Ghi nhận của người viết, 4 tháng đầu năm 2022, tại Đà Nẵng việc mua bán đất diễn ra sôi động, nhất là đất thổ cư ở huyện Hòa Vang; căn hộ ở quận Sơn Trà và Liên Chiểu.
Theo các môi giới, phần lớn người đi mua có nhu cầu ở thật. Chị Oanh là môi giới nhà đất, chia sẻ: Từ sau Tết đến nay, chị dẫn nhiều cặp vợ chồng đi xem, mua đất tại các xã Hòa Tiến, Hòa Châu và Hòa Phước, huyện Hòa Vang; mua chung cư tại quận Sơn Trà và Cẩm Lệ.
Người mua nhà, đất chủ yếu từ các tỉnh, thành khác, hiện đang lập nghiệp tại Đà Nẵng. Họ có nhu cầu mua nhà giá dưới 1,3 tỷ đồng hoặc các lô đất để xây nhà ở, giá dưới 1 tỷ đồng.
"Người mua ở họ đi xem rất nhiều và xem rất kỹ lưỡng. Họ đều muốn có ngân hàng hỗ trợ cho vay, trả nợ lâu dài 15-20 năm. Tôi và một số môi giới cũng kết nối với nhân viên ngân hàng để tư vấn, hỗ trợ làm hồ sơ", chị Oanh nói.
Cũng theo môi giới này, phía các ngân hàng đều xem xét kỹ khả năng trả nợ của người vay, sau đó thẩm định giá để cho vay đến 50% giá trị lô đất hoặc nhà ở.
Từ đầu năm đến nay, có 6 người được chị Oanh hỗ trợ để ngân hàng xem xét, cho vay khoảng 200-300 triệu đồng/trường hợp.
Anh Hiếu, một môi giới khác cho biết, người có nhu cầu mua nhà, đất để ở đều cần vay ngân hàng khoảng 30-50% giá trị lô đất vì họ không có tiền "trả đứt" một lần. Những trường hợp cần vay đều được nhóm anh kết nối với các chuyên viên của phía ngân hàng tư vấn, hỗ trợ.
"Đa số người mua ở đều vay được vì chứng minh được thu nhập để trả nợ lâu dài. Người mua ở có người thân hỗ trợ và tiết kiệm cũng được 700-800 triệu đồng mới đi mua. Người mua có nhu cầu vay ít, trong khi đó giá trị lô đất, nhà ở cũng cao nên ngân hàng thẩm định khoảng một tuần trở lại là có kết quả cho vay", anh Hiếu nói và cho biết từ tháng 2 đến nay hỗ trợ cho 5 khách hàng vay mua nhà, đất để ở.
Anh Huế, một người dân đã vay ngân hàng mua căn hộ ở quận Sơn Trà, cho biết: Căn hộ gia đình anh mua được ngân hàng định giá hơn 800 triệu đồng. Sau khi có sự hỗ trợ từ phía chủ nhà và chứng minh thu nhập, gia đình anh vay 200 triệu đồng để mua, thời hạn trả nợ là 10 năm.
"Hai vợ chồng có thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng. Sau khi vay, mỗi tháng dành ra hơn 4 triệu để trả lãi và nợ gốc nên không bị áp lực nhiều. Có nhà để ở thấy rất vui vẻ, phấn khởi", anh Huế chia sẻ.
Cũng theo anh Huế, nếu để dành tiền đến khi đủ mới mua thì giá nhà, đất đã tăng cao hơn, vợ chồng anh không còn cơ hội để mua nữa. Chính vì vậy, việc mua nhà, đất có sự hỗ trợ vay từ phía ngân hàng cho người có nhu cầu ở thật là rất cần thiết.
Một dự án căn hộ nhà ở tây bắc Đà Nẵng đang xây dựng. (Ảnh: Chu Lai).
Theo một số nhân viên ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng, việc cho vay mua nhà, đất để ở vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, việc thẩm định giá trị tài sản thế chấp chặt chẽ hơn, số tiền cho vay cũng đã giảm hơn trước.
Một nhân viên ngân hàng ở quận Hải Châu, tư vấn: Điều kiện đầu tiên để người dân vay được là chứng minh được thu nhập.
Cụ thể, người dân cần sao kê thu nhập liên tục qua tài khoản trong 3 hoặc 6 tháng liền (nếu nhận lương qua tài khoản ngân hàng); hoặc cung cấp bảng lương có đóng dấu xác nhận của chủ doanh nghiệp/tổ chức; công chứng hợp đồng lao động với doanh nghiệp/tổ chức; sổ tạm trú hoặc hộ khẩu.
Sau đó, phía ngân hàng sẽ thẩm định giá trị lô đất, nhà ở người dân dự định thế chấp để mua. Qua đó xác định xem giá trị lô đất, nhà ở là bao nhiêu? Người dân sẽ được vay được tối đa là bao nhiêu?
"Đất nền phân lô ở các khu đô thị đã hoàn thành, hoặc nhà ở mặt tiền dễ thẩm định, cho vay hơn. Phía ngân hàng đang cho vay đến 50% giá trị tài sản thế chấp", nhân viên này nói.
Theo báo cáo của Cục Thống kê TP Đà Nẵng, trong tháng 4/2022, mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì ổn định hoặc chỉ tăng rất nhẹ, chủ yếu là tăng lãi suất huy động.
Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 5,5 -9 %/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm; lãi suất cho vay trung dài hạn phổ biến ở mức khoảng 8,5% -10,5%/năm. Đến cuối tháng 3, dư nợ cho vay cá nhân đạt 90.649 tỷ đồng.