Dự báo thị trường bất động sản ĐBSCL 2022: Nhiều tín hiệu tích cực, giá tăng trên 10%

Ông Dương Quốc Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Cần Thơ rằng có nhiều yếu tố tích cực giúp thị trường bất động sản ĐBSCL tăng trưởng ổn định trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Dự báo thị trường bất động sản ĐBSCL 2022: Nhiều tín hiệu tích cực, giá tăng trên 10% - Ảnh 1.

Nhiều yếu tố tích cực giúp thị trường bất động sản ĐBSCL tăng trưởng ổn định. (Ảnh minh họa: Báo Cần Thơ).

Theo báo cáo của VARS về thị trường bất động sản ĐBSCL, dự báo trong năm 2022 sẽ không xảy ra tình trạng sốt đất hay đóng băng. Mức giá dự kiến tăng trên 10% so với năm 2021.

Về thị trường nhà ở, các phân khúc giá thấp từ 1 - 2 tỷ đồng vẫn sẽ hấp dẫn nhà đầu tư. Ngược lại, các dự án phân khúc cao cấp được hấp thụ chậm hơn. Tiến độ xây dựng và chất lượng công trình tại các dự án quy mô lớn sẽ đáp ứng nhu cầu người mua để ở và nhà đầu tư nếu chủ đầu tư tiếp tục ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thanh toán trả chậm.

Thị trường cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn dòng sản phẩm chung cư cao cấp, đặc biệt tại các thành phố có tỷ lệ đô thị hóa cao như Cần Thơ, Long Xuyên.

Bất động sản công nghiệp nguồn cung khá dồi dào. Toàn vùng hiện có 65 khu công nghiệp được quy hoạch với diện tích 26.511 ha. Trong đó có 55 khu đang hoạt động với diện tích hơn 16.594 ha. Tiềm năng phân khúc này trong năm 2022 sẽ có chiều hướng lan rộng sang các tỉnh còn nhiều quỹ đất và thu hút đầu tư mạnh mẽ như Hậu Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long.

Nhu cầu cho thuê đất/nhà xưởng cũng sẽ tăng, nhờ các yếu tố cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện và các dự án thu hút FDI trong lĩnh vực chế biến chế tạo, sản xuất điện...

Về bất động sản nghỉ dưỡng, báo cáo VARS cho thấy thị trường tại Phú Quốc sẽ sôi nổi trở lại cùng với tiến độ kiểm soát dịch bệnh và mở cửa đón khách du lịch quốc tế.

Lý giải cho những dự đoán trên, ông Dương Quốc Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Cần Thơ cho biết, có nhiều yếu tố tích cực giúp thị trường tăng trưởng ổn định.

Thứ nhất là về mặt kinh tế - xã hội. ĐBSCL được định hình nền kinh tế cốt lõi là nông nghiệp, nhất là xuất khẩu gạo, thủy hải sản và trái cây. Qua các năm, kinh tế khu vực tăng trưởng rất ổn định. Đặc biệt, thủy sản ở ĐBSCL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia và luôn duy trì vị trí xuất siêu thứ nhất cả nước.

Tiếp theo là tiềm năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước ngày càng tăng. Năm vừa qua, Long An và TP Cần Thơ là hai địa phương thuộc top đầu cả nước về thu hút vốn FDI với số vốn lần lượt là 3,84 tỷ USD và 1,32 tỷ USD.

Tốc độ đô thị hóa cũng là một trong những tín hiệu tích cực, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Trong giai đoạn từ 2015 - 2019, tốc độ đô thị hóa trong khu vực ở khoảng 25%. Đến năm 2020, con số này lên đến 31%.

Đặc biệt, Chính phủ cam kết bổ sung nguồn lực đầu tư nhiều cái dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng cũng là tín hiệu tốt cho thị trường trong giai đoạn 2021 - 2030.

Ông Thủy phân tích, khu vực miền Tây vốn có điểm nghẽn về kết nối giao thông với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Tuy nhiên, việc cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thông xe và việc khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ góp phần khắc phục vấn đề này. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 được khởi công từ tháng 2/2020 cũng đang vượt tiến bộ tiến độ và dự báo hoàn thành trong 2023 để đảm bảo sự kết nối thông suốt vùng kinh tế trọng điểm từ TP HCM xuống Cần Thơ.

Ngoài ra các dự án cảng đường thủy, dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ dự kiến cũng sẽ tạo cú hích cho thị trường bất động sản.

Về lời khuyên dành cho các nhà đầu tư có nhu cầu mua bất động sản ĐBSCL trong thời điểm này, ông Dương Quốc Thủy cho rằng nhà đầu tư nên lựa chọn các dự án của chủ đầu tư có uy tín, đồng thời tìm đến các đơn vị môi giới chuyên nghiệp để tránh rủi ro.

Nhà đầu tư nên lựa chọn sản phẩm phù hợp túi tiền, không nên sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính quá lớn, cần hướng tới tầm nhìn đầu tư trung - dài hạn, tránh tình trạng đầu cơ, lướt sóng.

Đặc biệt, nhà đầu tư cần nắm bắt thông tin kịp thời về tình hình kinh tế, chính trị xã hội, triển vọng đầu tư tại các tỉnh thành để đón cơ hội đầu tư tại các thị trường tiềm năng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.