Gia Lai: Doanh nghiệp 'quên' trồng rừng thay thế

Để có các dự án khai thác khoáng sản, thủy điện, tỉnh Gia Lai đã phải đánh đổi hàng trăm ha rừng. Tuy nhiên, sau khi đã nhận dự án, các chủ đầu tư lại cố tình “quên” việc trồng lại rừng thay thế để trả lại cho chủ rừng.

Tại Điều 29, Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, nêu rõ: Khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp, ngoài báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án đền bù giải phóng mặt bằng, chủ chuyển đổi phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng được chuyển sang mục đích khác.

Thế nhưng, nhiều dự án thủy điện triển khai ở tỉnh Gia Lai vẫn cố tình phớt lờ việc trồng rừng thay thế với diện tích lên đến hàng trăm ha.

gia lai co tinh quen trong rung thay the
Hơn 26 ha rừng tự nhiên bị mất sau dự án thủy điện Ia Glea 2. Ảnh: N.A

Trao đổi với chúng tôi, ông Tào Huy Nam (phòng Sử dụng rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai) cho biết, các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải thực hiện trồng rừng thay thế là hơn 4.346 ha.

Trong đó diện tích các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước là hơn 3.428 ha. Các dự án sử dụng vốn doanh nghiệp là gần 918 ha trong đó có hơn 685 ha rừng trồng thay thế liên quan đến 14 công trình thủy điện, còn lại là các dự án khai thác khoáng sản.

“UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt phương án trồng rừng thay thế hoặc cho phép các doanh nghiệp nộp tiền vào quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (64,3 triệu/ha/4 năm). Đến nay, đã có hơn 778,4 ha rừng được trồng thay thế hoặc nộp tiền, nhưng vẫn còn hơn 139 ha rừng chưa được các doanh nghiệp chưa trồng rừng thay thế”, ông Nam thông tin

Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều đơn vị chưa nộp đủ hoặc chưa nộp và cũng không trồng lại rừng thay thế như Công ty Cổ phần - Thủy Điện Bảo Long Gia Lai chưa nộp tiền trồng rừng thay thế cho hơn 52,5ha rừng.

Làm việc với các cơ quan chức năng, đại diện công ty cho rằng công ty đang khó khăn về tài chính, nguyên nhân do các sự cố vỡ đập, phải bồi thường thiệt hại cho người dân. Công ty cũng xin thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế sau khi công trình thủy điện Ia Krel 2 hoàn thành và đi vào vận hành sản xuất điện.

Tương tự, năm 2010 công ty CP Thủy điện Khải Hoàng cũng được UBND tỉnh Gia Lai cấp cho 80 ha đất các loại để xây dựng thủy điện Ia Glea 2. Trong đó có hơn 30 ha đất rừng tự nhiên. Tuy nhiên đến năm 2013, thủy điện Ia Glea 2 vẫn không được xây dựng, lúc này UBND tỉnh Gia Lai phải tiến hành thu hổi thì phát hiện 26,3 ha rừng tự nhiên đã bị phá, công ty này cũng không thực hiện trồng rừng thay thế để trả lại cho chủ rừng

Ngoài ra, theo ông Nam nhiều dự án khác như khai thác khoáng sản cũng chưa trồng rừng thay thế hoặc đang nợ tiền như Công ty TNHH Quốc Duy Gia Lai 5,062 ha.

“Nhiều dự án đã khai thác xong hoặc chuyển dự án cho đơn vị khác nên rất khó liên lạc. Thậm chí, nhiều đơn vị khi đoàn kiểm tra làm việc nhưng không hợp tác, không liên lạc được. Đối với các dự án này, chúng đối đã có văn bản tham mưu, đề nghị UBND tỉnh xử lý cương quyết”, ông Nam nói.

Theo UBND tỉnh Gia Lai, đối với diện tích phải trồng rừng thay thế của các dự án sử dụng vốn nhà nước (hơn 3.428 ha) nhu cầu vốn cần khoảng gần 217 tỷ đồng nhưng chưa bố trí được nguồn vốn. Trong đó lớn nhất là dự án xây dựng công trình hồ chứa nước thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) với hơn 2.783 ha.

Theo ông Kpah Thuyên, phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đối với dự án hồ thủy lợi Ia Mơr, hiện nay vẫn đang chờ kinh phí từ trung ương. UBND tỉnh đã có văn bản Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành Trung ương quan tâm bố trí kinh phí ngân sách nhà nước cho tỉnh Gia Lai để triển khai trồng rừng thay thế đảm bảo kế hoạch đề ra.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.