Là một phần của thỏa thuận giai đoạn 1 được kí ngày 15/1, Trung Quốc có nghĩa vụ phải mua 200 tỉ USD hàng hoá của Mỹ trong 2 năm tới. Tuy nhiên, với sự bùng nổ, lay lan nhanh của chủng virus gây viêm phổi mới ở Vũ Hán, các nhà phân tích cảnh báo rằng các mục tiêu nhập khẩu vốn có vẻ khá hoang đường, nay trở nên khó khăn hơn.
Loại virus này được Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng so sánh với sự bùng phát của hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (Sars) để lại những "vết sẹo" kinh tế và tâm lí nghiêm trọng cho Trung Quốc. Nỗi lo về sự sụt giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với các mặt hàng thiết yếu, đã đẩy giá của nhiều sản phẩm chiếm phần lớn trong cam kết mua hàng, lên mức thấp kỉ lục.
Ví như giá đậu nành giao dịch trên thị trường Mỹ hôm 28/1 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm ngoái, trong khi giá ngô, lúa mì, dầu và dầu thực vật cũng giảm mạnh.
Các nhà phân tích đã hoài nghi về mục tiêu 200 tỉ USD trong 2 năm, trong khi người Trung Quốc có thể không có nhu cầu mua chúng. Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ chỉ mua hàng hóa của Mỹ theo nhu cầu trong nước.
Bây giờ, nếu Trung Quốc đạt được mục tiêu nhập khẩu thêm 32 tỉ USD hàng nông sản và 52,4 tỉ USD các sản phẩm năng lượng trong 2 năm, họ sẽ phải mua khối lượng hàng hóa lớn hơn. Mặc dù chính quyên đã đáp ứng nhu cầu ngắn và trung hạn trong nước với việc mua hàng từ các quốc gia, như Brazil và gia tăng canh tác trong nước.
Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng còn lưu ý, chưa kể đến cuộc khủng hoảng dịch tả heo châu Phi đã cắt giảm nghiêm trọng nhu cầu về thức ăn cho heo, do nông dân ngại tái đàn.
"Trung Quốc đã cam kết tăng nhập khẩu hàng Mỹ thêm 88,3% năm 2021 so với năm 2017. Tuy nhiên, nhu cầu gián đoạn kéo dài có thể khiến việc hoàn thành mục tiêu này khó khăn hơn", CNBC trích dẫn báo cáo của Panjiva Research cho biết.
Trung Quốc cũng đã đồng ý mua 77 tỉ USD hàng hóa sản xuất bổ sung từ Mỹ, một con số đáng hoan nghênh với tác động tiêu cực có thể xảy đến đối với tiêu dùng và công nghiệp ở Trung Quốc.
Một số thành phố và làng mạc về cơ bản bị phong toả, và điều này sẽ cản trở hoàn toàn việc lưu thông hàng hoá, nhất là hàng nông sản.
"Vì vậy, những con heo vốn được cho là sẽ có cơ hội đến lò mổ, sẽ không được vận chuyển đi đâu cả trong tình trạng hiện giờ", ông Andrei Agapi, Phó Giám đốc định giá nông nghiệp tại S & P Global Platts ở Singapore, cho biết.
Trong khi đó, thị trường Trung Quốc vẫn đóng cửa ít nhất cho đến ngày 3/2, theo lệnh của Hội đồng Nhà nước, nội các chính phủ trung ương của Trung Quốc. Khoảng 57 triệu người ở 15 thành phố đang bị cách li và các khu vực khác của Trung Quốc thực hiện lệnh cấm du lịch, chính phủ lo ngại rằng việc cho phép công nhân quay trở lại sớm sẽ giúp lan truyền virus corona.
Các ngành công nghiệp như bán lẻ và du lịch rõ ràng sẽ bị ảnh hưởng, nhưng với thị trường và nhà máy vẫn đóng cửa sau kì nghỉ, tiêu dùng cũng bị giảm xuống và sản xuất công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Dịch corona bùng phát chắc chắn tạt một xô nước lạnh vào các kế hoạch mua hàng trước đó, không chỉ về logistic, vì các cảng và hệ thống giao thông chính bị phong toả, mà còn về sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách.
Việc huy động hầu hết các nguồn lực của mình để xử lí ổ dịch, hiện là mục hàng đầu của Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại với Mỹ chắc chắn phải đến lần thứ hai", Nick Marro, lãnh đạo tại Đơn vị tình báo kinh tế ở Hồng Kông.
Ngay cả khi người Trung Quốc thật sự muốn mua hàng, các nhà nhập khẩu cũng đành bó tay vì các cảng đang tê liệt từ ngày 23/1 để nghỉ Tết Nguyên đán. Đến nay, nhiều người còn đang không chắc chắn liệu ngày 3/2 sắp tới, hệ thống xuất nhập khẩu có hoạt động trở lại hay không.
Hơn 450 công ty Mỹ sẽ bị thiệt hại
Không chỉ các điều khoản đôi bên hứa hẹn trong thoả thuận giai đoạn 1 có nguy cơ bị phá vỡ, mà các công ty Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại khi nhiều thành phố Trung Quốc bị phong tỏa. Thành phố Vũ Hán, tâm điểm của dịch bệnh lần này và các khu vực xung quanh, như Hợp Phì hay Giang Tô, đã bị cấm ra vào. Đây là những trung tâm sản xuất chính với các nhà máy Mỹ.
"Một nghiên cứu của Panjiva cho thấy hơn 450 công ty Mỹ lấy nguồn cung từ các doanh nghiệp ở Hồ Bắc", báo cáo cho biết.
"Về mặt thương mại, tôi nghĩ rằng tác động sẽ lớn nhất đối với các công ty có chuỗi cung ứng tại Vũ Hán và các thành phố khác đang bị phong toả. Vì sẽ không có hàng hóa nào được xuất ra trong thời gian sớm, chúng tôi dự đoán sẽ có sự gián đoạn và chậm trễ thanh toán. Một vài nhà sản xuất còn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng đó, vì vậy việc này chắc chắn sẽ có tác động", Carlos Casanova, chuyên gia kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Coface cho biết.
Hôm thứ ba, Nikkei Asian Review đã đưa tin các nhà cung cấp của Apple tại Trung Quốc đã cảnh báo, rằng nhu cầu tăng sản lượng iPhone của họ lên 10% trong năm nay có thể khó khăn. Vì các cơ sở sản xuất của họ được đặt tại các tỉnh Hà Nam và Quảng Đông, cả hai đều bị ảnh hưởng bởi virus corona.
Thành phố ven biển Sán Đầu ở Quảng Đông, cách 1.000 km so với tâm chấn của Vũ Hán, là thành phố đầu tiên bên ngoài tỉnh Hồ Bắc, đã bị phong toả. Đây là một trung tâm cho ngành sản xuất đồ chơi của Trung Quốc.
Một số chuyên gia trong ngành cung ứng đã cho rằng lệnh cấm ra vào có thể dẫn đến một số nhà máy không hoạt động trong thời gian dài, tạo ra nhiều vấn đề cho nền kinh tế chủ yếu dựa vào thương mại của Trung Quốc.
"Một số người có thể bị nhiễm bệnh mà họ không biết. Họ có thể không thể rời khỏi thành phố. Nếu bạn đang làm việc với một nhà máy đến từ khu vực Vũ Hán, nhà máy đó có thể không thể mở cửa trở lại trong thời gian tới", ông Renaud Anjoran, CEO của công ty tư vấn sản xuất và thương mại tập trung vào Trung Quốc Sofeast, dự đoán.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020