Theo dự báo ngày 15/4 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, tại TP HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh... nhiệt độ lên đến 37-38 độ C.
Cũng theo đơn vị này, nhiệt độ được dự báo nói trên được đo bên trong lều khí tượng (có mái che không tiếp xúc trực tiếp ánh nắng). Thế nên, khi đi ngoài đường sẽ cảm nhận nhiệt độ cao hơn.
Theo đó, nếu tính thêm bức xạ nhiệt từ mặt đường, hơi nóng từ xe cộ, tòa nhà..., nhiệt độ sẽ chênh lệch 2-3 độ C. Vì vậy, nếu ra đường vào buổi trưa tính luôn bức xạ nhiệt thì có thể trên 40 độ C.
Người Sài Gòn đang khổ sở trong những ngày nóng cực điểm, nắng 'vỡ đầu'. (Ảnh: Thanh Niên)
Được biết hiện tượng nắng nóng cực điểm ở TP HCM đã kéo dài gần nửa tháng qua. Nhiều người dân dường như sắp không chịu nổi khi liên tục ca thán bằng những câu đầy chán ngán: "Nắng nóng kinh khủng", "Chưa bao giờ thấy ở Sài Gòn nóng như thiêu thế này", "Không thể chịu đựng nỗi thời tiết nóng kéo dài mãi như thế này được. Muốn... nổ tung cái đầu"...
Trời nắng nóng, bức bối kéo dài, cuộc sống của nhiều người dân TP HCM còn trở nên khổ sở hơn khi công ty điện lực thông báo cắt điện luân phiên tại một số quận, huyện trên địa bàn.
Theo thông báo của Công ty Điện lực Thủ Thiêm Từ ngày 17/04/2019 - 23/04/2019, công ty sẽ tạm ngưng cung cấp điện khu vực Quận 2 và Quận 9 theo kế hoạch để bảo trì, đại tu, nâng cấp lưới điện và đảm bảo sự hoạt động của hệ thống điện.
Công ty Điện Lực Hóc Môn tạm ngưng cung cấp điện một số đường dây trung thế và trạm hạ thế để bảo trì, đại tu, nâng cấp lưới điện và đảm bảo sự hoạt động ổn định của hệ thống điện từ 17/04/2019 - 23/04/2019 tại một số địa phương trên địa bàn huyện Hóc Môn.
Nhiều Quận, Huyện ở TP HCM cắt điện luân phiên.
Tương tự, Công ty Điện lực Củ Chi, Công ty Điện lực Gò Vấp cũng tạm ngưng cung cấp điện theo kế hoạch để bảo trì, đại tu, nâng cấp lưới điện và đảm bảo sự hoạt động ổn định của hệ thống điện khu vực huyện Củ Chi từ 17/04/2019 - 23/04/2019.
Quả thực trong tình cảnh Sài Gòn nắng nóng kéo dài, điện lại bị cắt luân phiên không thể sử dụng thường xuyên các công cụ làm mát, giải nhiệt ngày nóng khiến cuộc sống của nhiều người dân khổ sở trăm bề. Nắng nóng trên diện rộng còn gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là đối với người già và trẻ em.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm, có khoảng 150.000 người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu như bệnh tim, hô hấp, tiêu chảy do nhiệt độ tăng quá cao.
Nhiệt độ tăng cao, nắng nóng dài ngày tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn, côn trùng gây bệnh sinh sôi nảy nở và tấn công con người. Đó chính là lí do khiến các loại bệnh đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng, sốt virus…) và các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa (tiêu chảy) gia tăng.
Nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến nồng độ ozon và một số chất ô nhiễm khác trong không khí tăng cao, làm gia tăng các bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột tử.
Đặc biệt, tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến ung thư da.
Tình trạng thường gặp nhất là say nắng, kiệt sức, mất nước, tăng khát, suy nhược chuột rút… xảy ra do thời tiết nắng nóng. Cảm nhiệt thường xảy ra khi cơ thể mất khả năng tự làm mát, với những trường hợp này, người bệnh cần phải được cấp cứu ngay.
Nặng hơn là kiệt sức do nhiệt xảy ra khi cơ thể bị mất nước và muối qua mồ hôi quá nhiều mà không kịp bồi phụ nước.
Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, khi thấy cơ thể rơi vào tình trạng cảm nắng, kiệt sức sau khi đi nắng về cần tới bệnh viện để được điều trị kịp thời tránh nguy cơ tử vong có thể xảy ra.
Xem thêm: Tia cực tím vượt ngưỡng nguy hiểm, người Sài Gòn đối mặt với nguy cơ cháy, bỏng da thậm chí ung thư
Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo:
Những ngày trời nóng, nên uống nhiều nước hơn bình thường. Nắng nóng làm con người đổ mồ hôi nhiều hơn, nên uống nước trước khi cảm thất khát để tránh mất nước.
Không được uống aspirin và acetaminophen khi bị say nắng nóng vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Nếu phải làm việc ngoài trời hoặc tập thể dục nên uống từ 2 - 4 li nước mỗi giờ, không nên bổ sung nước bằng nước ngọt hay đồ uống có cồn.
Người trên 65 tuổi và trẻ sơ sinh, không nên ra ngoài trong thời tiết nắng nóng. Nếu người già có những triệu chứng như chuột rút, đau đầu, buồn nôn cần gọi sự giúp đỡ ngay.
Với trẻ nhỏ thường mải chơi, nguy cơ mắc các bệnh do nhiệt cao hơn ở người lớn do trẻ thường không tự uống bổ sung nước, dấu hiệu cảnh báo một đứa trẻ mắc bệnh do nhiệt tương đối muộn hơn người lớn.
Không nên để trẻ trong xe ô tô một mình, dù chỉ trong thời gian ngắn.
Xử trí nghi ngờ bị các bệnh do nắng nóng, cần đưa người bệnh vào chỗ mát, nằm xuống, uống nước, làm mát da bằng cách áp những miếng vải ướt lên vùng da.
Trong những ngày trời nắng nóng, hãy thay đổi thói quen như tập thể dục trong nhà sẽ an toàn hơn khi tập thể dục ngoài trời.
Ngoài ra, trong những ngày trời nắng nóng, hãy thay đổi thói quen như tập thể dục trong nhà sẽ an toàn hơn khi tập thể dục ngoài trời.
Sắp xếp làm các công việc phải làm ngoài trời vào sáng sớm hoặc buổi chiều muộn khi nhiệt độ ngoài trời mát mẻ hơn.
ThS.BS Nguyễn Hữu Quân, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo say nắng có thể thay đổi ý thức, lẫn lộn, mất định hướng và hôn mê, co giật, liệt nửa người.
Khi bị say nắng, say nóng, người dân nên làm mát ngay tức thì. Người xung quanh phải đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo, chuyển tới nơi bóng râm, lên xe mát hay nhà lạnh, hỗ trợ đường thở, hô hấp, tuần hoàn bằng đặt đường truyền, thở ôxi, thông khí hỗ trợ nếu có chỉ định.
Người dân phải chuyển ngay vào viện nếu nghi ngờ sốc, áp nước ấm trên người bệnh nhân sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi.
ThS.BS Trương Thúy Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh không để trẻ chơi và đi ngoài nắng. Đặc biệt, cha mẹ phải cho trẻ mặc quần áo thoáng, dễ bay hơi nước, không hấp thụ nhiệt, hạn chế trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời, uống đủ nước và điện giải…
Ngoài ra, người dân cũng nên mặc áo chống nắng, đội mũ khi đi ra ngoài nắng. Nên tích cực uống nước mát (không uống quá nhiều nước đá), duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lí, ăn các thức ăn mềm, mát để đảm bảo sức khỏe. Cả người già và trẻ em đều không nên ở phòng điều hòa quá lạnh rồi chạy ra ngoài nắng đột ngột...
Để nhanh chóng cứu chữa người bị say nắng, say nóng cần giúp họ hạ thân nhiệt, đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí, cởi bỏ quần áo, phun hoặc lau người bằng nước mát, bật quạt mạnh. Nên để người say nắng nằm nghiêng để bề mặt da hứng được càng nhiều gió càng tốt.
Ngoài ra có thể sử dụng khăn ướt lạnh đắp vào nách, bẹn, khuỷu, cổ tay, ngâm bàn tay và cẳng tay vào nước mát.
Nếu nạn nhân bị ngừng tim cần nhanh chóng xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt. Kĩ thuật ép tim ngoài lồng ngực: Dùng hai tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 100 lần/phút.
Lối sống 07:42 | 26/04/2019
Lối sống 08:36 | 17/04/2019
Lối sống 12:09 | 16/04/2019
Thời sự 03:00 | 07/07/2018
Thời sự 01:00 | 06/07/2018
Thời sự 23:00 | 05/07/2018
Thời sự 02:30 | 05/07/2018
Thời sự 01:32 | 05/07/2018