Phát ghen với những lời ngôn tình Chí Trung dành cho vợ | |
Chí Trung lên tiếng về thông tin bỏ vai trong Táo quân 2017 |
Vài năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ của các loại gameshow, truyền hình thực tế đã dẫn đến việc khán giả quay lưng với sân khấu. Công chúng hoàn toàn có thể ngồi ở nhà để thưởng thức đủ mọi chương trình nghệ thuật thay vì phải chen chân đến nhà hát như trước đây. Ngoài ra, khán giả Việt Nam đã hình thành thói quen đi xem phim điện ảnh vào dịp cuối tuần và không còn mặn mà với việc đi xem kịch.
Chính sự thờ ơ ngày một nhiều của khán giả và làn sóng phát triển như vũ bão của các loại hình nghệ thuật giải trí đã làm không ít người đặt câu hỏi về sự tồn tại của nghệ thuật sân khấu trong đời sống đương đại. Sân khấu kịch dựa vào đâu để chinh phục và kéo khán giả về phía mình là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ của rất nhiều người, đặc biệt là những người yêu sân khấu.
Trước thực trạng không thể chối bỏ này của nghệ thuật Việt Nam, NSƯT Chí Trung - người đã hơn 30 năm gắn bó với Nhà hát Tuổi Trẻ, tự dàn dựng nhiều vở kịch gây tiếng vang lớn ở cả trong và ngoài nước đã có những chia sẻ ngắn. Theo NSƯT Chí Trung, việc chấp nhận thực tại và bĩnh tĩnh đối mặt, tự nghiêm khắc với chính bản thân cũng như các sản phẩm nghệ thuật mới là điều mà những người nghệ sĩ cần làm trong thời điểm này.
NSƯT Chí Trung - phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ đã có những chia sẻ về trăn trở của sân khấu kịch những năm gần đây. (Ảnh: FBNV) |
- Vài năm gần đây có nhiều nhận định cho rằng mảnh đất dành cho kịch nói đang bị hạn chế vì người ta hoàn toàn có thể tìm đến các tác phẩm online thay vì đến sân khấu theo dõi. Là người gắn bó với sân khấu hơn 30 năm, anh nhìn nhận như thế nào về thực trạng này?
Đây là điều tất yếu, đương nhiên của cả thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam và chúng ta phải học cách sống chung với nó, cũng như đến thời kỳ nào đấy online sẽ lại bị đè bởi một tính năng công nghệ mới hơn.
Thời xưa phim chiếu bóng nở rộ nhưng rồi bị phim truyền hình lấn lướt khi xã hội phát triển hơn, cho tới thời kì người ta cũng chẳng thích xem phim truyền hình nữa mà muốn ra rạp ngồi xem với nhau và đến cả lúc xem ở rạp cũng không thích nữa mà mở máy tính, điện thoại ra xem online.
Tôi đưa ra ví dụ đó để muốn nói rằng dòng chảy thời gian không bao giờ ngừng và sự phát triển của công nghệ hiện đại cũng vậy, khi tất cả đã là quy luật thì chúng ta cần phải hiểu và không nên quan trọng hóa hay đau khổ vì điều đó.
Sân khấu không còn thời kì huy hoàng như trước đây thì chúng ta cũng không cần đau đớn hay quay ra tự trách nhau mà cần phải hiểu rõ để bình tĩnh mà sống. Chẳng nhẽ bây giờ người làm sân khấu lại trách khán giả thờ ơ vô tình thì không thể được.
Cho nên với sân khấu, điều cần thiết nhất phải làm là tìm tòi, thực hiện những “món ăn ngon”, đầy đủ các tiêu chí cho một “hàng ẩm thực” tốt, nếu chúng ta tạm gọi văn hóa là một món ẩm thực cao cấp thì đó cũng là mục đích mà tôi hướng tới nhiều năm nay để làm.
Bản thân tôi luôn coi những chuyện đang diễn ra hết sức bình thường, bởi nếu ai đã từng đi thế giới, ai đã từng đi xem các sân khấu tạp kĩ ở Las Vegas, hay sang Anh xem sân khấu của London thì chúng ta mới hiểu một điều vẫn có hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí là hàng trăm nghìn sân khấu chìm trong quên lãng.
Ngay ở Nhật cũng vẫn tồn tại những sân khấu nằm trong các chung cư rất nhỏ, ở đó người ta say sưa mang nghệ thuật đến với nhau, trong khi bên ngoài vẫn còn bao người quan tâm tới quán bar, vẫn đeo tai nghe và hòa nhập với cuộc sống hiện đại thì chúng ta cũng cứ thế mà sống, cứ bình tĩnh mà làm thôi. Đó là quan điểm của tôi.
- Vậy anh đã làm thế nào để kéo khán giả về Nhà hát Tuổi Trẻ giữa dòng chảy hiện đại của thời gian như hiện nay?
Thứ nhất là tôi cùng với mọi người bỗng nhiên phải nghiêm khắc hơn với chính bản thân, ngay cả các vở diễn cũng kĩ càng hơn. Chúng tôi luôn cố gắng để các vở diễn, các sản phẩm phải phù hợp với mong muốn của người dân bây giờ.
Ví dụ có những chương trình trước đây thực hiện từ 8 giờ tối đến 11 giờ đêm vẫn có người xem thì bây giờ nhiệm vụ tối cao là phải rút ngắn thời gian từ 8 giờ đến 9h55 là phải xong rồi, vẫn nội dung như thế nhưng cô đọng lại, tiết tấu nhanh hơn, giàu tính thẩm mĩ hơn và xây dựng được cả những ước mơ ở trong khán phòng.
Ước mơ mà tôi nói ở đây có thể cao hơn hoặc bằng cuộc sống khán giả nhưng quan trọng nhất là để họ chiêm nghiệm được những ý nghĩa mà vở diễn mang lại, với mong muốn giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đấy chính là mục tiêu của nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng, tôi và các bạn của tôi ở Nhà hát Tuổi trẻ. Luôn luôn nghiêm khắc với bản thân mình nên không có các chương trình, vở diễn mà chúng ta hay gọi từ chung là hài nhảm. Tất cả đều được tập luyện chu đáo.
Trong nhà hát có ba đoàn, một đoàn ca múa nhạc và đoàn kịch 1, đoàn kịch 2, tạm gọi là có hai bộ môn ca múa nhạc và kịch. Tất cả đều được vận hành trong một quy chuẩn rất nghiêm khắc.
Những dịp như ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 chúng tôi cũng cố gắng hết sức để làm sao mang đến các vở diễn ngắn gọn, súc tích, phù hợp với tiết tấu trẻ em có thời gian dao động từ 55 đến 60 phút, dài lắm là 70 phút và đem lại cho các cháu nhân sinh quan, thế giới quan có tính giáo dục. Năm nay chúng tôi cũng ra được 2 chương trình thiếu nhi rất ưng ý, chỉ có thời lượng 50-60 phút thôi nhưng nội dung rất tốt.
Chúng ta tạm gọi thời buổi hiện nay khán giả thờ ơ với sân khấu thì càng phải làm tốt hơn, chứ chẳng lẽ mình lại đi dỗi hờn khán giả? Những vở diễn mà Nhà hát Tuổi trẻ tôi đang quản lý ra mắt có khi phải họp suốt đêm mới ưng ý.
NSƯT Chí Trung cho biết anh và các nghệ sĩ, diễn viên trong Nhà hát Tuổi Trẻ luôn cố gắng tạo ra những vở diễn chất lượng nhất cho khán giả. Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 tới đây, Nhà hát Tuổi Trẻ cũng có những vở diễn dành cho trẻ em với thời lượng vừa phải, nội dung mang tính nhân văn cao. (Ảnh: FBNV) |
- Đời sống sân khấu kịch phía Nam và phía Bắc từ xưa đến nay có sự khác biệt rõ rệt, như phía Bắc chú trọng vào những tác phẩm chính kịch, kinh điển, còn phía Nam mang tính giải trí cao hơn. Nhưng chính điều này lại gây ra suy nghĩ cho rằng sự cứng nhắc trong tác phẩm của sân khấu phía Bắc là nguyên nhân gây nên tình trạng "khát" khán giả. Anh nghĩ sao về điều này?
Đó là nhận định chung của những người chỉ ngồi thích nhận định thôi chứ thực tế sân khấu cũng phân hóa ra nhiều loại khác nhau. Tôi thừa nhận rằng ở miền Bắc hầu như khán giả họ khá thờ ơ với sân khấu, chỉ có cuối tuần Nhà hát Tuổi Trẻ ở Hà Nội là hoạt động được, mà cũng chỉ hoạt động được tối thứ 6, thứ 7, chủ nhật thôi, còn cả tuần thì không thể như sân khấu miền Nam.
Nhưng bàn về công tác giữa miền Nam, miền Bắc tôi không muốn so bì bởi mỗi thành phố, mỗi vùng miền đều có những đặc thù khác nhau. Tôi cũng quá hiểu sân khấu miền Nam thế nào nhưng điều đó không phải trong cách so sánh của tôi.
Mỗi sân khấu có một tính chất, gu khác nhau. Tôi còn nhớ trong một talkshow anh Lê Hoàng có gửi lời của một khán giả dành cho tôi: Anh Chí Trung ơi, hài Bắc, hài Nam cái nào hay hơn? Khi đó tôi trả lời ngay rằng: Khi nào bạn trả lời cho tôi phở Bắc và hủ tiếu Nam Vang cái nào ngon hơn thì tôi sẽ trả lời cho bạn bởi mỗi vùng miền có cái hay riêng.
- Một tuần, một tháng ở nhà hát Tuổi Trẻ tần suất các vở diễn và số lượng vé tiêu thụ như thế nào?
Một tuần trung bình có 3 buổi cố định: thứ 6, thứ 7 và chủ nhật, còn các ngày thường chúng tôi vẫn hoạt động những dự án bên ngoài. Thứ 6 là các vở thanh niên, sinh viên; thứ 7 là các vở hài kịch, đây cũng là ngày có xác suất doanh thu lớn của chúng tôi, rạp có 600 chỗ mà bán được 300-400 chỗ là tốt rồi; chủ nhật dành cho các vở chính kịch, phần lớn khán giả trong ngày này là tầng lớp trí thức, thế hệ cũ, thanh niên thì ít hơn. Nhưng chúng tôi dùng thứ 7 để nuôi thứ 6 và chủ nhật cho các hoạt động của nhà hát.
Cám ơn anh đã dành thời gian chia sẻ!
Chí Trung lên tiếng về thông tin bỏ vai trong Táo quân 2017
Nghệ sĩ Chí Trung xác nhận, anh đã có kế hoạch làm việc cuối năm nay trong đó có việc sẽ tham gia đóng Táo ... |