Nhóm Eurowindow hé mở kế hoạch khởi công khu đô thị 7.100 tỷ ở Long An

Khu đô thị tại phường 4 và phường 6 TP Tân An có diện tích gần 175 ha, tổng mức đầu tư 7.119 tỷ đồng. Chủ đầu tư cho biết dự kiến khởi công dự án vào quý II/2025.

Tháng 12/2021, UBND TP Tân An, Long An đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị tại phường 4 và phường 6. Đến năm 2022, dự án được điều chỉnh quy hoạch và Eurowindow Holding bắt đầu tiến vào dự án này.

Tháng 3/2023, khu đô thị tạ phường 4 và phường 6 được UBND tỉnh Long An chấp thuận chủ trương đầu tư và đến cuối tháng 8, nhóm doanh nghiệp nhà Eurowindow Holding, bao gồm CTCP Đầu tư Tổ hợp Thương mại Melinh Plaza Thanh Hóa, CTCP Đầu tư Trung tâm thương mại Vinh (Vicentra) và CTCP Đầu tư du lịch Eurowindow Nha Trang đã vượt qua vòng sơ bộ đánh giá năng lực thực hiện dự án. 

Dự kiến khởi công vào quý II/2025

Ranh giới Khu đô thị tại phường 4 và phường 6 nhìn trên bản đồ. (Nguồn: Chủ đầu tư). 

Khu đô thị tại phường 4 và phường 6 TP Tân An có tổng diện tích lập quy hoạch là 174,6 ha. Phía bắc dự án giáp khu dân cư khu phố Xuân Hòa và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Long An; phía nam giáp khu dân cư hiện trạng và đất trồng cây ăn quả thuộc phường 4 và phường 6; phía đông giáp tuyến đường QL1A (tuyến đường tránh trung tâm thành phố); phía tây giáp khu vực dân cư xóm Đình, phường 6 và rạch Cần Đốt. 

Vị trí này nằm gần các công trình trụ sở cơ quan hành chính của tỉnh Long An: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục thuế tỉnh; Kho bạc nhà nước (đang trong quá trình xây dựng) và khu đất đã cấp cho Cục Hải quan tỉnh (hiện tại chưa xây dựng). Bán kính 2 km xung quanh không có các di tích dịch sử, khu bảo tồn.

Về hiện trạng, khu đất dự án hiện có gần 44 ha đất ở; hơn 48 ha đất trồng cây ăn quả - cây lâu năm; 15 ha đất trồng cây khác; 11 ha đất chưa sử dụng; 13 ha đất mặt nước; 20 ha đất lúa; hơn 6 ha đất cơ quan và gần 6 ha đất giao thông...

Hệ thống giao thông đối ngoại hiện có của dự án bao gồm: Quốc lộ 62, đường tránh thành phố Tân An và các tuyến đường mới theo quy hoạch của thành phố. Trong tổng số 174,6 ha theo quy hoạch, dự án sẽ thực hiện trên diện tích 137,2 ha, còn lại 37,4 ha nằm ngoài dự án (thuộc khu đô thị Việt Hoá và khu đô thị Tấn Đồ).

Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí 41 ha xây dựng nhà ở; 2,6 ha đất công cộng; 0,6 ha đất hành chính; 2,5 ha đất giáo dục; 8,7 ha đất hỗn hợp chung cư thấp tầng kết hợp thương mại dịch vụ; 21 ha đất cây xanh; 8,2 ha đất mặt nước và gần 52 ha đất giao thông. 

Hiện trạng khu vực thực hiện dự án. (Nguồn: Chủ đầu tư).

Toàn dự án sẽ có 3.636 sản phẩm nhà ở, phục vụ cho 13.104 người.

Đất ở liền kề tại dự án có 2.287 lô với diện tích khoảng 74 - 290 m2 /lô, mật độ xây dựng 70 - 90%, chiều cao 3 - 5 tầng. Đất nhà ở biệt thự có 195 lô cao 2 - 3 tầng, mật độ xây dựng 40 - 60%. Đất ở tái định cư có 127 lô cao 3 - 5 tầng, mật độ xây dựng 80 - 90%. Đất nhà ở xã hội có 827 lô cao 3 - 5 tầng, mật độ xây dựng 40 - 60%. Đất ở hiện trạng cải tạo có 200 lô. Công trình chung cư hỗn hợp tại dự án có tổng cộng 1.888 căn hộ, với 5 toà chung cư cao 7 - 11 tầng, mật độ xây dựng 45 - 55%.

Tổng mức đầu tư của khu đô thị này là 7.119 tỷ đồng (vốn góp nhà đầu tư là 1.069 tỷ đồng), tiến độ thực hiện là 8 năm. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 1.025 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 5.590 tỷ đồng; chi phí lãi vay là 504 tỷ đồng.

Thông tin mới nhất từ chủ đầu tư, dự kiến quý III năm nay dự án sẽ hoàn thiện hồ sơ giao đất; quý IV/2024 hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, báo cáo nghiên cứu khả thi và đánh giá tác động môi trường.

Công tác rà phá bom mìn; chuẩn bị mặt bằng; khảo sát xây dựng, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán; cấp phép xây dựng; triển khai thi công xây dựng sẽ thực hiện trong quý I/2025. Quý II/2025 khởi công dự án và thực hiện xây dựng đến quý II/2030. Giai đoạn quý III - quý IV/2030 sẽ quyết toán dự án, bảo hành, bàn giao hạ tầng kỹ thuật cho nhà nước và kinh doanh khai thác.

Năng lực các nhà đầu tư

Nói qua về các nhà đầu tư đăng ký dự án, các doanh nghiệp trong liên danh trên đều là thành viên nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Eurowindow Holding.

Melinh Plaza Thanh Hoá là doanh nghiệp đứng đầu liên danh. Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2011, có trụ sở tại TP Thanh Hoá.

Melinh Plaza Thanh Hoá được biết đến là chủ đầu tư của khu đô thị Eurowindow Garden City tại TP Thanh Hoá. Dự án này nằm đối diện ngã tư vòng xuyến Hồng Hạc với hai mặt tiền tiếp giáp bộ đôi đại lộ Hùng Vương – Nguyễn Hoàng, các hạng mục gồm 216 lô nhà phố thương mại, 42 căn shophouse và 195 căn chung cư. Eurowindow Garden City đi vào hoạt động từ năm 2021.

Tại dự án Khu đô thị tại phường 4 và phường 6, vốn góp của Melinh Plaza Thanh Hoá là 587,5 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 55%.

Tiếp đến là Vicentra, doanh nghiệp này thành lập từ năm 2006 và có trụ sở ở TP Vinh, Nghệ An. Tại đây, Vicentra đang là chủ đầu tư của Tổ hợp đa chức năng Vicentra Nghệ An (1,1 ha) bao gồm tòa tháp cao 20 tầng và khu nhà phố cao 4 tầng tại phường Hồng Sơn, TP Vinh. 

Tại Khu đô thị tại phường 4 và phường 6, vốn góp của Vicentra là 321 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 30%. 

Cuối cùng là Eurowindow Nha Trang, doanh nghiệp được thành lập vào tháng 1/2008 với các cổ đông sáng lập là CTCP Eurowindow Holding và ông Nguyễn Cảnh Hồng. Trên thị trường bất động sản, Eurowindow Nha Trang được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Radisson Blu Resort Cam Ranh (11,4 ha), Movenpick Resort Cam Ranh (22,3 ha)...

Tại Khu đô thị tại phường 4 và phường 6, vốn góp của Eurowindow Nha Trang là 160,5 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 15%.

TP Tân An. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Ông lớn liên tục kéo về Long An gom đất

Khoảng 1 - 2 năm trở lại đây, khi giá BĐS ở TP HCM ngày càng tăng cao, nhiều nhà đầu tư có xu hướng lựa chọn cho mình các BĐS giá rẻ hơn tại các khu đô thị vệ tinh quanh thành phố như Bình Dương, Long An, Đồng Nai…

Tận dụng vị trí kinh tế chiến lược khi là điểm trung chuyển giữa TP HCM và các tỉnh miền tây, Long An đã mời đầu tư nhiều dự án quy mô lớn. Năm 2023, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đầu ngành đã lần lượt kéo về Long An gom đất.

Tháng 5/2023, liên danh DB - Tập đoàn Ecopark đã được Long An chấp thuận là nhà đầu tư Khu đô thị sinh thái, thương mại du lịch tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức. Dự án này có quy mô hơn 220 ha, tổng vốn khoảng 17.000 tỷ đồng.

Đến tháng 8/2023, bên cạnh nhóm Eurowindow, Long An đón thêm liên danh CTCP Hồng Việt - Bất động sản Thăng Long đăng ký thực hiện Khu dân cư Thanh Phú - Tân Bửu gần 144 ha, tổng chi phí thực hiện hơn 3.287 tỷ đồng, chưa tính chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 2.876 tỷ đồng.

Tháng 10/2023, Long An đã chấp thuận cho CTCP Phát triển Thành phố Xanh (công ty con của Vinhomes) là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Hậu Nghĩa - Đức Hòa hơn 197 ha, tổng mức đầu tư khoảng 28.258 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD).

Cũng trong tháng 10, liên danh Bất động sản Thắng Lợi (Thắng Lợi Group) - CTCP Xây dựng Số 1 Hà Nội (HACC1) đã được công nhận đáp ứng sơ bộ năng lực thực hiện dự án Đường N18 kết hợp khu dân cư thị trấn Cần Giuộc (9,2 ha, 1.450 tỷ đồng).

Từ đầu năm 2024 đến nay, làn sóng doanh nghiệp tìm về Long An vẫn tiếp diễn: Vinhomes nhắm thêm hai dự án 7 tỷ USD ở huyện Đức Hoà và huyện Cần Giuộc; CTCP Đầu tư Vĩnh Tuy đang rộng cửa tiến vào Khu dân cư tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa (2.700 tỷ đồng); trong khi đó đại gia Gỗ An Cường cũng công bố tham gia làm khu đô thị Bình An Đức Hòa hơn 9.000 tỷ đồng.