Ghi nhận tối 27 và sáng nay 28 tháng Chạp (22/1), tình hình giao dịch tại các cây ATM của nhiều ngân hàng ở TP HCM đều đông đúc.
Đáng chú ý, như đã phản ánh trước đó về việc một loạt ATM của các ngân hàng "nghỉ Tết" từ 25 tháng Chạp, thì hiện tình hình vẫn còn tiếp diễn. Hôm nay là ngày làm việc cuối cùng của người lao động trước khi nghỉ Tết Canh Tí 2020, nhu cầu rút tiền mặt cũng tăng cao.
Ghé trụ ATM của Ngân hàng Đông Á trên đường Nguyễn Du (quận 1), chị Minh Thư bức xúc khi tại đây có đến hai buồng rút tiền nhưng cả 2 đều không hoạt động.
Bên ngoài, buồng ATM này dán thông báo: "ATM tạm ngưng hoạt động. Quý khách vui lòng giao dịch tại buồng ATM gần nhất! Ngân hàng Đông Á sẵn sàng phục vụ quý khách qua số hotline: 1900545464".
"Sẵn sàng phục vụ như thế nào mà tôi vừa mới từ buồng ATM cách đây hơn 1 km, cũng không cho rút. Tôi phải dùng điện thoại để tra địa chỉ buồng gần nhất, đến nơi thì lại như thế này, giờ lại phải tra tiếp địa chỉ một buồng nữa", chị Thư khó chịu.
Chị Thư cho biết có nghe đồng nghiệp nói về việc rút tiền mấy ngày này "khó như lên trời" nhưng không nghĩ đến mức chạy liền 3-4 cây như chơi trốn tìm để rút tiền.
"Ở thành phố, giao dịch không tiền mặt thì rất dễ, bình thường tôi cũng không để nhiều tiền mặt trong ví. Nhưng về quê ăn Tết, tìm cây ATM rút tiền còn hiếm, thì làm sao các cửa hàng chấp nhận thanh toán thẻ", chị Thư nói.
Tương tự, trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), trụ ATM của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng tạm "nghỉ Tết" trước người lao động.
Ngay cả những trụ tại các phòng giao dịch của ngân hàng cũng trong tình trạng bất động. Một cây ATM khác của SCB cạnh một phòng giao dịch tại quận 3, không hề thông báo tạm ngưng nhưng cứ đến bước cuối cùng là nhả thẻ mà không trả tiền.
Trên đường Phan Xích Long (Phú Nhuận) sáng nay, một loạt phòng giao dịch của các ngân hàng như Vietcombank, ACB, VPBank… đều đông đúc khách đợi giao dịch so với ngày thường.
Trong ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ Tết, nhiều người đến giao dịch chủ yếu để gửi tiết kiệm từ tiền lương, thưởng Tết, nộp tiền vào tài khoản, chuyển khoản, nộp lãi… Một khách hàng cho biết anh mất khoảng 10-15 phút chờ đến lượt, trong khi ngày thường rất hiếm khi phải chờ nộp tiền, vì phòng giao dịch này không đông khách.
Trong khi đó, bên ngoài phòng giao dịch, dòng người vẫn nối đuôi nhau chờ đến lượt rút tiền. Đáng chú ý, dù tại phòng giao dịch của Vietcombank có đến 3-4 cây ATM khác nhau nhưng không phải cây ATM nào cũng hoạt động.
Thực hiện lại thao tác rút tiền lần thứ hai nhưng vẫn không thành công, cuối cùng chị Linh phải bước qua một buồng ATM ngân hàng khác để xếp hàng rút tiền để về quê vào tối nay.
Không chỉ ATM "tạm ngưng hoạt động" trong lúc cao điểm rút tiền mặt, khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử cũng phàn nàn về việc dịch vụ chuyển tiền trong những ngày cận Tết khá chập chờn, lúc được lúc không.
Hôm qua, nhiều khách hàng của Vietcombank phản ánh không thể chuyển khoản được trên ngân hàng điện tử, kể cả chuyển khoản nội bộ lẫn liên ngân hàng. Tuy nhiên, đến chiều tối, dịch vụ ngân hàng điện tử lẫn chuyển khoản của Vietcombank đã hoạt động lại bình thường.
Việc tạm gián đoạn cũng xảy ra tương tự tại một số ngân hàng khác. Chị H. cho biết khi giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng từ BIDV sang MBBank trong hôm qua (21/1), hệ thống thông báo "kết nối đến ngân hàng hưởng bị gián đoạn". Mất hơn buổi chiều, đến 19h chị mới chuyển khoản được bình thường.
Đáng chú ý, nhiều người cho biết các sự cố trên xảy ra dù chưa nhận được thông báo từ ngân hàng. Trong khi đó, hầu hết ngân hàng đều cho biết chỉ gián đoạn một số dịch vụ trên ngân hàng điện tử như chuyển khoản thường liên ngân hàng, gửi tiết kiệm… từ hết ngày làm việc hôm nay.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, những ngày giáp Tết, số lượng giao dịch rút tiền mặt qua ATM của hệ thống ngân hàng tăng đột biến, tăng hơn 200% so với ngày thường.
Thống kê của NAPAS cho biết đến ngày 17/1/2020 (23 tháng Chạp), số giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 tăng trưởng đột biến, tổng giao dịch tăng gần 210%, tổng giá trị giao dịch cũng tăng gần 200% so với cùng kì năm ngoái.
Trong khi nhu cầu rút tiền mặt tại ATM và chuyển khoản trước Tết tăng cao đột biến thì nhiều trụ ATM và dịch vụ ngân hàng điện tử của các ngân hàng lại chập chờn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng trong ngày 28 Tết đã ban hành công điện yêu cầu giải quyết vấn đề trên.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo dõi tồn quỹ và tiếp quỹ kịp thời, đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt.
Đồng thời, chủ động xử lí kịp thời các tình huống xảy ra khi nhu cầu rút tiền lớn tập trung vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Bố trí người trực, giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ đối với ATM hết tiền, có biện pháp xử lí kịp thời các sự cố của hệ thống ATM, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn.
Ngân hàng Nhà nước giao NAPAS theo dõi, giám sát chặt chẽ để đảm bảo hoạt động chuyển mạch tài chính an toàn, thông suốt và ổn định đáp ứng nhu cầu tăng cao đột biến trong dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thành viên theo dõi, phát hiện, xử lí các sai sót, sự cố, nhanh chóng tra soát và phản hồi kịp thời các phản ánh, khiếu nại đối với các giao dịch liên ngân hàng.
Tiêu dùng 16:08 | 01/02/2020
Tiêu dùng 20:10 | 31/01/2020
Tiêu dùng 14:30 | 31/01/2020
Tiêu dùng 21:07 | 30/01/2020
Tiêu dùng 17:20 | 30/01/2020
Tiêu dùng 14:36 | 30/01/2020
Tiêu dùng 21:14 | 29/01/2020
Tiêu dùng 22:56 | 28/01/2020