Nhà sáng lập Huawei, tỉ phú Nhậm Chính Phi dự định sẽ khởi động một công cuộc tái kiến thiết tập đoàn, kéo dài từ 3-5 năm với tham vọng "tạo ra một đội quân sắt có thể sống sót sau những đợt tấn công dữ dội của Mỹ, và dẫn đầu ngành viễn thông thể giới".
"Việc tái cấu trúc lớn đang diễn ra bên trong Huawei, trước bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ đe dọa sự tồn tại hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh", ông Nhậm viết trong một thông báo nội bộ mà tờ Blooberg có được, và được người phát ngôn của Huawei xác nhận.
Ông Nhậm Chính Phi, CEO Huawei. (Ảnh: Bloomberg).
Theo đó, công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc đang phải vật lộn với mối đe dọa hiện hữu sau khi Washington ngăn chặn việc Huawei mua công nghệ, linh kiện từ các công ty Mỹ như Qualcomm, Google,…
Vị CEO 74 tuổi cho biết việc cải tổ nội bộ là công việc cấp bách, để đáp ứng những tác động của cuộc chiến. Tức là những bộ phận, công ty con nào được coi là không cần thiết hoặc dư thừa sẽ bị đào thải, cắt giảm.
Tuy nhiên, Huawei không công bố chi tiết về cách họ sẽ làm như thế nào.
Trước đó, ông Nhậm Chính Phi cũng đã có lần đề cập tới việc Huawei sẽ từ bỏ một số thị trường nhất định để đối phó với sự giám sát của Mỹ.
Bản thân Huawei cũng không thể lường trước được những tác động mà cuộc chiến với Mỹ mang tới cho 190.000 nhân viên của họ trên toàn cầu. Nhưng tập đoàn này đã bắt đầu sa thải nhân viên tại trụ sở ở Mỹ, tờ Thời báo Phố Wall đưa tin.
Trong báo cáo tài chính, lần đầu tiên trong quý II/2019, Huawei chứng kiến mức tăng trưởng chậm lại, kể từ khi lệnh cấm của chính quyền Trump có hiệu lực, đặc biệt đối với một tập đoàn có sản phẩm chủ lực là điện thông minh và máy tính xách tay như Huawei thì lệnh cấm trên càng có những ảnh hưởng rõ nét.
Tuần trước, Huawei cũng đã giới thiệu hệ điều hành HarmonyOS, được coi như một phương án thay thế nếu trong tương lai các mẫu máy điện thoại của họ không còn được phép sử dụng Android của Google nữa.
Ông Nhậm Chính Phi cho biết HarmonyOS không thể thành công trong một sớm một chiều, cần có nhiều thời gian hơn để xây dựng hệ sinh thái ứng dụng. Điều đó cho thấy Huawei chưa sẵn sàng độc lập với Google.
Vị CEO cũng không tỏ ra quá bi quan khi cho rằng, Huawei vẫn có lợi thế so với Mỹ, bởi họ đang nắm giữ những công nghệ của mạng 5G.
Sự thống trị của Trung Quốc đối với công nghệ viễn thông 5G được coi là một phần nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến thương mại, bởi Hoa Kì đang muốn kiềm chế sự phát triển của nó.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi Trung Quốc hiện đang là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ, trong khi đó 5G được cho là mạch máu mới của nền kinh tế, thúc đẩy các nền kinh tế hiện đại trong tương lai. Rõ ràng Hoa Kì không hề mong muốn ngôi vị số một thế giới của họ bị đe dọa bởi Trung Quốc.