Grab không được hoạt động ở Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc

Bộ GTVT yêu cầu Grab không triển khai thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lí và kết nối hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng (Hợp đồng vận tải điện tử) trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.
Grab không được hoạt động ở Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa).

Grab không được hoạt động ở Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc

Theo thông tin chúng tôi nhận được, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu chấn chỉnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng và xe taxi của Công ty TNHH Grab trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và TP Hà Nội.

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết trước đó đơn vị này có nhận được văn bản của Hiệp hội Taxi Hà Nội về việc các hãng taxi được cấp phù hiệu ngoại tỉnh kinh doanh tại nội thành Hà Nội.

Liên quan đến nội dung này, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT yêu cầu Công ty TNHH Grab thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (xe GrabCar) trên địa bàn Thủ đô theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT.

Về phía các địa phương khác, Bộ GTVT đề nghị chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương kiểm tra, xử lí theo quy định của pháp luật hiện hành các vi phạm (nếu có) đối với lái xe, đơn vị vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm đối với hoạt động vận tải có ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lí kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn địa phương.

Đối với Công ty TNHH Grab, Bộ GTVT yêu cầu nghiêm chỉnh chấp hành đúng qui định của pháp luật hiện hành, quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/01/2016 của Bộ GTVT và quy định của UBND TP Hà Nội.

Bộ cũng yêu cầu Grab không triển khai thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lí và kết nối hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng (Hợp đồng vận tải điện tử) trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, Grab không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi để cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lí và kết nối hoạt động vận tải khi chưa có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và các Sở GTVT Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc (bao gồm cả xe taxi).

Hàng ngàn taxi ngoại tỉnh "tràn" vào Thủ đô?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết thời gian vừa qua, trên địa bàn Thủ đô xuất hiện nhiều hãng taxi được cấp phù hiệu ngoại tỉnh hoạt động.

Theo đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội, các đơn vị vận tải có phù hiệu ngoại tỉnh kinh doanh tại Thủ đô có thể kể đến như hãng taxi Sao Thủ đô; taxi 24h; taxi Sao Việt Nam...

"Qua tìm hiểu, các công ty trên đã có hơn 3.000 xe hoạt động thường xuyên trên địa bàn Hà Nội.

Với cách thức hoạt động và các hình thức quảng cáo, mời chào, tiếp thị của các hãng nói trên trong địa bàn TP Hà Nội trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy các công ty này có dấu hiệu lách luật, phá giá thị trường...

Các đơn vị này hoạt động không có bộ máy quản lí điều hành theo qui định; gây ra sự mất ổn định và sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vận tải hành khách tại địa bàn TP Hà Nội.

Đặc biệt là lái xe các hãng này đều được cài ứng dụng Grab để hoạt động kinh doanh đón trả khách mặc dù phương án kinh doanh đều được lập tại các tỉnh ngoài Hà Nội", phía Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay.

Phía Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng việc taxi ngoại tỉnh hoạt động như trên gây ra sự bất bình đẳng.

Ngoài ra, Hiệp hội này cho biết Sở GTVT Bắc Ninh và Hưng Yên cũng có văn bản chưa cho phép Grab triển khai tại địa phương.

"Vì vậy việc Grab cài ứng dụng cho các đơn vị taxi ngoại tỉnh kinh doanh tại Hà Nội theo nội dung Quyết định 24 mà Bộ GTVT đã ban hành là hoàn toàn sai phạm", Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay.

Theo Điều 6 Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh vận tải bằng xe ô tô (Dự thảo lần thứ 8 được Bộ GTVT trình Chính phủ mới đây):

Trong thời gian 1 tháng, xe taxi phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng; xác định thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Trong thời gian 1 tháng, xe ô tô kinh doanh vận tải khách bằng xe hợp đồng có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả lái xe) xử dụng hợp đồng vận chuyển hành khách điện tử phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phủ hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng; xác định thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Theo Bộ GTVT, các qui định này nhằm tránh việc xe hợp đồng hoạt động như xe tuyến cố định, tránh việc đăng ký ở địa phương này nhưng hoạt động ở địa phương khác dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh...

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.