Bà mụ thực hiện nghi thức thổi tai đặt tên con mong đứa trẻ luôn gặp may mắn. |
“Thổi tai đặt tên con” là tập tục độc đáo của người dân tộc Ba Na để giúp cháu bé sinh ra mau ăn chóng lớn. Tục thổi tai hay uống rượu thổi tai, tiếng Ba Na gọi là (Et Hlôm đon). Đây là dịp đặc biệt để thần linh, bà con, họ hàng chào đón một người mới trước sự tươi vui, phấn khởi.
Cùng với đó, gia đình sẽ mở một buổi tiệc nhỏ để cảm ơn bà mụ đã giúp “mẹ tròn, con vuông” và sự chung vui của họ hàng, làng xóm với gia đình.
Để hiểu rõ hơn về tập tục này, chúng tôi tìm gặp già Ba Y Trang (bà mụ ngụ làng Kon Klor, phường Thắng Lợi – Kon Tum). Nhấp chén trà nóng, già kể : “Nghi thức thổi tai đặt tên được thực hiện khi đứa trẻ từ 1-3 tháng tuổi. Khi đó, mẹ đã có sức khỏe ổn định còn người con cũng đủ cứng cáp để trình diện thần linh”.
Trước ngày thực hiện nghi thức thổi tai, gia đình phải mổ một con heo lớn để làm lễ cúng bái thần linh và tiếp đãi họ hàng. Gia đình nào khá giả có thể giết trâu, bò dâng lên bề trên. Phần lễ thổi tai chủ yếu được thực hiện vào buổi chiều, nhưng từ sáng sớm cả gia đình đã tấp nập chuẩn bị, người thân và bà mụ đã được mời đến ăn cơm trưa.
Để thực hiện lễ thổi tai, gia đình đứa trẻ phải chuẩn bị: 3 ghè rượu, 3 con gà. Trong đó, 1 ghè rượu và 1 con gà để cảm ơn sự giúp đỡ của bà mụ đã đỡ đẻ thành công cho mẹ và bé; 1 ghè rượu và 1 con gà để dành cho chồng con bà mụ; 1 ghè rượu và 1 con gà chặt sẵn kèm với một ít thịt heo được thái ra đặt trong lá đầu.
Trước khi thực hiện nghi lễ thổi tai đứa bé trải qua thủ tục cho ăn cơm. |
Sau khi ăn trưa và chuẩn bị đầy đủ lễ vật, bà mụ sẽ tiến hành làm lễ cúng Giàng và các đáng linh thiêng. Trong lúc làm lễ, bố mẹ và đứa bé ngồi vòng tròn quanh ghè rượu. Bà mụ dùng ống dài khoảng 30-40cm, rỗng ở trong để thổi nhẹ vào tai đứa trẻ bằng những lời chúc tốt đẹp, cầu mong sức khỏe và sự bình an. Gia đình nào không kịp chuẩn bị ống thì bà mụ có thể dùng tay tạo thành ống và thổi.
Tại đây, bà mụ xin Giàng, các đáng thần linh cho đứa bé khỏe mạnh, thông minh, chăm chỉ lao động. Nếu là con trai “cái tay trong nhà, cái chân trong rừng”, nếu là con gái thì xinh đẹp, nết na và phải biết làm những công việc của người phụ nữ của gia đình, luôn “giữ cho cái bếp đỏ lửa”, “cái nhà sạch sẽ”.
Sau khi xin những điều tốt đẹp, bà mụ lấy chút rượu thoa lên người đứa bé, lấy ít gan gà, heo nhai cho đứa bé ăn. Thực hiện xong, đứa bé được trao trả lại cho người mẹ và nghi lễ cũng kết thúc. Sau đó, gia đình mời bà mụ và mọi người ăn và uống đến lúc say mới thôi.
Trong ngày này, anh em thân thiết và hàng xóm phải có mặt đông đủ, khách đến nhà đều mang theo một món quà, không quan trọng to hay nhỏ, nhưng chủ yếu là tấm lòng. Tại đây, khách phải tuân thủ theo quy định từ xa xưa do ông bà để lại. Khi uống rượu, nhất định phải mời mẹ trước, sau đó, đến người bố và anh em trong nhà theo vai vế.
Khi ra về, mỗi vị khách đều nhận được một món quà từ chủ nhà để đáp lại tình cảm của họ. Riêng bà mụ, được tặng một cái đùi heo to, béo cùng với sự cảm ơn sâu sắc của gia chủ khi bà đã đỡ đẻ và theo đứa bé từ lúc lọt lòng đến khi hoàn tất lễ thổi tai.
Theo cán bộ phụ trách mảng Văn hóa (phường Thắng Lợi) cho biết, hiện nay tập tục “thổi tai đặt tên con” đã giảm so với trước đây do người dân dần thích nghi với cuộc sống ngày càng phát triển. Chính quyền địa phương thường xuyên khuyến khích bà con phát huy những tập tục mang đậm nét văn hóa và hạn chế những hủ tục lạc hậu. Theo đó, tục thổi tai là một nét Văn hóa – truyền thống từ lâu đời của đồng bào dân tộc Ba Na, là sợi dây kết nối để tình cảm anh em khăng khít hơn.
Đô thị 09:22 | 06/10/2019
Du lịch 06:28 | 05/10/2019
Du lịch 19:10 | 25/09/2019
Kinh doanh 09:23 | 23/09/2019
Đô thị 14:14 | 08/08/2019
Du lịch 07:18 | 27/06/2019
Tiêu dùng 16:26 | 31/05/2019
Giáo dục 10:35 | 21/05/2019