Nghệ An: Thầy trò vùng biên viễn lo trễ hẹn ngày khai giảng

Ngày khai giảng năm học mới đã cận kề nhưng nhiều học sinh vùng biên giới huyện Kỳ Sơn có thể không kịp tới trường vì mưa lũ gây sạt lở, bồi lấp trườn

Về nơi "lũ chồng lũ"

Những ngày cuối tháng 8, từ thị trấn Mường Xén, chúng tôi hỏi đường vào hai xã Mường Ải, Mường Típ của huyện Kỳ Sơn. Biết vậy, một số người can: "Đường vào đó xấu lắm, nguy hiểm lắm! Nhiều đoạn đường trôi gần hết xuống sông, xuống suối hết rồi, không thể vào đó được đâu".

Tuy nhiên, vì muốn tiếp cận vùng "rốn lũ kép" vừa qua, anh em chúng tôi vẫn quyết tâm băng rừng, vượt suối.

nghe an thay tro vung bien vien lo tre hen ngay khai giang
Gian nan đường vào Mường Ải, Mường Típ.

Chưa khắc phục xong những hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, hai xã vùng biên dọc sông Nậm Típ của huyện Kỳ Sơn là Mường Ải và Mường Típ lại tiếp tục chịu thiệt hại nặng nề của hoàn lưu bão số 4. Chỉ trong vòng mười ngày, bão cũ đi qua bão mới lại về. Lũ chồng lũ. Và lần này, con đường từ Mường Xén vào Mường Ải, Mường Típ bị cắt đứt hoàn toàn bởi nước sông dâng cao kỷ lục. Sau nhiều tiếng đồng hồ "băng rừng lội suối", chúng tôi vào đến Trường Tiểu học Mường Ải.

Nơi đây, bốn gian nhà công vụ của giáo viên nằm chênh vênh bên sông Nậm Típ chỉ còn lại một bức tường. Bởi cách đó không lâu, trận lũ quét kinh đã đánh sập hoàn toàn 4 gian nhà nơi ăn ở của 15 giáo viên và 1 gian được bố trí làm văn phòng Trường Tiểu học Mường Ải.

Thầy Lê Quỳnh Lưu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Ải cho biết, toàn trường có 37 giáo viên, chủ yếu đều là các thầy, các cô giáo từ xuôi lên dạy học được phân bổ đều khắp 6 điểm trường với 291 học sinh. Vất vả, thiếu thốn suốt hàng chục năm qua, nhưng họ vẫn ở đây để "gieo con chữ". Với thầy cô nơi vùng biên ải khốn khó này, ở lâu cũng dần thành quen. Các thầy cô định cư luôn ở núi, chờ khi nghỉ hưu thì về…

Sau khi khu ký túc bị lũ cuốn trôi, những giáo viên bị mất phòng được bố trí ở ghép cùng với những giáo viên khác ở khu ký túc xá gần đó, còn 7 giáo viên khác thì đành ở tạm tại các điểm trường lẻ. Một cô giáo phải thuê nhà dân để ở. May sao, tất cả những phòng học của học sinh không bị ảnh hưởng lớn. Gượng dậy sau cơn lũ kép, thầy cô Trường Tiểu học Mường Ải bắt tay vào dọn dẹp phòng ốc, khuôn viên trường để kịp ngày khai giảng. Tất cả gạt đi nước mắt, tìm cách xoay xở ổn định chỗ ăn, chỗ ở cho mình, không một ai rời trường. Bởi lẽ họ hiểu vì ở đây còn có những đứa trẻ cần được đến trường.

nghe an thay tro vung bien vien lo tre hen ngay khai giang
Cổng trường Tiểu học Mường Típ 1 tan hoang sau lũ.

Cách đó không xa, điểm trường bản Na Mỳ của Trường Tiểu học và Mầm non xã Mường Típ, nước lũ ùa về đã cuốn trôi phòng học, công trình vệ sinh. Năm học mới này, nhà trường phải bố trí gửi các em học sinh ở đây đến học ở điểm trường chính hoặc một số điểm lân cận phù hợp khác…

Cô Lê Thị Hằng (quê Nghệ An) đã có thâm niên 12 năm gắn bó với công việc dạy học ở Trường Tiểu học Mường Típ 1. Đến "gieo con chữ" ở vùng đất sỏi đá này, cô đã chứng kiến bao mùa mưa lũ đi qua nhưng không nghĩ con đường đến trường năm nay lại gian nan và hiểm nguy đến thế.

"Ngày tôi trở về trường, con đường độc đạo vào trung tâm xã bị xóa sổ, nhiều khi phải trèo lên núi, nhắm hướng mà đi. Một bên là núi, một bên là vực, phía dưới nước lũ đục ngầu cuồn cuộn chảy, chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là cả người, cả sách vở, lương thực rơi xuống. Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng nghĩ đến những em học sinh nơi này còn khát chữ nên tôi và đồng nghiệp vẫn quyết tâm bám trụ" - cô Hằng chia sẻ.

nghe an thay tro vung bien vien lo tre hen ngay khai giang
Học sinh trường xã biên giới Mường Ải nhọc nhằn đến lớp tìm con chữ.

Rời Mường Típ, Mường Ải, các thầy cô giục chúng tôi trở ra sớm, bởi nếu trời mưa sẽ mắc kẹt dọc đường. Con đường sau lũ nham nhở vết nứt toác, có đoạn đã sạt một nửa xuống sông Nậm Típ. Dòng nước lũ cuồn cuộn đổ về, cuốn phăng những đoạn đường còn lại, đất đá trên núi ầm ầm đổ xuống. Con đường độc đạo vào các xã vùng biên này hoàn toàn bị xóa sổ, cắt đứt đường đến trường của hàng trăm thầy cô giáo vùng biên trước thềm năm học mới.

Thầy trò lo "lỡ hẹn" ngày khai giảng

Hậu quả cơn bão số 3 và số 4 vẫn chưa khắc phục xong, tình hình mưa lũ ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vẫn diễn biến khó lường, mực nước ở các sông suối lên cao. Mưa lớn vẫn kéo dài không ngớt, gây cản trở cho công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Trong lúc đó ngày khai giảng năm học mới cận kề.

Trên toàn huyện biên giới Kỳ Sơn, mưa lũ đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế xã hội, thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều học sinh không được tới trường dự lễ khai giảng vì rất nhiều xã, thôn bản bị chia cắt do sạt lở núi, gây tê liệt hoàn toàn giao thông. Mặt khác, lượng đất đá theo mưa lũ bồi lấp các điểm trường, lớp.

nghe an thay tro vung bien vien lo tre hen ngay khai giang
Nhiều phòng học ở Mường Ải, Mường Típ vẫn ngổn ngang trước ngày khai giảng.

Trước thực trạng trên, chính quyền các cấp đã huy động nhân lực tại chỗ, trong đó có lực lượng Biên phòng, các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh đóng góp nhiều ngày công dọn dẹp trường lớp bị bồi lấp sau mưa lũ. Nhiều máy móc công suất lớn cũng được huy động để sớm khai thông các tuyến đường. Hiện nay, có hai xã đang bị cô lập hoàn toàn vì tình trạng đất đá sạt lở bồi lấp trên diện rộng và kéo dài hàng km là Mường Ải và Mường Típ khiến học sinh hai xã này khó tới dự lễ khai giảng đúng lịch.

Ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết: "Những cơn bão liên tiếp cùng mưa lớn những ngày qua đã làm ảnh hưởng đến ngày khai giảng năm học mới. Đặc biệt, khu nhà ở của các giáo viên tại Trường Mầm non Mường Ải bị lũ khoét phía sau lưng đang rất nguy hiểm, chờ sập. Trong khi đó, tuyến đường từ thị trấn Mường Xén vào Mường Ải, Mường Típ đang bị ách tắc, hai xã này bị cô lập hoàn toàn.

nghe an thay tro vung bien vien lo tre hen ngay khai giang
Chung tay khắc phục hậu quả sau lũ mong kịp ngày khai giảng.

Hiện trời vẫn còn mưa, các đơn vị đang tiếp tục cử lực lượng bám địa bàn 24/24h nắm tình hình mưa lũ. Phương án của chúng tôi là mượn các các điểm lẻ của các cấp học tiểu học, THCS, cùng trung tâm học tập cộng đồng các xã để các em được tới trường. Nhưng vẫn có hàng trăm học sinh các cấp học không kịp tới trường khai giảng, đặc biệt cấp THCS ở hai xã Mường Ải và Mường Típ, rất tiếc nhưng đây là do khách quan đem tới, chúng tôi sẽ nỗ lực khắc phục dần dần, thầy Hoa cho biết thêm.

Không chỉ có Mường Típ, Mường Ải, sau hai trận lũ liên tiếp, nhiều trường học tại huyện Kỳ Sơn bị hư hại, việc đón học sinh tập trung chuẩn bị cho năm học mới phải lùi lại. Tại thị trấn Mường Xén, các trường tiểu học, mầm non, trụ sở Phòng GD&ĐT bị ngập sâu hơn 1 mét nước do mưa lũ, làm ngập toàn bộ nhà ở, phòng học và các công trình khác.

Ở xã biên giới Mỹ Lý, Trường Mầm non Mỹ Lý 1 và 2, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, THCS bị ngập sâu, hơn 20 gian nhà ở công vụ của giáo viên bị nước lũ cuốn trôi hoặc sụt lún. Ước tính thiệt hại cho riêng ngành Giáo dục của huyện vùng cao này lên tới 10 tỉ đồng.

nghe an thay tro vung bien vien lo tre hen ngay khai giang Khai giảng năm học mới, bố mẹ đối mặt với nỗi lo mới: Đưa đón con đi học

Năm học mới vừa bắt đầu, bên cạnh nỗi lo về việc học của con, về học phí, các khoản đóng góp, bố mẹ còn ...

nghe an thay tro vung bien vien lo tre hen ngay khai giang Bộ GD&ĐT: Sẵn sàng sơ tán giáo viên, học sinh khi cần để ứng phó mưa lũ

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, sẵn sàng sơ tán giáo viên, học sinh khi cần thiết để ứng phó với tình hình mưa lũ ...

nghe an thay tro vung bien vien lo tre hen ngay khai giang Thông tin tuyển sinh 2018 (31/8): Trường học đầu tiên tại TP HCM tổ chức lễ khai giảng

Đại học 'lộ' hàng loạt yếu kém nhưng vẫn đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, bóng hồng của trường ĐH Bách khoa Hà Nội ...

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.