'Đề nghị truyền thông nâng mức cảnh báo vì Hà Nội rất đáng lo lắng' về Covid-19

Việc dịch Covid-19 lây lan mạnh tại Hàn Quốc trong thời gian ngắn đã khiến lãnh đạo Hà Nội hết sức lo lắng về khả năng lây nhiễm tại Thủ đô, vì thường xuyên có khoảng 20.000 - 25.000 người Hàn cư trú tại thành phố.

Khoảng 20.000 - 25.000 người Hàn Quốc cư trú tại Hà Nội

Như Thanh Niên đã đưa tin, trước những diễn biến nhanh và nguy hiểm của dịch Covid-19 tại Hàn Quốc và Nhật Bản, chiều 23/2, Hà Nội triệu tập họp đột xuất Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, trực tuyến với tất cả các quận, huyện.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhiều lần nhấn mạnh việc “không được chủ quan”, dịch “không đơn giản như chúng ta nghĩ” và “cá nhân tôi rất lo lắng”, vì Hà Nội là địa bàn có nguy cơ rất cao.

Trước diễn biến dịch trên toàn thế giới, ông Chung đề nghị cơ quan chức năng thành phố để ý đến công dân đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có nguy cơ cao, ngoài Trung Quốc, lần lượt là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Ý và Pháp.

'Đề nghị truyền thông nâng mức cảnh báo vì Hà Nội rất đáng lo lắng' về Covid-19 - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu không được chủ quan trước những diễn biến mới của Covid-19 (Ảnh V.H).

“Dịch diễn biến rất phức tạp, Hàn Quốc đã nâng lên mức cảnh báo cao nhất. Qua kinh nghiệm của Hàn Quốc thì thấy dịch tiến triển rất nhanh. Chỉ trong vòng 4 ngày, Hàn Quốc đã có 602 người dương tính và còn gần 7.000 người chờ kết quả. Đêm nay, ngày mai, số lượng tin rằng sẽ tăng lên. 

Iran là một nước nóng, mới 28 người nhiễm đã có 8 người chết. Hay trường hợp 1 nhà khoa học Hàn Quốc đến một hội nghị khoa học tại Singapore, về quê lây cho 5 người nhà, bản thân xét nghiệm dương tính với Covid-19, nhưng chưa hề có triệu chứng, biểu hiện gì. Những ví dụ trên cho thấy diễn biến lây nhiễm là hết sức phức tạp, chứ không như chúng ta nghĩ, đòi hỏi chúng ta phải cập nhật thường xuyên”, ông Chung nhấn mạnh.

Địa bàn tập trung người Hàn Quốc nhiều nhất là quận Nam Từ Liêm, với 9.127 người, trong đó tạm trú dài hạn 8.166 người, ngắn hạn là 961 người. Số người Hàn Quốc này rải rác ở cả 10 phường, nhưng tập trung tại 2 phường Mỹ Đình 1 hơn 3.000 người và Mễ Trì hơn 4.000 người.

Quận Thanh Xuân có 1.600 người Hàn Quốc đang cư trú, trong đó 1.200 ở Royal City, 200 người ở phường Nhân Chính và 200 người ở các khu chung cư tại phường Thanh Xuân Trung. “Royal City tập trung dày đặc người Hàn Quốc, trong đó có những người vừa trở lại Việt Nam từ sau tết”, ông Nguyễn Xuân Lưu, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, cho biết.

Quận Cầu Giấy cũng có 3.064 người Hàn, 916 người Nhật, 32 người Singapore cư trú tại 243 cơ sở lưu trú khác nhau. Quận Hai Bà Trưng có 166 người Hàn Quốc, 710 người Nhật. Quận Ba Đình có 1.068 người Hàn Quốc, 741 người Nhật….

"Cá nhân tôi rất lo lắng"

Tuy đã nắm sơ bộ được các con số trên, nhưng điều khiến Hà Nội lo lắng là hiện chưa có bất cứ biện pháp phòng dịch nào được áp dụng với công dân của những nước có dịch, trừ Trung Quốc.

“Thời gian vừa qua, Hà Nội mới rà soát, nắm tình hình chứ chưa có biện pháp gì cách li. Nên chúng ta không được chủ quan. Từ cán bộ chủ chốt đến cán bộ chuyên môn phải hết sức chủ động, có trách nhiệm, nắm được công việc, nếu không sau này là chồng chéo đấy. 

Trường hợp bệnh viện của Hàn Quốc, chỉ 1 người nhiễm bệnh đến khám mà hàng trăm người khác nhiễm và lây ra cả bác sĩ, y tá. Chúng ta phải thuộc bài, nếu không nguy cơ rất cao. Phải làm hết sức khẩn trương, tỉ mỉ, cụ thể, chứ không phải nắm phong trào ở trên”, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, không kể khách du lịch, Hà Nội thường xuyên có khoảng 20.000 - 25.000 người Hàn Quốc cư trú. Do đó, ông Chung đề nghị các quận, huyện phải tiếp tục tuyên truyền bằng cả tiếng Anh, tiếng Hàn để người nước ngoài ở Việt Nam đồng thuận với các biện pháp phòng dịch, tránh trường hợp bị phản ứng về mặt ngoại giao.

Góp ý kiến về chuyên môn tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền lưu ý, khả năng kiểm soát dịch tới đây khó khăn, và việc tái phát dịch ngoài Trung Quốc là cao. Do đó, Sở Y tế Hà Nội sẽ rà soát với Bộ Y tế về việc cách li với những người đi về từ các nước có dịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và sẽ thông báo cụ thể để các địa phương tiến hành cách li theo quy định.

“Có điều nguy hiểm là những người Việt đi nước ngoài về, chúng ta chưa kiểm soát được. Đề nghị các quận, huyện chủ động tuyên truyền, gặp gỡ đề nghị họ hạn chế tiếp xúc trong 14 ngày. Nếu tiếp xúc với ai, họ chủ động ghi nhớ để có vấn đề ta nắm bắt ngay. 

Chúng ta chưa cách li họ, nhưng nắm bắt được diện tiếp xúc mới kiểm soát được tình hình, vì đi nước ngoài không biết họ đi đến đâu, tiếp xúc với ai. Các khu vui chơi, du lịch tâm linh, đặc biệt sân golf, rất nhiều khách Hàn Quốc sang, đề nghị phải kiểm soát”, ông Hiền nói.

Cùng với kiến nghị này, ông Chung yêu cầu “từ giờ phút này, chúng ta phải rà soát các công dân Việt Nam đi từ các vùng dịch về nước từ ngày 18/2 trở lại đây, tuyên truyền để họ hiểu được sự nguy hiểm của dịch, có trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng để chủ động thông tin về lịch trình, tự giác thông tin đến cơ quan y tế để giám sát”.

“Đề nghị truyền thông nâng mức cảnh báo vì Hà Nội rất đáng lo lắng. Không loại trừ ngày mai Chính phủ nâng mức cảnh báo, nên giao Công an thành phố chủ trì tổ chức rà soát, nắm tình hình tất cả khu vực có người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc, với phương châm “đến từng nhà, rà từng hộ”; các khách sạn phải ghi lại lịch trình đi lại của công dân các nước này”, ông Chung yêu cầu.

Bên cạnh đó, các quán bar, karaoke được yêu cầu hạn chế hoạt động để tránh lây lan dịch.

chọn
Hàng nghìn bị hại đổ về phiên tòa vụ Tân Hoàng Minh
8h20, hơn 1.000 bị hại đã được bố trí ngồi tại ba khu vực song hàng trăm người vẫn tiếp tục đến điểm danh tại 8 bàn đón tiếp trong phiên xét xử vụ án Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu khống.