ĐHĐCĐ An Gia: Kế hoạch lãi gấp đôi cùng kỳ, mỗi năm sẽ M&A khoảng 2-3 dự án mới

An Gia đặt mục tiêu lãi năm cao gấp đôi cùng kỳ nhờ các dự án The Sóng và The Standard. Một trong những trọng tâm phát triển trong năm nay là mở rộng quỹ đất và tập trung cho phân khúc nhà ở trung cấp.

Mục tiêu lãi gấp đôi năm ngoái nhờ bàn giao dự án The Sóng tại Vũng Tàu

 Ban lãnh đạo của An Gia trả lời các vấn đề của cổ đông tại kỳ họp ĐHĐCĐ. (Ảnh: Hiền Minh).

Sáng nay, CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã chứng khoán: AGG) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 và thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 500 tỷ đồng, lần lượt cao gấp ba lần và hai lần so với kết quả thực hiện năm 2021.

Song, theo lãnh đạo An Gia, các kế hoạch kinh doanh này sẽ là thách thức đối với công ty, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế được dự báo sẽ khó khăn trong thời gian dài, lãi suất có nhiều biến động khó lường, quỹ đất để phát triển dự án ngày càng khan hiếm và nhiều bất lợi khác.

Lãnh đạo An Gia nhấn mạnh, một trong những định hướng chung trong năm nay của công ty là đặt việc phát triển quỹ đất làm nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, tập trung vào các khu vực TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An; đặc biệt ưu tiên các quỹ đất có tình trạng pháp lý rõ ràng và có thể triển khai dự án nhanh. 

Theo kế hoạch, mỗi năm An Gia sẽ M&A từ 2-3 dự án mới, mỗi dự án quy mô khoảng 500 - 1.000 tỷ đồng với diện tích khoảng 3-5 ha, cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 - 3.000 sản phẩm. Trước mắt, đến cuối năm nay, An Gia đang có kế hoạch M&A hai dự án khác. Ban lãnh đạo cho biết, tiêu chí M&A dự án của An Gia là triển khai nhanh và mở bán chậm nhất từ một năm đến một năm rưỡi sau khi hoàn tất M&A. 

Trước đó, trong cuối năm 2021, An Gia đã M&A một dự án mới với diện tích hơn 3,2 ha tại huyện Bình Chánh, TP HCM (đối diện dự án The West Gate) với giá trị M&A là 515 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 1.500 tỷ đồng, quy mô 3.000 sản phẩm để sẵn sàng phát triển trong năm 2023 và trong quá trình hoàn tất đàm phán mua thêm 30-50 ha quỹ đất thấp tầng. 

Công ty cho biết, quỹ đất hiện tại sẽ đáp ứng kế hoạch kinh doanh của công ty trong giai đoạn 4-5 năm tới. 

Đối với các dự án bất động sản, trong năm nay, An Gia sẽ bàn giao và ghi nhận doanh thu tại dự án The Sóng (Vũng Tàu).  Đồng thời, HĐQT cũng cho biết sẽ giám sát việc đầu tư và triển khai dự án BD3 (Bình Dương); chỉ đạo và giám sát quá trình xây dựng, hoàn thiện và bàn giao dự án The Standard (Bình Dương) và The Sóng (Vũng Tàu). 

Tiến độ bán hàng tại dự án The Sóng hiện nay đạt khoảng 95%, dự kiến sẽ bàn giao trong tháng 5 và mang về lợi nhuận khoảng 350 tỷ đồng. Về phần dự án The Standard, tiến độ bán hàng tại dự án đạt khoảng 75-80%, dự kiến tháng 5, tháng 6 sẽ bàn giao 50% còn lại cho khách hàng.

Bên cạnh đó, dự án The Gió (Bình Dương) sẽ được triển khai bán hàng vào quý III/2022 với số lượng 3.000 sản phẩm, tổng doanh thu vào khoảng 7.500 - 8.000 tỷ đồng.

Cập nhật thêm về tiến độ các dự án, lãnh đạo An Gia cho biết, dự án 27 ha tại Bình Chánh (BC27) đang thực hiện các bước quy hoạch 1/2.000, dự kiến triển khai trong quý IV/2023 với quy mô 2.000-3.000 căn hộ và 1.500 căn nhà phố thấp tầng, tổng doanh thu của dự án dự kiến khoảng 15.000 - 18.000 tỷ đồng. 

Trọng tâm phát triển của công ty là các sản phẩm nhà ở (căn hộ, khu compound) trong phân khúc trung cấp. Theo nhận định của Ban điều hành An Gia, trong bối cảnh thị trường suy thoái, các sản phẩm trong phân khúc này vẫn tiêu thụ được do nhu cầu nhà ở thực còn nhiều.

Theo ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT An Gia, trong vòng 5 năm tới, công ty có kế hoạch phát triển dự án khu đô thị với quy mô vài trăm ha. 

Bên cạnh đó, An Gia cũng sẽ đa dạng hóa các kênh bán hàng, đặc biệt đẩy mạnh việc liên kết với nhiều sàn phân phối khác nhau để thúc đẩy hoạt động bán hàng nhanh chóng. 

Dự kiến huy động 1.000 tỷ đồng từ trái phiếu

Ngoài kế hoạch phát triển quỹ đất và các dự án bất động sản, đa dạng nguồn vốn để tài trợ phát triển dự án cũng là một trong những kế hoạch được Ban điều hành công ty đặt ra cho năm nay. 

An Gia cho biết sẽ phát hành cổ phiếu ESOP với số lượng tối đa 2% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV/2022.    

Bên cạnh đó, công ty sẽ phát hành tối đa gần 11,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của An Gia dự kiến tăng từ 1.117 tỷ đồng lên gần 1.229 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong năm nay, An Gia cũng có kế hoạch huy động tối đa 1.000 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, mục đích để phát triển dự án The Gió tại Bình Dương. Chi tiết về thời gian, lãi suất phát hành chưa được công ty công bố cụ thể.

 Cổ đông trực tiếp đặt câu hỏi liên quan đến việc phát hành trái phiếu tại ĐHĐCĐ của An Gia. (Ảnh: Hiền Minh).

Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến việc phát hành trái phiếu, ông Nguyễn Bá Sáng, việc siết chặt trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ không gây ảnh hưởng đến công ty do quy mô vay nợ của công ty vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp.

Theo nhận định của Ban lãnh đạo, dòng tiền trong năm 2022 của công ty sẽ ở mức tốt, nhất là sau khi bàn giao dự án The Sóng và The Standard, đây cũng là dòng tiền sẽ giúp công ty giảm nợ năm nay. 

Tân thành viên HĐQT chuyên về lĩnh vực tài chính

Tại kỳ đại hội này, An Gia đã thông qua miễn nhiệm tư cách thành viên Hội đồng quản trị của ông Nguyễn Trung Tín, người đã có đơn từ nhiệm trước đó. 

Người được bầu bổ sung vào HĐQT là ông Đào Thái Phúc, được đề cử bởi CTCP Quản lý và Đầu tư Trường Giang, cổ đông lớn nắm 41,79% vốn điều lệ An Gia và là doanh nghiệp do ông Nguyễn Bá Sáng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. 

Ông Phúc là một thạc sĩ kinh tế và có gần 40 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính. Cụ thể, giai đoạn 1984 - 1990, ông là Chuyên viên Sở Tài chính – Hà Nội. Giai đoạn 1990 - 2019, ông làm việc tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội. 

Giai đoạn 2019 - 2021, ông giữ chức Giám đốc Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước Trung ương, trực tiếp chỉ đạo kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; giao dịch thanh toán với các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank và Ngân hàng Nhà nước Trung ương.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.