Những vấn đề cần lưu ý khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Theo như quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì kết quả phân loại sức khỏe phải được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức trong thời hạn 20 ngày.

Quy trình khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Quy trình khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự qua các bước là Sơ tuyển sức khỏe và khám sức khỏe, khám phúc tra sức khỏe (trong trường hợp cần thiết). Cụ thể:

  • Bước 1: Sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự:

    • Địa điểm thực hiện: Trạm y tế xã;

    • Nội dung sơ tuyển sức khỏe:

      • Phát hiện những trường hợp không đủ sức khỏe về thể lực, dị tật, dị dạng và những bệnh lý thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự;

      • Khai thác tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình.

  • Bước 2: Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự:

    • Địa điểm thực hiện: Trung tâm Y tế huyện;

    • Nội dung khám sức khỏe:

      • Khám về thể lực;

      • Khám lâm sàng các chuyên khoa theo các chỉ tiêu quy định tại Mục II, Mẫu 2 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 16; trong quá trình khám, trường hợp công dân được khám có một trong các chuyên khoa xếp điểm 5 hoặc điểm 6 thì người khám chuyên khoa đó có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe xem xét, quyết định việc có tiếp tục khám các chuyên khoa khác;

      • Trường hợp cần xét nghiệm cận lâm sàng phục vụ cho kết luận sức khỏe theo Yêu cầu của Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, bao gồm cả xét nghiệm phát hiện ma túy.

  • Bước 3: Khám phúc tra sức khỏe Nghĩa vụ quân sự:

    Trường hợp cần thiết có thể thực hiện thêm bước này để cho kết luận kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự cuối cùng.​

    • Địa điểm: Được thông báo sau

    • Nội dung khám:

      • Theo quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ;

      • Phân loại sức khỏe

Khi khám phúc tra sức khỏe, trường hợp phiếu sức khỏe có ghi chữ “T” (tạm thời), Hội đồng khám phúc tra sức khỏe phải kết luận:

  • Nếu bệnh khỏi thì bỏ chữ “T” và chuyển loại sức khỏe;

  • Nếu không khỏi hoặc có chiều hướng tiến triển xấu, cần phải tổ chức khám lại và có kết luận đủ sức khỏe hoặc không đủ sức khỏe gọi nhập ngũ phải trả về địa phương.

Giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự khi có khiếu nại về sức khỏe của người được gọi làm nghĩa vụ quân sự

Theo đó, khi có các khiếu nại liên quan đến sức khỏe của công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự, công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự và quân nhân dự bị, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện đề nghị Hội đồng giám định y khoa tỉnh tổ chức giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Yêu cầu giám định gồm:

  • Giám định tình trạng bệnh tật theo đề nghị của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện;

  • Kết luận giám định phải xác định rõ tình trạng bệnh tật và phân loại sức khỏe.

Quyết định của Hội đồng giám định y khoa tỉnh là kết luận cuối cùng về khiếu nại sức khỏe của công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự và tuyển sinh quân sự.

Phân loại sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Căn cứ vào số điểm chấm cho 8 chỉ tiêu ghi trong phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì phân loại như sau:

  • Loại 1: 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1;

  • Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2;

  • Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3;

  • Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4;

  • Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5;

  • Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.

Những vấn đề cần lưu ý khi đi khám sức khỏe

Các giấy tờ cần phải xuất trình gồm:

  • Lệnh gọi khám sức khỏe hoặc kiểm tra sức khỏe của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện;

  • Giấy chứng minh nhân dân;

  • Các giấy tờ liên quan đến sức khỏe cá nhân (nếu có) để giao cho Hội đồng khám sức khỏe hoặc Tổ kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Đồng thời, khi đi kiểm tra, sơ tuyển, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự phải chú ý:

  • Không uống rượu, bia hoặc dùng chất kích thích.

  • Chấp hành nội quy khu vực khám sức khỏe, kiểm tra sức khỏe.

  • Cấm các hành vi lợi dụng việc khám sức khỏe để trốn, tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

10 bệnh được miễn nghĩa vụ quân sự

Là những bệnh thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự, không nhận vào quân thường trực, gồm:

  • Tâm thần (F20- F29);

  • Động kinh G40;

  • Bệnh Parkinson G20;

  • Mù một mắt H54.4;

  • Điếc H90;

  • Di chứng do lao xương ,khớp B90.2;

  • Di chứng do phong B92;

  • Các bệnh lý ác tính (U ác, bệnh máu ác tính);

  • Người nhiễm HIV;

  • Người khuyết tật mức độ đặc biệt nặng và nặng.

Trường hợp không phải đi nghĩa vụ khi không đủ tiêu chuần về sức khỏe tham khảo bài sau:

nhung van de can luu y khi di kham suc khoe nghia vu quan su Trường hợp không phải đi nghĩa vụ khi không đủ tiêu chuần về sức khỏe

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.