Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố Lịch sử là môn thi thứ 4 trong kì thi vào lớp 10 THPT năm học 2019 – 2020.
Thí sinh chỉ còn chưa đầy 3 tháng để chuẩn bị bước vào kì thi vào lớp 10 năm 2019. Ảnh minh họa: IT.
Từ đề thi minh họa được Sở GD&ĐT Hà Nội công bố vào tháng 10/2018 có thể thấy, đề thi đòi hỏi học sinh có khả năng ghi nhớ các sự kiện, nhân vật lịch sử và mốc thời gian nổi bật.
Bên cạnh đó học sinh cũng phải nắm được những đặc điểm nổi bật của từng giai đoạn lịch sử, có cái nhìn tổng quát xuyên suốt cả thời kì lịch sử để trả lời những câu hỏi liên chuyên đề. Kiến thức trong đề thi bao trùm toàn bộ các chương trong sách giáo khoa lớp 9 từ lịch sử thế giới đến lịch sử Việt Nam theo tỉ lệ 30 - 70.
Với những đặc điểm như vậy, đòi hỏi học sinh cần có lộ trình học phù hợp cho thời gian còn lại. Tổ giáo viên Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã gợi ý kế hoạch học tập như sau:
Tháng 3, học sinh đã học gần xong chương trình lớp 9, đây là thời điểm cần rà soát lại các kiến thức đã học. Dựa vào cấu trúc đề thi để ôn tập theo các chương trong SGK. Đọc và học kỹ các bài tổng kết ở mỗi chương để nắm được biễn biến của lịch sử trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kì.
Luyện tập và trả lời câu hỏi dưới mỗi bài. Đồng thời có thể hệ thống kiến thức theo sơ đồ tư duy theo từng chương, phần kiến thức.
Tháng 4, bên cạnh việc học và ôn các kiến thức còn thiếu, học sinh cần ôn luyện qua các đề thi thử theo hình thức trắc nghiệm để làm quen với cấu trúc đề thi, kiểm tra mức độ nắm kiến thức của bản thân để có kế hoạch bổ sung kịp thời.
Tháng 5, học sinh đẩy mạnh việc luyện đề nhằm rèn phản xạ với loại câu hỏi trắc nghiệm môn Lịch sử, phân bổ thời gian hợp lý khi làm đề, tìm phương pháp làm bài nhanh, nhớ kiến thức lâu hơn.
Cô Thu Hương, giáo viên Lịch sử chia sẻ về cách học cho các thí sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 năm 2019. Đồ họa: N.Minh.
Cô Lê Thu Hương, giáo viên Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ: "Học sinh nên học qua sơ đồ tư duy, mỗi chương, mỗi sự kiện lịch sử quan trọng hãy tự lập sơ đồ tư duy để qua đó ghi nhớ luôn các kiến thức quan trọng và thuận tiện khi ôn lại sau này. Đồng thời tổ chức học nhóm, trao đổi, đối chiếu với nhau để hiểu và nhớ bài nhanh hơn".
Thạc sĩ Lịch sử Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Trưởng phòng Đào tạo Hệ thống Giáo dục HOCMAI cũng gợi ý 4 cách học để nhớ nhanh hơn:
Thứ nhất, học sinh cần bám sát cấu trúc đề minh họa để ôn luyện và có kế hoạch ôn theo đúng lộ trình.
Thứ hai, thí sinh nắm chắc kiến thức căn bản, không cần nhớ tỉ mỉ, chi tiết nhưng phải nhớ được các mốc sự kiện chính, các sự kiện mang tính chất bước ngoặt.
Thứ ba, các em nên ôn kĩ các bài tổng kết chương để nắm được các nội dung chính, trọng tâm của chương, các tiến trình lịch sử ở mỗi chương, mỗi giai đoạn, mỗi thời kì.
Thứ tư, học sinh nên luyện tập với các đề thi thử thường xuyên nhằm làm quen với cấu trúc đề thi, rèn phản xạ với từng loại câu hỏi, phân bổ được thời gian trả lời, kiểm tra được kiến thức đã ôn được, kiến thức còn thiếu để kịp thời bổ sung cũng như nhớ bài được lâu hơn qua việc luyện tập.
Ngay từ thời điểm này, học sinh có thể làm thử đề thi minh họa môn Lịch sử kì thi vào lớp 10 THPT năm 2019 mà Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố, từ đó đánh giá được kiến thức của bản thân. Đồng thời tham khảo lộ trình cùng các tư vấn của giáo viên ở trên để có kế hoạch ôn tập tốt nhất.
Giáo dục 14:36 | 27/06/2019
Đô thị 14:44 | 25/06/2019
Thời sự 18:48 | 24/06/2019
Giáo dục 14:46 | 24/06/2019
Giáo dục 17:54 | 23/06/2019
Giáo dục 06:00 | 22/06/2019
Giáo dục 16:22 | 21/06/2019
Giáo dục 07:08 | 15/06/2019