Hoàng Dũng: ‘Đi đâu đi nữa, cứ Tết là phải về nhà’

Tết trong kí ức sao Việt là một chủ đề được nhiều hâm mộ quan tâm. Với Hoàng Dũng - chủ nhân của bản hit “đi đâu để thấy hoa bay” thì Tết có nghĩa là phải về nhà...
hoang dung di dau di nua cu tet la phai ve nha
Hoàng Dũng: ‘Đi đâu đi nữa, cứ Tết là phải về nhà’

“Dũng năm nay 22 tuổi. 4 năm xa nhà lên thành phố học và làm, mình nhận ra một điều rằng mình nên trân trọng những thời gian bên gia đình và người thân nhiều hơn, nhất là vào dịp Tết.

Những cái Tết của mình trải qua hết sức là bình thường như bao gia đình khác thôi, thế nhưng hễ cứ gần tới Tết, mình lại rạo rực niềm nhớ và khao khát trở về nhà. Giữa nhịp sống nhộn nhịp và xô bồ như thế này, việc trở về nhà, cùng gia đình dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị đồ Tết luôn là một điều tuyệt vời.

Năm nào cũng vậy, gia đình sẽ bắt đầu có những hoạt động đầu tiên để đón Tết là làm cơm cúng ông Công ông Táo, dọn dẹp bàn thờ tổ tiên và làm cơm cầu hạnh phúc cho gia đình, năm nào mình cùng anh trai cũng đều đi thả cá bên chiếc cầu Gia Bảy (Thái Nguyên) đó là chiếc cầu nối 2 bên thành phố với nhau và coi nó như 1 hoạt động luôn luôn phải có mỗi năm.

Sau đó sẽ là dọn dẹp nhà cửa vào ngày 27 âm lịch, mua sắm mứt Tết, bánh kẹo và hạt hướng dương để bày biện. Đào và quất là 2 loại cây không năm nào thiếu trong không gian ngôi nhà của mình vào dịp Tết, và ngày 28 Tết là thời điểm gia đình sẽ cùng đi chọn mua đào và quất cùng nhau. Mình thích cái không khí nhộn nhịp của chợ hoa, thích mùi Tết rõ rệt bao trùm không khí lúc ấy.

hoang dung di dau di nua cu tet la phai ve nha
Bánh gù, loại bánh mà mỗi dịp Tết mẹ Hoàng Dũng thường gói.

Ngày 29 Tết, mình cùng gia đình sẽ cùng nhau gói bánh chưng chuẩn bị cho giao thừa. Gia đình mình là người dân tộc Tày và mẹ mình cũng muốn giữ lại nét độc đáo trong chiếc bánh chưng của người Tày. Người dân tộc một số vùng núi phía Bắc biến tấu bánh chưng thành một loại bánh có tên là bánh Gù (Bánh chưng đen). Màu đen của gạo được tạo nên bởi than của cây gỗ thuốc được giã thành bột, rây mịn và trộn trực tiếp với gạo (đương nhiên là rất hợp vệ sinh). Nhân bánh vẫn là đậu xanh và thịt mỡ.

Điểm thú vị ở chiếc bánh này không chỉ ở màu đen của bánh, mà còn do cách gói bánh độc đáo nữa, thoạt nhìn tưởng giống bánh Tét nhưng là có 1 chút khác biệt, bánh Gù có hình dạng dài, nhô cao ở giữa bánh và không có khuôn, chính vì thế nên nó được gọi là bánh Gù. Khi ăn chỉ cần dùng chính đường gân của lá dong để cắt bánh là có thể dùng được ngay. Đây là loại bánh mà năm nào nhà mình cũng làm, một phần để nhớ lại hương vị của cha ông, một phần cũng muốn thay đổi khẩu vị cho đa dạng và để tiếp đãi khách đến chơi Tết.

hoang dung di dau di nua cu tet la phai ve nha
Chủ nhân của bản hit "Đi đâu để thấy hoa bay" luôn trân trọng những khoảnh khắc đặc biệt của Tết.

Giao thừa tới, không thể thiếu mâm cơm giao thừa. Cả nhà cùng chuẩn bị mâm cơm, vừa làm vừa trò chuyện. Tối ngày hôm đó, cả nhà sẽ cùng ăn cơm, xem Táo Quân và trò chuyện. Thời khắc chuyển giao năm mới là thời khắc mà Dũng cảm thấy đáng nhớ nhất trong năm. Nhà Dũng có một vị trí rất thuận lợi trong việc ngắm pháo bông (mà hình như năm nay hết pháo bông), năm nào cả nhà cũng lên sân thượng, nổ champaign đúng thời điểm giao thừa và cùng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.

Cái Tết của Dũng chỉ đơn giản vậy thôi, Dũng trân trọng những khoảnh khắc đặc biệt như vậy để nguôi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ người thân và có thêm động lực để tiếp tục con đường mình đang theo đuổi,”

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.