Sáng nay (20/5), CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII, mã chứng khoán: CII) đã tổ chức thành công kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 2 sau khi hủy họp do không đủ điều kiện tổ chức vào ngày 25/4 trước đó.
Một trong những nội dung được ban lãnh đạo CII nhấn mạnh tại kỳ họp này là vấn đề tập trung cải thiện tài chính của doanh nghiệp. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2022, tổng dư nợ của công ty sẽ giảm 30% còn khoảng 6.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021, dự kiến đến năm 2023 sẽ tất toán phần lớn các khoản nợ của công ty mẹ.
Theo CII, việc tăng vốn, giảm nợ trong năm nay sẽ là một bước đi chiến lược giai đoạn sau năm 2024. Công ty sẽ tiếp tục thu hồi vốn đầu tư từ việc bán cổ phiếu quỹ và giảm tỷ lệ sở hữu tại đơn vị thành viên là Năm Bảy Bảy (NBB).
Nói về vấn đề này, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị cho biết, hiện công ty đã lo xong các khoản nợ đến hạn đến cuối năm 2022 và sẽ giải quyết dứt điểm các khoản nợ trong quý I/2023. Với tài sản hiện có của CII, công ty dư sức trả nợ, ông Bình khẳng định.
Công ty cho biết, từ năm 2022, nhu cầu góp thêm vốn vào các dự án đang triển khai không còn nhiều như giai đoạn trước, công ty chủ yếu sẽ chỉ huy động phần còn lại của vốn vay theo tỷ lệ đã xác định từ trước để đáp ứng nhu cầu giải ngân cho các dự án BOT và bất động sản.
Do đó, nguồn thu được sẽ được công ty tập trung cho việc thanh toán các nghĩa vụ tài chính đến hạn và chia cổ tức cho cổ đông.
Bên cạnh đó, công ty có kế hoạch phát hành gần 34 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông trong năm 2022, thay cho việc trả cổ tức các năm trước bằng tiền mặt. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của CII dự kiến sẽ tăng từ 2.833 tỷ đồng lên gần 3.173 tỷ đồng.
Công ty cũng cho biết sẽ tìm kiếm các khoản vay mới hoặc sản phẩm huy động vốn mới thông qua công nghệ tài chính Fintech, đồng thời đẩy mạnh công tác IR để tiếp xúc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đối với đề án Fintech này, lãnh đạo công ty cho biết đang cân nhắc lại do nhiều biến động trên thị trường trong thời gian qua.
Đặt mục tiêu lãi hơn 750 tỷ đồng sau khi thua lỗ năm 2021
Về kế hoạch đối với các dự án, ông Lê Quốc Bình cũng cho biết, giai đoạn 2022 - 2024, công ty sẽ tập trung khai thác các dự án cũ và chưa đầu tư các dự án mới.
Hiện, công ty đang có ba dự án mới với tổng vốn đầu tư 55.000 tỷ đồng, quy mô vốn lớn, quy mô dự án lớn và sẽ chính thức đầu tư trong giai đoạn 2024 - 2025. Giai đoạn từ giờ đến 2024, công ty sẽ giải quyết các vấn đề pháp lý đối với các dự án này.
Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc kiêm thành viên HĐQT phát biểu tại ĐHĐCĐ. (Ảnh: Hiền Minh).
Tại kỳ họp, công ty đã thông qua kế hoạch tổng doanh thu sẽ đạt gần 8.011 tỷ đồng, cao gấp đôi so với thực hiện năm 2021, kế hoạch lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 757 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 332 tỷ đồng.
Đối với mảng bất động sản, CII cho biết hiện đã hoàn tất những thủ tục pháp lý cần thiết và đang sở hữu một quỹ đất sạch khá lớn tại TP HCM cũng như các tỉnh thành khác với các dự án như 152 Điện Biên Phủ, NBB2, NBB3, D’Vernal, Khu dân cư kết hợp nghỉ dưỡng De Lagi (Bình Thuận), Khu dân cư Sơn Tịnh (Quảng Ngãi),...
Dự kiến trong giai đoạn 2022-2025, các dự án bất động sản sẽ đem về số tiền ròng 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, CII dự kiến hoàn thiện và bàn giao toàn bộ dự án The River Thủ Thiêm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong quý II/2022. Công ty cũng sẽ tiếp tục vận hành khối văn phòng (đã đưa vào hoạt động từ quý IV/2021) thuộc dự án 152 Điện Biên Phủ và hoàn thiện khối căn hộ trong quý IV/2022.
Bên cạnh đó, CII sẽ đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, thi công tại các dự án Sơn Tịnh, De Lagi, đồng thời hoàn thiện hồ sơ pháp lý tại dự án NBB2, NBB3.
Đối với mảng cầu đường, dự kiến trong năm 2022, CII sẽ bắt đầu thu phí hoàn vốn cho dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận từ ngày 1/7, đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu các dự án lớn có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng như dự án Đường trên cao, Các nút giao trong TP HCM, Cầu Thủ Thiêm 4,...
Đối với mảng xây lắp, CII sẽ tập trung thi công các dự án bất động sản của công ty như De Lagi, Sơn Tịnh và các dự án BOT như Mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, BOT DT741 giai đoạn 2,...
Ngoài ra, trong năm 2022, CII sẽ thoái vốn khỏi mảng nước (thông qua việc thoái vốn SII) để tập trung nguồn lực tài chính cho các mảng BOT hạ tầng giao thông và kinh doanh bất động sản. Tại phần thảo luận với cổ đông, lãnh đạo công ty cho biết đã đạt được thỏa thuận với bên mua và sẽ hoàn tất việc thoái vốn trong năm nay.
Một trong những nội dung quan trọng tại ĐHĐCĐ lần này là việc bầu Hội đồng quản trị mới nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT CII phát bieert tại ĐHĐCĐ. (Ảnh: Hiền Minh).
7 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới có 4 người là thành viên HĐQT nhiệm kỳ trước của CII, gồm ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT CII; ông Lê Quốc Bình, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CII; bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc CII và ông Dương Trường Hải, thành viên HĐQT CII, đồng thời là Giám đốc Công ty Mizuho Asia Partners Pte Ltd.
Ba thành viên còn lại là ông Lưu Hải Ca, Chủ tịch HĐQT Năm Bảy Bảy (NBB), bà Trương Thị Ngọc Hải, Phó trưởng phòng thẩm định Công ty Tài chính Nhà nước TP HCM và ông Lê Toàn, một Thạc sĩ kỹ thuật chuyên ngành cầu, hầm.
Bên cạnh đó, CII cũng tiến hành bầu Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027 với ba thành viên gồm bà Trịnh Thị Ngọc Anh, bà Trần Thị Tuất và ông Đoàn Minh Thư. Trong đó, bà Trịnh Thị Ngọc Anh đang công tác tại Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm (thành viên nhóm CII). Ông Đoàn Minh Thư là Trưởng Ban Kiểm soát tại CII và Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàn Mỹ. Ứng viên còn lại là bà Trần Thị Tuất từng là Phó Giám đốc tại Ngân hàng BIDV - chi nhánh Hồ Chí Minh, song đã nghỉ hưu từ năm 2013.
Cổ đông CII đặt câu hỏi. (Ảnh: Hiền Minh).
- Kế hoạch doanh thu 8.000 tỷ đồng của công ty đến từ những nguồn nào?
Ông Lê Quốc Bình cho biết, dự kiến 3.500 tỷ đồng sẽ đến từ mảng bất động sản, 2.500 tỷ đồng từ thu phí giao thông, 1.500 tỷ đồng từ mảng xây lắp, phần còn lại đến từ các hoạt động tài chính của doanh nghiệp.
- Chỉ tiêu lợi nhuận có khiêm tốn không khi trong quý I công ty đã đạt 85% kế hoạch?
Theo ông Bình, quý I công ty có lợi nhuận cao do thoái vốn Năm Bảy Bảy, song, các quý sau công ty sẽ không ghi nhận thêm phần lợi nhuận này.
Bên cạnh đó, chia sẻ thêm về tình hình kinh doanh của CII, ông Bình khẳng định, việc công ty có doanh thu, lợi nhuận chính từ hoạt động tài chính là hoàn toàn bình thường, do CII theo mô hình 'holding" và là nhà đầu tư tài chính trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
- Chia sẻ về các khó khăn trong tương lai
Đối với vấn đề này, ông Bình khẳng định, mảng BOT của công ty rất tốt, các khó khăn đều là ở mảng bất động sản do vướng mắc pháp lý nhiều năm. Trong dự án có đất công là những con hẻm, con rạch nằm xen kẽ, do đó, nhiều dự án vẫn chưa được triển khai.
- Hiệu quả tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Theo ông Bình, ước tính năm đầu tiên, dự án này sẽ thu 100 - 200 tỷ đồng và cứ sau 3 năm sẽ tăng 30% - 40%, biên lợi nhuận khoảng 18% - 20%/vốn chủ sở hữu. Dự kiến, dự án này sẽ đóng góp khoảng 40% - 50% doanh thu mảng thu phí của CII.
Ông Bình cho biết thêm, đối với các dự án BOT, doanh thu trong năm đầu tiên là thấp nhất và sẽ tăng trong các năm tiếp theo, những năm ghi nhận doanh thu cao nhất là những năm cuối của dự án.
-Quỹ đất sạch tại Thủ Thiêm, hiệu quả tại dự án The River (lô 3.15 tại khu đô thị mới Thủ Thiêm):
Đối với các vấn đề này, ông Lê Quốc Bình cho biết, công ty không thể trả lời được do có nhiều yếu tố nhạy cảm liên quan đến khu vực Thủ Thiêm. Ông Bình cho biết, theo nguyên tắc, đó là những tài liệu mật và công ty cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai.