Người Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng mua mì tôm nhiều hơn trong mùa dịch Covid-19

Giữa mùa dịch corona, người tiêu dùng tích trữ nhiều nhất là mì gói, nước rửa tay. Nhưng Nielsen lại đặt triển vọng cho ngành giải trí và thời trang sau mùa dịch, dẫu những ngành này đang chịu nhiều tổn thương.

Nielsen và Infocus Mekong Mobile Panel vừa công bố khảo sát mới nhất về hành vi tiêu dùng giữa mùa dịch Covid-19. Khảo sát được thực hiện trên 500 người tiêu dùng tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Theo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, khi bắt đầu có ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, người dân có tâm lí hoang mang, lo lắng, dẫn đến hành vi mua sắm, tích trữ hàng hoá để phòng ngừa. Tình trạng này diễn ra mạnh nhất là khi có tin nhiều người Việt Nam nhiễm virus corona.

Mì tôm, nước rửa tay lên ngôi trong mùa dịch

Trong số nhóm hàng FMGG được tích trữ, nhóm chăm sóc cá nhân và thực phẩm, nhất là thực phẩm ăn liền được ưu ái nhất. Nước súc miệng có tốc độ tăng trưởng về giá trị lên đến 78%, hơn hẳn nhóm xà phòng, sữa tắm và nước rửa tay (chỉ 45%).

Các sản phẩm sợi ăn liền có tốc độ tăng đến 67%. Riêng mì gói, 33% người tham gia khảo sát cho biết họ mua nhiều hơn. Con số này được hiểu là cứ 5 người sống tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, sẽ có khoảng 2 người mua mì gói nhiều hơn trong mùa dịch corona.

Trong khi đó, xúc xích tiệt trùng góp mặt trong top với 19% tăng trưởng, phần nào được giải thích là do trẻ em được nghỉ học ở nhà.

Cứ 5 người Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, sẽ có 2 người mua mì gói nhiều hơn trong mùa dịch corona - Ảnh 1.

Chăm sóc nhà cửa, chăm sóc cơ thể, mì gói, nước đóng chai... là nhóm hàng được mua nhiều hơn khi có dịch Covid-19. (Đồ hoạ: Nielsen).

Thực tế, ngay từ mùng 4-6 Tết, tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, tình trạng mới sáng sớm tinh mơ đã không còn thịt, trứng, mì gói, rau củ quả để mua, rất phổ biến. Đặc biệt, khẩu trang và nước rửa tay là nhóm hàng được nhiều người dân đổ xô tích trữ nhiều nhất.

Sau giai đoạn "khủng hoảng" về mặt tâm lí này, Việt Nam liên tiếp ghi nhận 3 bệnh nhân được xuất viện trong 3 ngày, tâm lí người dân ổn định hơn. Lúc bấy giờ, người tiêu dùng cả nước hướng sự chú ý và có hành vi tiêu dùng mới: giải cứu và hỗ trợ nông sản.

Từ 30.000-40.000 đồng/kg giai đoạn cuối năm đến trước Tết, thanh long đột ngột tuột giá gấp gần 10 lần, chỉ còn 4.000-8.000 đồng/kg do một số cửa khẩu và chợ đầu mối ở Trung Quốc ngừng hoạt động. Dưa hấu, mít, sầu riêng… hay các loại hải sản như tôm hùm, cua Cà Màu… cũng rơi vào cảnh mất giá tương tự.

Chỉ sau vài ngày báo chí đưa tin, người dân không ai bảo ai, cùng dắt tay nhau ủng hộ và giải cứu nông sản.

Ngoài ra, Nielsen còn chỉ ra, 95% người tiêu dùng lo sợ nhưng không nghĩ dịch corona sẽ bùng phát mạnh. 2-3 tháng là khoảng thời gian người dân nghĩ dịch bệnh sẽ diễn ra.

Cứ 5 người Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, sẽ có 2 người mua mì gói nhiều hơn trong mùa dịch corona - Ảnh 2.

Nhìn chung, người dân rất nhạy cảm và tâm lí dễ biến đổi trong mùa dịch corona. (Đồ hoạ: Nielsen).

Nhiều triển vọng cho giải trí và thời trang khi dịch corona kết thúc

Nielsen cũng chỉ ra 4 hành vi nổi bật tương ứng với tâm lí người tiêu dùng trong giai đoạn này. Trước tiên, nhiều nhà bán lẻ đã có động thái tích trữ, phòng ngừa, nhất là dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm hàng ngày và hàng phòng vệ khẩn cấp, đồng thời nhiều siêu thị cam kết ổn định giá cả với người tiêu dùng.

Ngay khi thông tin nông sản gặp khó tràn lan trên báo chí, từ chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… đến các cá nhân tự phát, thi nhau mở chiến dịch hỗ trợ bán hàng cho nông dân. Hầu hết đều được người dân ủng hộ nhiệt tình. Các nhà bán lẻ thành công trong việc xây dựng được hình ảnh có trách nhiệm với cộng đồng.

Hiểu tâm lí tránh tụ tập đông người, nhiều nơi đẩy mạnh bán hàng trực tuyến và giao hàng tận nơi. Song song đó, các động thái tiếp thị số đã được đẩy mạnh trong thời gian qua, "ăn theo" tâm lí có đến 65% người được Nielsen khảo sát cho biết theo dõi tin tức nhiều lần trong ngày.

Cứ 5 người Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, sẽ có 2 người mua mì gói nhiều hơn trong mùa dịch corona - Ảnh 3.

Xe tải "siêu thị di động" bán hàng ở khu Bàu Cát (quận Tân Bình, TP HCM). (Ảnh: ictnews).

Nielsen Việt Nam đánh giá: "Covid-19 sẽ là cơ hội cho các nhà bán lẻ đánh giá lại tốc độ cung ứng và ứng biến với tâm lí thị trường, cũng như mô hình O2O (online-to-offline). Việc Covid-19 kéo dài có thể thúc đẩy thói quen mua hàng online của người dân". 

Tuy nhiên, đơn vị khảo sát thị trường này cũng lưu ý rằng, tâm lí người dân sẽ rất dễ thay đổi với những thông tin mới nhất như ổ dịch tại Hàn Quốc, Nhật Bản và các ca tái nhiễm tại Trung Quốc,…

Ngoài ra, Nielsen còn khuyên các nhà bán lẻ cần theo sát diễn biến và chủ động cho việc cung ứng hàng hóa sau mùa dịch. Cần theo dõi hành vi mua sắm trực tuyến và đẩy mạnh duy trì hình thức trên. 

Cứ 5 người Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, sẽ có 2 người mua mì gói nhiều hơn trong mùa dịch corona - Ảnh 4.

Nielsen cho rằng nhóm sản phẩm phòng vệ khẩn cấp có sự tăng trưởng không bền vững. (Đồ hoạ: Nielsen).

Về xu hướng phục hồi từng nhóm hàng sau dịch, Nielsen và Meking Mobile Panel dự báo nhóm hàng nhu yếu phẩm hàng ngày như thực phẩm tươi sống, sản phẩm cho bé, mì gói… sẽ tăng nhanh và ổn định nhanh, mang xu hướng bền vững.

Riêng nhóm sản phẩm phòng vệ khẩn cấp như khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn dù đang là "con cưng", nhưng trước dịch, nhu cầu tăng nhanh bao nhiêu thì sau dịch, nhu cầu sẽ giảm nhanh bấy nhiêu.

Nielsen đặt triển vọng cho nhóm các sản phẩm ít thiết yếu như giải trí, quần áo, thời trang, mĩ phẩm… Tình trạng suy giảm rồi phục hồi sẽ là kịch bản cho nhóm hàng này trong tương lai sau mùa dịch.

Thị trường online... nhờ corona

Theo Nielsen, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động và thói quen sinh hoạt của người dân. Dễ thấy nhất là xu hướng mua sắm online ngày càng thịnh hành. Hình thức này không những không bị Covid-19 tác động mà còn nương theo dịch bệnh mà phát triển và phổ biến hơn. Có đến 59% người được hỏi cho rằng corona không ảnh hưởng đến hành vi mua sắm online của họ.

Trong khi đó, các hoạt động như du lịch, học hành, giải trí, ăn uống, công việc và thu nhập… bị ảnh hưởng mạnh. Tâm chấn là du lịch khi có đến 89% người được hỏi cho rằng Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động này. Trong đó, 36% cho rằng dịch bệnh ảnh hưởng mạnh đến việc đi du lịch.

Có đến 94% người được hỏi xác nhận Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động giải trí của họ, nhưng phần nhiều cho là ảnh hưởng ít và ảnh hưởng đáng kể.

Cứ 5 người Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, sẽ có 2 người mua mì gói nhiều hơn trong mùa dịch corona - Ảnh 5.

Du lịch, học hành, giải trí... bị ảnh hưởng mạnh khi dịch bệnh xuất hiện. (Đồ hoạ: Nielsen).

Ăn uống và mua sắm offline là hai lĩnh vực cùng có 83% người được hỏi cho rằng đang bị dịch bệnh ảnh hưởng. Điểm lạc quan là đa phần đều cho rằng ảnh hưởng này chỉ ở mức độ nhỏ.

Dù vậy, khảo sát của Nielsen vẫn chỉ rõ người dân hạn chế ra ngoài tụ tập ăn uống, chủ động tích trữ thực phẩm, gọi đồ ăn và giải trí tại nhà. Có đến 83% người tham gia khảo sát cho biết họ ít ăn uống ngoài hơn khi có dịch bệnh. Con số này đối với hoạt động mua sắm khác là 65%.

Cứ 5 người Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, sẽ có 2 người mua mì gói nhiều hơn trong mùa dịch corona - Ảnh 6.

Siêu thị là nơi người tiêu dùng "né" nhiều nhất khi có dịch bệnh diễn ra. (Đồ hoạ: Nielsen).

Về hành vi mua sắm, khảo sát chỉ rõ người dân đang hạn chế mua sắm tại siêu thị, chợ và tạp hóa. Bán hàng trực tuyến hiện là những kênh được lựa chọn thay thế. Đã có 69% người được hỏi cho biết họ ít đi siêu thị hơn, trong khi có đến 25% xác nhận bản thân mua sắm online nhiều hơn.

Hạn chế đi chợ, siêu thị, hàng quán nên việc tiêu thụ các sản phẩm tươi sống, bia, nước giải khát giảm. Đặc biệt 49% người được hỏi cho biết sử dụng bia ít hơn. Điều này còn được giải thích là do tác dụng của Nghị định 100 về việc xử phạt hành vi tham gia giao thông khi sử dụng rượu, bia. Trong khi đó, thực phẩm đóng gói, các sản phẩm vệ sinh cơ thể và nhà cửa có nhu cầu sử dụng tăng cao.

Các ngành du lịch, ăn uống, giải trí, mua sắm… đang gánh chịu cú sốc, sẽ làm ảnh hưởng đến lượng khách hàng và khả năng chi tiêu trong tương lại. Nielsen đưa ra lời khuyên: "Nhà bán lẻ nên chuẩn bị sẵn các chương trình kích cầu khi dịch bắt đầu ổn định".