Phát Đạt thoát lỗ quý III nhờ bán công ty con, có hơn 7.600 tỷ đồng phải thu ngắn hạn

Quý III/2022, doanh thu từ chuyển nhượng đất của Phát Đạt giảm mạnh, nhờ doanh thu từ bán công ty con, công ty thoát lỗ và báo lãi tăng 17% so với cùng kỳ. Thời điểm cuối quý III, công ty đang có hơn 7.600 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, ngược lại, lượng tiền mặt giảm gần 86% so với đầu năm.

CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu thuần đạt 11,1 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ năm 2021, phần lớn do doanh thu từ chuyển nhượng đất giảm từ 1.266 tỷ đồng còn 7,7 tỷ đồng.

Mặt khác, doanh thu tài chính trong kỳ của Phát Đạt tăng mạnh, đạt 1.249 tỷ đồng nhờ lãi từ chuyển nhượng CTCP địa ốc Sài Gòn KL (công ty con) cho đối tác.

 Doanh thu tài chính trong quý III/2022 của Phát Đạt. (Nguồn: BCTC doanh nghiệp).

Kết quả, quý III/2022, công ty báo lãi sau thuế 711,2 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Phát Đại ghi nhận doanh thu thuần 1.490 tỷ đồng, giảm 38% và lợi nhuận sau thuế 1.399 tỷ đồng, tăng 26%.

Năm nay, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 2.908 tỷ đồng, như vậy, sau 9 tháng đầu kinh doanh, Phát Đạt đã thực hiện được 48% mục tiêu lợi nhuận năm.

KQKD 9 tháng đầu năm 2022 của Phát Đạt. (Nguồn: Trương Nhi tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp). 

Tổng tài sản tại thời điểm cuối quý III của công ty đạt 25.797 tỷ đồng, tăng 25,5% so với đầu năm, phần lớn do tăng các khoản phải thu ngắn hạn, đạt 7.615 tỷ đồng, chủ yếu do phát sinh thêm các khoản phải thu ngắn hạn tại nhóm Danh Khôi. 

Việc tăng tại khoản mục này cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Phát Đạt âm hơn 1.758 tỷ đồng. 

Danh mục hàng tồn kho của công ty đạt 13.378 tỷ đồng, tăng 9,7% so với đầu năm, phần lớn ghi nhận tại dự án The EverRich 2 (River City), dự án Bình Dương Tower, dự án Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Bình Dương (dự án Astral City), dự án Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Bắc Hà Thanh.

Cuối quý III, công ty ghi nhận đầu tư 387 tỷ đồng vào CTCP Địa ốc Hòa Bình, qua đó khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty tăng 34,5%, đạt 1.519 tỷ đồng. Địa ốc Hòa Bình được thành lập vào tháng 2/2008 với hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, tính tới ngày 27/7/2011, vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 320 tỷ đồng.

Ngược lại, lượng tiền mặt giảm gần 86% so với đầu năm, phần lớn do giảm khoản tiền gửi ngân hàng. 

Tại ngày 30/9, công ty ghi nhận 5.264 tỷ đồng khoản nợ vay tài chính, tăng 53,6% so với đầu năm, chủ yếu do tăng khoản vay từ trái phiếu và ghi nhận mới 720,3 tỷ đồng khoản vay từ ACA Vietnam Real Estate III LP.

Tính đến cuối tháng 9, Phát Đạt có 2.846 tỷ đồng dự nợ từ phát hành trái phiếu, hầu hết các trái phiếu này đều có thời gian đáo hạn trong năm 2023.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, trong 9 tháng, công ty đã thu 815 tỷ đồng từ đi vay và chi trả nợ gốc vay 417 tỷ đồng. Qua đó, dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 398 tỷ đồng. 

Nói thêm về dòng tiền của Phát Đạt, trong kỳ, công ty cũng có gần 1.593 tỷ đồng tiền thu hồi từ đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, qua đó kéo dòng tiền từ hoạt động đầu tư dương 812 tỷ đồng.

Do âm nặng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh như đã đề cập, dòng tiền thuần trong kỳ âm 548 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 6,4 tỷ đồng. 

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.