Tại cuộc họp báo thường kì Chính phủ diễn ra chiều nay, 2/6, Bộ Tài chính được chất vấn về thời gian cụ thể quy định giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng kí ô tô được áp dụng.
Cuối tháng 5, Chính phủ ra Nghị quyết số 84, trong đó có nội dung giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng kí ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020, nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.
Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho biết Nghị quyết 84 tinh thần là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, để duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vì vậy, cho phép các Bộ ngành thực hiện theo thủ tục rút gọn.
Tuy nhiên, Nghị quyết này có nhiều nội dung, có nhiều văn bản cần được xây dựng và trình gấp.
"Bộ Tài chính đã cho các đơn vị liên quan thực hiện. Đang xin ý kiến nội bộ, dự thảo sẽ xin ý kiến các Bộ ngành, rồi chuyển Bộ Tư pháp rồi mới trình Chính phủ. Chúng tôi sẽ cố gắng sớm tối đa, nhanh nhất, mới có thể tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp", Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.
Liên quan việc có áp dụng hồi tố cho quy định giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng kí ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 hay không, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết một số văn bản có quy định hồi tố, như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
"Riêng phí trước bạ, mục tiêu giảm 50% lệ phí nhằm kích cầu tiêu dùng, nên quan điểm của cơ quan soạn thảo là từ bắt đầu từ nay trở đi. Như vậy, cũng không nên hồi tố, những người đã mua rồi mà hồi tố thì rất phức tạp, không hợp lí, không có tác dụng kích cầu. Đối với lệ phí trước bạ, với quan điểm Chính phủ đặt ra thì sẽ có hiệu lực từ ngày kí", Thứ trưởng Vũ Thị Mai nêu quan điểm.
Bà cũng nói thêm tuy nhiên, dự thảo vẫn còn phải xin ý kiến các Bộ ngành trước khi trình Chính phủ.
Như vậy, người mua ô tô thời điểm trước khi quy định giảm 50% phí trước bạ có hiệu lực thì sẽ không được áp dụng giảm.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng trả lời về việc Chính phủ có chính sách giãn một số loại thuế trong vòng 5 tháng cho doanh nghiệp. Nhưng hiện nhiều doanh nghiệp đề xuất lên 12 tháng, vì 5 tháng chưa đủ phục hồi.
Theo bà, hiện Nghị định 41 gia hạn thuế với thời gian gia hạn 5 tháng, và các doanh nghiệp được gia hạn dài hơn, cụ thể là 12 tháng. Theo quy định của Luật Quản lí thuế, việc gia hạn thuế, phí nếu ảnh hưởng đến dự toán ngân sách đã được Quốc hội thông qua thì phải trình Quốc hội.
Trường hợp gia hạn thuế không làm ảnh hưởng ngân sách đã được Quốc hội thông qua, thì tuỳ thuộc vào thẩm quyền của Chính phủ.
Chính vì vậy, các trường hợp gia hạn thuế 5 tháng theo Nghị định 41 không ảnh hưởng đến dự toán của năm 2020, nếu gia hạn dài hơn phải trình báo cáo Quốc hội.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Nghị định 41 thuộc thẩm quyền của Chính phủ, trường hợp gia hạn dài hơn phải trình Quốc hội.
Cũng liên quan chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19, phóng viên chấ vấn lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước việc nhiều doanh nghiệp than khó tiếp cận nguồn vốn, bởi bản thân họ đang gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng ngân hàng không hạ chuẩn cho vay.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết NHNN đã có chỉ đạo trong toàn ngành rất sớm, vào cuộc rất nhanh, quyết liệt hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp và người dân khó khăn trong thời gian dịch bệnh.
Nhưng chuyện không hạ chuẩn tín dụng trong cho vay là một nguyên tắc. Tín dụng hạ chuẩn đồng nghĩa với nợ xấu và mất an toàn cho từng tổ chức tín dụng, cũng như an toàn hệ thống tài chính quốc gia. Vì vậy, bảo đảm nguyên tắc an toàn cho hệ thống tín dụng được quy định rất rõ ràng.
Vấn đề thiếu vốn hoặc hỗ trợ một cách tích cực hơn vốn cho các doanh nghiệp, Phó Thống đốc cho biết đã ban hành nhiều chỉ đạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giãn, hoãn các khoản nợ, khoản lãi đến hạn hết năm 2020.
NHNN cũng đang xem xét các khó khăn của doanh nghiệp để điều chỉnh thêm, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp, cũng như các tổ chức tín dụng để giải ngân vốn và hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đang có điều kiện và có những dự án hiệu quả thì hỗ trợ vốn đang được thực hiện tích cực. Các doanh nghiệp đang khó khăn, chưa có nhu cầu vay vốn, việc xử lí nợ cũ được giãn, hoãn một cách hợp lí, tích cực hơn để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo NHNN nhấn mạnh việc hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp hiện nay với điều kiện được bảo đảm chất lượng tín dụng vẫn được thực hiện song hành. Việc không hạ điều kiện tín dụng không làm ảnh hưởng đến hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và người dân.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020