“Tụi chị ai cũng có nhà, ngôi nhà được di chuyển từ bến này sang bến khác của tụi chị là đây chứ đâu, nhìn những miếng tôn chi chít vết đóng đinh đó cưng thấy được tụi chị đi nhiều đến mức nào?” chị Tuyết Mai Ly (44 tuổi) trưởng đoàn lô tô chia sẻ.
Tình nghĩa
Từ khi thành lập đến nay, đoàn lô tô của chị Tuyết Mai Ly đã đậu bến ở khắp các tỉnh từ Bình Định trở vào, mỗi nơi đoàn chỉ ở vài ba tuần, đến khi vắng khách lại chuyển đi nơi khác. Vậy mà như có duyên, ở đâu dân cũng thương, cũng mến.
VIDEO: Chuyện một ngày của gánh lô tô.
Chúng tôi gặp đoàn lô tô của chị khi đoàn đã đậu bến tại xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ được hơn 1 tháng.
Tấm phông sân khấu đã mục sau bao lần chuyển bến lại gặp phải mấy trận mưa bất ngờ đầu tháng 4 nên rách tả tơi phập phồng theo gió, các gian hàng dựng tạm bằng vài ba thanh sắt chắp vá được bao bọc bởi những tấm bạt che mưa nắng. Ở giữa sân đất là nơi kê bàn nhựa để khách đến uống nước và dò lô tô.
Điều nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi nhất đó là những miếng gỗ ở sàn sân khấu, miếng thì mục nát, miếng thì nằm trơ trọi. Thấy chúng tôi đang lúi húi nhìn sân khấu, anh Thái Thanh Hà, ông bầu cũng là chồng của trưởng đoàn liền nói: “Mấy bữa nay mưa nhiều quá nên cái gì cũng tả tơi hết trơn, chắc phải qua vài bến nữa mới có đủ tiền sửa lại”.
Anh Hà cho biết đoàn lô tô của anh đã đi đến nhiều tỉnh ở khu vực phía nam, xa nhất là ra đến Bình Định và vài tỉnh Tây Nguyên. Nhưng các tỉnh miền Tây vẫn là địa bàn yêu thích của các đoàn lô tô bởi nếu may mắn thì có thể làm giàu còn không thì cũng sống lai rai trong lúc chờ bến mới. Ở xã Trung Thạnh, đoàn lô tô của anh đã đậu được hơn 1 tháng rồi nhưng vẫn chưa dời đi, một phần vì chưa diễn được nhiều do mưa gió và một phần vì còn duyên.
“Có mấy ngày chị em trang điểm lên đồ hết rồi mà sấm chớp đùng đùng rồi mưa gió ập đến, vậy là đêm đó mọi người nằm chèo queo. Ngay phía sau sân khấu lại là ruộng lúa nên gió giật mạnh rách toạc tấm phông. Mưa mấy ngày liên tiếp không hát được, dân thương nên người mang gạo, người mang đồ ăn lại cho cả đoàn”, anh tâm sự.
Còn chị Tuyết Mai Ly thì nhớ lại ngày mới lập đoàn, có những lần mới đậu bến đã bị giang hồ tới kiếm chuyện với những người trong đoàn, đòi đập phá mấy gian hàng trò chơi. Vậy mà sau khi chị ra nói chuyện, mấy người mặt mày bặm trợn lại trầm giọng và nói chắc nịch: “Chị diễn ở đây, ai đến gây khó dễ cứ kêu tụi tui!”.
Có mấy ngày chị em trang điểm lên đồ hết rồi mà sấm chớp đùng đùng rồi mưa kéo ập đến, vậy là đêm đó mọi người nằm chèo queo. Ngay phía sau sân khấu lại là ruộng lúa nên gió giật mạnh rách toạc tấm phông. Mưa mấy ngày liên tiếp không hát được, dân thương nên người mang gạo, người mang đồ ăn lại cho cả đoàn, Anh Thái Thanh Hà chia sẻ |
“Có lẽ giang hồ thương phận chị pê đê. Chứ có đôi lần đi xin giấy tờ mỗi khi đậu bến đều phải gửi phong bì cho người này cà phê, người kia thuốc lá mới được con dấu”, vừa dứt câu chị bĩu môi rít điếu thuốc một hơi dài rồi nhả khói ra không trung.
‘Mánh’ kiếm tiền
Bán vé dò lô tô là nguồn thu chính của đoàn. Ngoài ra, đoàn cũng tổ chức thêm nhiều trò chơi cho con nít như xe ngựa và nhà phao, còn người lớn thì có trò ném lon hoặc phóng phi tiêu.
Cũng có nhiều bến khách đến chơi nhiều trò rồi mới dò lô tô nhưng riêng bến này khách chơi chút xíu rồi nghỉ, khi có MC lên sân khấu là khách chỉ chơi lô tô và nghe hát.
Để thu hút được người dân đến chơi, đoàn lô tô của chị Tuyết Mai Ly phải chuẩn bị nhiều quà làm phần thưởng cho các vòng quay số như: dầu ăn, bột ngọt, nước rửa chén, đường, quạt máy.
Có những vùng người dân không thích vật dụng thì phần thưởng là tiền mặt hoặc vàng.
Phần thưởng có giá trị cao nhất là ở vòng đặc biệt, vòng này đoàn thường treo giải có giá trị lớn như 1 triệu đồng hoặc nửa chỉ vàng.
Trước vòng đặc biệt, khách mời là ca sĩ chuyên hát hội chợ sẽ lên sâu khấu biểu diễn vài ca khúc đang nổi hoặc một vài đoạn cải lương như để chiêu đãi khán giả đã ủng hộ đoàn.
Khi lên sân khấu, những “cô nàng” này phải hát khéo léo và lựa lời chọc cười khán giả để kéo dài thời gian cho nhân viên bán sạch vé, mỗi tấm vé có giá trị 10.000 đồng. Từ trên sân khấu, chị Ly thấy nhân viên vẫn chạy đôn chạy đáo mời mọc khách nên cất câu hát "một vé chót, một vé chót". Khi bán được tấm vé đó rồi thì lại hô bán thêm vé chót nữa. Khi gần đến vòng ca sĩ hội chợ hát, giá vé lô tô giảm từ 10.000 đồng xuống còn 5.000 đồng để kiếm thêm chút đỉnh.
Chị Ly trải lòng: “Ca sĩ biểu diễn ngày kiếm mấy chục triệu chứ tụi chị chỉ kiếm bạc cắc, có đêm lỗ không đủ tiền cho ca sĩ với nhân viên, chị phải đi cầm cái điện thoại hoặc cái xe, rồi hát 2 - 3 bữa đủ tiền lại chuộc về. Vậy nên cưng để ý thấy hông, trên sân khấu chị hay vừa hát vừa rao một vé chót, một vé chót, một vé chót nữa rồi chọc cười để người dân thương tình mua ủng hộ”.
Còn anh Thái Thanh Hà thì cho biết vài ba năm trước, đoàn có cả trò chơi bầu cua. Trò này kiếm tiền dễ nhưng tiêu xài nhanh hết và không bền nên anh chị không làm nữa mà tập trung vào bán trà đường, nước ngọt. Anh Hà bộc bạch: “Trà đường bán 5.000 đồng một ly mà nấu lại nhanh, nguyên liệu cũng không nhiều, quan trọng là giá rẻ nên bà con mua ủng hộ nhiều trong lúc chờ dò lô tô. Nhờ vậy mà trừ hết chi phí có hôm cũng dư được mấy trăm ngàn, hôm thì vài chục, những hôm nào mưa gió thì lỗ vốn”.
Cứ vậy, qua mỗi đêm, từng đồng bạc lẻ gom góp được nuôi sống cả đoàn lô tô ngày này qua tháng khác.
(Còn tiếp)
'Cô đào' chuyển giới lớn tuổi nhất Việt Nam: Bên đời tôi còn người vợ tri kỷ
Từng một thời, sân khấu lô tô nào có cái tên “Trang Kim Sa” trên những tấm áp phích quảng cáo là y như rằng ... |
6 nghệ sĩ được cộng đồng LGBTIQ Việt yêu thích nhất năm 2017
Họ chính là những nghệ sĩ Việt đã đồng hành cùng cộng đồng LGBTIQ (đồng tính, song tính, chuyển giới, lưỡng tính và khác) trong ... |
LGBT 06:00 | 02/01/2018
LGBT 00:31 | 31/12/2017
LGBT 13:19 | 26/12/2017
LGBT 07:21 | 24/12/2017
LGBT 11:01 | 23/12/2017