Đại dịch Covid-19 sau 3 tháng xuất hiện: Vẫn còn nhiều băn khoăn chưa có lời giải

Ba tháng kể từ khi các báo cáo lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc về một loại virus chưa biết tên, gây ra các ca viêm phổi bất thường, các nhà khoa học và chuyên gia y tế cộng đồng vẫn đang tìm hiểu về chủng virus này và cách thức hoạt động hiện nay, so với cùng thời điểm bùng phát trước đó.

Virus corona đang tiếp tục lan rộng trên toàn thế giới, trong khi các nhà nghiên cứu, các bác sĩ, nhà kinh tế học cũng như các nhà hoạch địch chính sách vẫn đang cố gắng tìm câu trả lời về chủng virus này. Và vẫn còn rất nhiều điều mà họ không lí giải được.

Đi tìm câu trả lời cho những mối băn khoăn về đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Virus corona lây nhiễm như thế nào?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus corona lây từ người sang người, thông qua những giọt bắn từ mũi hoặc miệng khi ho hoặc hắt hơi. Nó có thể tồn tại trên hầu hết các bề mặt trong vài ngày. 

Do đó, ngoài việc trực tiếp hít phải virus, bạn có thể bị nhiễm bệnh khi chạm vào vật gì đó đã bị dính virus và sau đó chạm vào mũi, miệng hoặc mắt của chính mình. Có một số bằng chứng cho thấy các phân tử nhỏ virus trong phân của người nhiễm bệnh có thể truyền bệnh qua việc tiếp xúc, nhưng điều này vẫn chưa được chứng thực.

Có bao nhiêu người nhiễm bệnh và bao nhiêu người bệnh không biểu hiện bất kì triệu chứng nào? 

Tính đến ngày 27/3, đã có 596.247 ca nhiễm trên toàn thế giới, trong đó hơn 133.307 ca đã phục hồi cùng hơn 27.291 ca tử vong. Một số nhà nghiên cứu ước tính rằng có tới 80% những người bị nhiễm không có, hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ, thậm chí có thể không biết là họ bị bệnh. Điều này đưa số người có thể bị nhiễm bệnh lên con số hàng triệu. 

Nhưng chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu và nhiều thử nghiệm hơn nữa để biết được con số chính xác. 

Đi tìm câu trả lời cho những mối băn khoăn về đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Người trẻ tuổi ít có khả năng tử vong vì virus?

Những người trẻ hơn cho dù sức đề kháng cao hơn thì vẫn có thể mắc Covid-19. Chưa thể trả lời mức độ an toàn hơn của họ là bao nhiêu.

Đi tìm câu trả lời cho những mối băn khoăn về đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Thống kê theo độ tuổi các ca bệnh phải nhập viện, nằm phòng điều trị tích cực và tử vong vì Covid-19 tại Mỹ, số liệu từ ngày 12/2 đến 16/3/2020.

WHO cho biết những người lớn tuổi đã có bệnh nền, như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hoặc hen suyễn, huyết áp cao, bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch, thì thường bệnh sẽ phát triển nghiêm trọng hơn những người khác.

Bên cạnh đó, một quan chức y tế Mỹ cho biết tỉ lệ tử vong ở nam giới dường như gấp đôi nữ giới ở mọi lứa tuổi. Các quan chức y tế đã cảnh báo rằng bất cứ ai có chứng bệnh tiềm ẩn, cũng như những người có hệ thống miễn dịch yếu, đều có nguy cơ cao mắc corona. 

Có thể tái nhiễm Covid-19 hay không?

Đây là một câu hỏi mấu chốt, và chúng ta đều chưa biết câu trả lời. Có một số ít trường hợp có thể tái nhiễm ở những bệnh nhân đã hồi phục. Nhưng hầu hết các nhà khoa học tin rằng, những người đã điều trị khỏi bệnh vẫn có khả năng tái phát. 

Một bệnh nhân có thể thấy khỏe hơn và xét nghiệm âm tính với virus trong mũi và cổ họng của họ, thì virus vẫn ở nơi khác trong cơ thể. Bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục sẽ có kháng thể ở trong máu, nên cần bảo vệ khỏi vật lây nhiễm mới, nhưng vẫn chưa biết được những kháng thể đó sẽ tồn tại bao lâu. Với một số loại virus, kháng thể dần biến mất nhanh hơn. Ngay cả khi chúng còn tồn tại, SARS-CoV-2 có thể trải qua những biến đổi nhỏ theo thời gian, như cách virus cúm gây ra mỗi năm, khiến các kháng thể trở nên vô hiệu. 

Một số phòng thí nghiệm và các công ty ngành y đang tìm cách tạo ra các kit xét nghiệm máu, để tìm ra người đã tiếp xúc với virus, và có phát triển khả năng miễn dịch hay không. Thử nghiệm huyết thanh cũng sẽ đưa ra một bức tranh toàn cảnh hơn về qui mô của đại dịch. 

Khi nào thì có phác đồ điều trị hoặc vắc xin?

Cho đến nay, không có vắc xin hoặc thuốc chống virus corona chủng mới. Các phác đồ điều trị hiện giờ tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng như hỗ trợ hô hấp. Các công ty trên khắp thế giới đang chạy đua để phát triển vắc xin. Một số ít công ty đã sớm đưa ra thử nghiệm an toàn ở người, nhưng các chuyên gia nói rằng có thể mất một năm hoặc hơn, để phát triển và thử nghiệm vắc xin. 

Một vấn đề phức tạp khác: virus có thể biến đổi nhanh chóng. Một số nhà khoa học đã xác định những thay đổi tinh vi kể từ khi SARS-CoV-2 xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12/2019. Nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy virus tương đối ổn định, nghĩa là vắc xin vẫn có hiệu quả nếu có sẵn. 

Có phải virus lây lan chậm hơn khi ở nơi có khí hậu nóng?

Một số chuyên gia đã hi vọng rằng, sự khởi đầu của mùa hè sẽ tự khắc làm chậm lại sự phát triển của virus. 

Nhưng Trung tâm kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết vào ngày 25/3, khí hậu nóng cũng khó có thể làm giảm sự lây lan của virus. WHO cũng đã nói rằng virus có thể lây truyền ở tất cả các khu vực, bao gồm cả khí hậu nóng và ẩm.

Đại dịch sẽ kéo dài bao lâu?

Vẫn chưa ai có thể trả lời câu hỏi này. Bởi nó phụ thuộc vào một loạt các yếu tố, từ việc mọi người sẽ tiếp tục cách li và tránh các cuộc tụ tập đông người bao nhiêu lâu nữa, cho đến khi thuốc có hiệu quả hoặc sản xuất được vắc xin.

Trong tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông hi vọng sẽ "mở lại" nền kinh tế Mỹ vào lễ Phục sinh - ngày Chủ nhật 12/4. Nhưng ông đang phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng, mốc thời gian như vậy là quá vội vàng, và có thể khiến nhiều người chết hơn. 

Tại tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn bùng phát virus corona của Trung Quốc, cuộc sống bắt đầu quay trở lại bình thường trong tuần này, sau hai tháng phong tỏa. Thế nhưng, vẫn còn phải xem liệu sự trở lại bình thường như vậy có thúc đẩy một đợt bùng phát mới hay không.

Tiếp xúc nhiều với virus có xác định mức độ nhiễm bệnh?

Virus xâm nhập vào cơ thể và lây nhiễm các tế bào, sử dụng tế bào như một nhà máy để tạo ra hàng triệu bản sao của virus. Vì vậy, số lượng các phân tử virus xâm nhập vào cơ thể ít ảnh hưởng đến số lượng virus cuối cùng trong hệ thống. Đồng thời, việc tiếp xúc thường xuyên hơn sẽ làm tăng khả năng virus xâm nhập vào cơ thể ngay từ đầu. 

Đi tìm câu trả lời cho những mối băn khoăn về đại dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Khi nào nền kinh tế sẽ trở lại bình thường?

Quĩ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến đại dịch sẽ gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 2020, và có thể tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Mức độ ảnh hưởng và của cuộc suy thoái sẽ kéo dài bao lâu, qui luật của sự phục hồi là những vấn đề được đưa ra tranh luận. 

Các nhà kinh tế nói rằng, đại dịch sẽ kết thúc lúc nào là phụ thuộc phần lớn vào việc phong tỏa trong bao lâu, khi khoảng 1/4 nhân loại đang bị hạn chế đi lại, và chính phủ hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp và thị trường đến mức độ nào để vượt qua được khủng hoảng. 

Hàng nghìn tỉ USD sử dụng trong chi tiêu khẩn cấp giúp ích như thế nào?

Ngân hàng Trung ương tìm kiếm những biện pháp để thị trường tài chính duy trì hoạt động, trong đó bao gồm cả những lĩnh vực giữ cho nền kinh tế thực sự hoạt động. Chẳng hạn những thị trường nơi các công ty đi huy động tiền mặt ngắn hạn để trả lương cho nhân viên, và nơi các thành phố gây quĩ cho hạ tầng và trường học.

Các bước thực hiện đầu tiên bởi chính phủ Mỹ, như gói kích thích trị giá 2.000 tỉ USD, dự kiến sẽ tiếp tục giúp đỡ nền kinh tế, bằng cách phát tiền mặt cho các cá nhân và cung cấp thêm vốn cho các doanh nghiệp, công ty nhỏ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu chúng có đủ hiệu quả hay không.

Đây có phải thời điểm tốt để đầu tư?

Một số nhà đầu tư và chiến lược gia ngân hàng đang bắt đầu xem xét liệu, có nên đầu tư vào thị trường chứng khoán hay không, khi mà nó đã giảm khoảng 25% từ mức cao trong tháng Hai. 

Người quản lí quĩ phòng hộ Mỹ, Bill Ackman, cho biết trong tuần này ông đã chuyển sang mức tăng trưởng dương về cổ phiếu và tín dụng. Vị này còn nói thêm: "Chúng tôi đã phân bổ lại vốn của mình vào các công ty mà chúng tôi ưa thích, với mức giá hợp lí được thiết lập để vượt qua cuộc khủng hoảng này".

Nhưng với tất cả những sự không chắc chắn hiện nay, nhiều nhà phân tích và nhà đầu tư vẫn lo ngại về việc mua tại đáy của thị trường. 

Đi tìm câu trả lời cho những mối băn khoăn về đại dịch Covid-19 - Ảnh 5.