Để được nhận bồi thường từ bảo hiểm khi xe máy gặp tai nạn, va chạm và gây thiệt hại, người điều khiển phương tiện phải thực hiện các thủ tục để yêu cầu bồi thường từ bảo hiểm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Kinh tế & Đô thị).
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 22/2016/TT-BTC quy định về hồ sơ bồi thường như sau: Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với chủ xe cơ giới, người bị thiệt hại, cơ quan công an và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác để thu thập các tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn giao thông để lập Hồ sơ bồi thường.
Hồ sơ bồi thường bao gồm các tài liệu sau:
Tài liệu liên quan đến xe, lái xe (Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính):
- Giấy đăng ký xe.
- Giấy phép lái xe.
- Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tuỳ thân khác của lái xe.
- Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Tài liệu chứng minh thiệt hại về người (Bản sao của các cơ sở y tế hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm), tùy theo mức độ thiệt hại về người có thể bao gồm một hoặc một số các tài liệu sau:
- Giấy chứng thương.
- Giấy ra viện.
- Giấy chứng nhận phẫu thuật.
- Hồ sơ bệnh án.
- Giấy chứng tử (trong trường hợp nạn nhân tử vong).
Tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản:
- Hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra do chủ xe thực hiện tại các cơ sở do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định hoặc được sự đồng ý của doanh nghiệp bảo hiểm.
- Các giấy tờ chứng minh chi phí cần thiết và hợp lý mà chủ xe đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
Bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn :
- Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn.
- Sơ đồ hiện trường, bản ảnh (nếu có).
- Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn.
- Thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông.
- Các tài liệu khác có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có).
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền không có các tài liệu quy định trên và thiệt hại xảy ra ước tính dưới 10 triệu đồng, hồ sơ bồi thường phải có các tài liệu liên quan đến xe, lái xe; tài liệu chứng minh thiệt hại về người; tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản và các tài liệu sau:
- Biên bản xác minh vụ tai nạn giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe cơ giới có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nơi xảy ra tai nạn. Biên bản xác minh vụ tai nạn phải có các nội dung sau:
Thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn; Thông tin do chủ xe cơ giới hoặc lái xe gây tai nạn, nạn nhân hoặc đại diện của nạn nhân, các nhân chứng tại địa điểm xảy ra tai nạn (nếu có) cung cấp. Các đối tượng cung cấp thông tin phải ghi rõ họ tên, số chứng minh thư, địa chỉ; Mô tả hiện trường vụ tai nạn và thiệt hại của phương tiện bị tai nạn (kèm theo bản vẽ, bản ảnh).
- Biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền lập.
- Các tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có).
Với các trường hợp xe máy bị cháy nổ cần có thêm giấy tờ chứng minh quyền sở hữu xe, giấy giám định tại công ty bảo hiểm.
Tùy theo loại hình bảo hiểm mà khách hàng đã tham gia mà cần chuẩn bị thêm các giấy tờ khác theo quy định của công ty bảo hiểm.
Theo quy định hiện hành, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), chủ xe máy có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản cho công ty bảo hiểm đồng thời nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường để được giải quyết trong thời gian ngắn nhất.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 Thông tư số 22/2016/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định như sau: Thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới và không quá 30 ngày trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ.
Số tiền tối đa mà công ty bảo hiểm phải trả trong trường hợp có người tử vong do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn.
Đối với mức thiệt hại về xe, công ty bảo hiểm phải chi trả tối đa 50 triệu đồng/vụ tai nạn do xe máy gây ra.
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 103/2008/NĐ-CP, các trường hợp sau sẽ không được công ty bảo hiểm bồi thường thiệt hại:
- Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe, hoặc của người bị thiệt hại.
- Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.
- Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe.
- Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.
- Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.
- Chiến tranh, khủng bố, động đất.
Ngoài ra còn có các loại trừ bảo hiểm khác tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa khách hàng và công ty bảo hiểm.
Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.
Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.
Pháp luật 14:05 | 06/06/2019
Pháp luật 07:10 | 04/06/2019
Pháp luật 11:30 | 03/06/2019
Pháp luật 07:13 | 03/06/2019
Pháp luật 17:37 | 24/05/2019
Pháp luật 16:58 | 24/05/2019
Pháp luật 10:32 | 24/05/2019
Pháp luật 16:46 | 20/05/2019