ở Trung Quốc

Bắc Kinh đã nới lỏng các hạn chế thương mại để đảm bảo việc nhập khẩu thịt nhiều hơn, thậm chí nước này còn đẩy mạnh việc mua hàng từ các quốc gia như Mỹ và Canada, những nơi đang có căng thẳng thương mại, chính trị với Trung Quốc. 

Ngay cả Vương quốc Anh, một nước có vai trò rất nhỏ trong chuỗi cung ứng thịt heo toàn cầu, cũng đã bị cuốn vào những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng nguồn cung. 

Theo dữ liệu hải quan, nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc đã tăng 63% trong 11 tháng năm 2019 so với cùng kì năm trước, lên 16,3 tỉ USD. 

Cơn khát thịt heo của Trung Quốc đang định hình lại chuỗi cung ứng thịt toàn cầu - Ảnh 1.

Lượng nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc tính đến hết tháng 11/2019. (Nguồn: China Customs).

Kết quả là các nhà cung cấp đã vật lộn để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường tỉ dân. Các cơ sở chế biến thịt được thành lập ngày một nhiều hơn ở Brazil, sản xuất thịt heo tại châu Âu cũng tăng mạnh. 

Brazil là một trong những nhà cung cấp thịt heo hàng đầu cho Trung Quốc trong năm vừa qua. Không chỉ thịt heo, số lượng các doanh nghiệp Brazil được Bắc Kinh uỷ quyền cung cấp thịt bò cũng đã tăng lên con số 37 doanh nghiệp từ 15/8 đến tháng 12/2019. 

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Australia, xuất khẩu thịt bò của nước này sang Trung Quốc cũng đã tăng 81% lên 265.000 tấn trong 11 tháng năm 2019. Các lô hàng trong tháng 10 và tháng 11 liên tiếp đạt kỉ lục. Theo dự báo, sớm thôi, Trung Quốc sẽ soán ngôi Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu thịt bò lớn nhất của Australia. 

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang là nước nhập khẩu thịt bò lớn của Indonesia, Canada và Philippines. 

“Trung Quốc đang ‘điên cuồng’ mua tất cả các loại thịt có sẵn, từ thị trường này đến thị trường khác”, Darin Friedrichs, một nhà phân tích tại công ty môi giới hàng hóa INTL FCStone ở Thượng Hải, cho biết.

“Nhiều quốc gia, sản xuất thịt không theo kịp nhu cầu của Trung Quốc”, Friedrichs nói thêm. 

Dịch tả heo châu Phi cũng đã tấn công các nước láng giềng Trung Quốc như Hàn Quốc, Mông Cổ và Việt Nam. Trong khi ở châu Âu, thị trường sản xuất thịt heo vẫn đang trì trệ, một phần do lo ngại sự lây lan dịch bệnh từ khu vực phía Đông lục địa.

Gần đây đã xuất hiện những vùng dịch ở Serbia và Slovakia, những trường hợp heo rừng bị dính dịch tả heo ở tây Ba Lan, cách biên giới Đức khoảng 80 km cũng làm dấy lên mối lo ngại về việc bùng phát dịch bệnh ở châu Âu.

Chuỗi cung ứng thịt toàn cầu bị ảnh hưởng

Cơn khát thịt heo ở các nước châu Á đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá lương thực, thực phẩm. Giá thịt heo tăng vọt ở Trung Quốc đã kéo theo giá thành của các loại thực phẩm protein khác như thịt gia cầm, thịt bò, trứng tăng cao. 

Mặc dù gần đây giá thịt đã giảm nhẹ nhờ nguồn dự trữ thịt đông lạnh của các Chính phủ, tuy nhiên thiếu thịt vẫn đang là vấn đề nóng bỏng tại nhiều quốc gia châu Á.

Cơn khát thịt heo của Trung Quốc đang định hình lại chuỗi cung ứng thịt toàn cầu - Ảnh 2.

Cơn khát thịt heo ở các nước châu Á đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá lương thực, thực phẩm. (Ảnh: Bloomberg).

Tại Brazil, do xuất khẩu quá nhiều thịt heo đã khiến cho giá thịt heo trong nước tăng cao, giá thành thịt bò, thịt gà cũng tăng 17,7% trong nửa đầu tháng 12/2019. Điều này đã đẩy lạm phát lên cao hơn mức dự kiến 3,9%, theo số liệu từ cơ quan thống kê quốc gia Brazil. 

Nhu cầu thịt bò của Trung Quốc cũng khiến giá loại thịt này ở Australia tăng cao, đặc biệt trước bối cảnh nước này đang phải đối mặt với đợt hạn hán kéo dài kỉ lục, giết chết nhiều gia súc. 

Tại Anh, giá sản xuất thịt heo đã tăng 12%, tuy nhiên theo các nhà cung cấp và các nhà bán lẻ, mức giá này vẫn có thể chấp nhận được. 

Giá sản xuất ở châu Âu đã tăng 40% kể từ đầu năm 2019, khiến các nhà cung cấp và các nhà bán lẻ phải đưa ra cảnh báo đối với người tiêu dùng về việc giá xúc xích và schnitzel sẽ có thể tăng trong thời gian tới. 

“Áp lực từ nhu cầu thịt heo của Trung Quốc đã kéo theo sự tăng giá của các loại thịt thay thế khác”, Cranswick của Mr Couch chia sẻ.

Cơn khát thịt heo của Trung Quốc đang định hình lại chuỗi cung ứng thịt toàn cầu - Ảnh 3.

Giá thịt tăng không làm giảm nhu cầu của người dân Trung Quốc. (Ảnh: WSJ).

Một số nhà phân tích tỏ ra ngạc nhiên khi mức giá thịt tăng không làm giảm nhu cầu của người dân Trung Quốc. “Một nhóm những người có thu nhập cao ở khu vực thành thị vẫn tiếp tục tiêu thụ thịt heo”, Friedrichs giải thích. 

Nhu cầu thịt của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng mạnh hơn nữa, khi chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa quốc gia này sẽ đón chào Tết nguyên đán truyền thống. 

Mặc dù đàn gia súc tại Trung Quốc có thể sẽ được phục hồi trong thời gian tới, nhưng các nhà phân tích cho rằng nhu cầu nhập khẩu thịt sẽ vẫn cao, và dự kiến còn tăng lên khi dịch tả heo châu Phi tiếp tục lan sang các quốc gia khác ở châu Á. 

“Trong năm 2020, chúng ta sẽ còn thấy thị trường thịt toàn cầu cạnh tranh khốc liệt hơn nữa”, ông Justin Sherrard tại Rabobank, đưa nhận định.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.