Samsung, LG, Lotte hứng đòn nặng khi Hàn Quốc thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ 2 thế giới

Trở thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới khiến nền kinh tế Hàn Quốc lao đao. Chứng khoán tuột dốc ngay lập tức, các công ty lớn cùng như ngành bán lẻ nước này đối mặt với nguy cơ bị tê liệt.

Tính đến sáng 24/2, Trung tâm phòng chống dịch bệnh và bệnh tật Hàn Quốc báo cáo rằng 7 người đã chết vì Covid-19. Số ca nhiễm đã tăng lên 161 trường hợp mới, nâng tổng số lên 763 trên toàn quốc. Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn nhất ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Chứng khoán Hàn Quốc tuột dốc hơn 3%

CNBC đưa tin, các cổ phiếu ở Hàn Quốc đã đi đầu trong việc giảm sâu so với các thị trường lớn ở châu Á trong phiên giao dịch sáng hôm nay, 24/2. Chứng khoán của xứ sở kim chi lao dốc sau khi nước này tăng cảnh báo virus corona lên mức cao nhất, và thừa nhận thất bại trong việc kiểm soát bệnh dịch.

Các chỉ số Kospi giảm 3,03% trong phiên sáng nay. Cổ phiếu của hãng Hyundai Motor giảm khoảng 4%, trong khi sàn Kosdaq giảm 2,56%. Đồng won suy yếu xuống 1.217,7 won đổi 1 USD.

Samsung, LG, Lotte… nhận đòn nặng khi Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 1.

Chứng khoán Hàn Quốc được dự báo sẽ tiếp tục nhuốm màu bi quan trong thời gian tới. (Ảnh: Andina).

Samsung Electronics đã công bố một trường hợp công nhân dương tính với virus corona được xác nhận tại khu nhà máy sản xuất thiết bị di động ở Hàn Quốc. Cổ phiếu của Samsung Electronics giảm hơn 2,5% trong phiên giao dịch sáng nay.

Bệnh viêm phổi Vũ Hán oanh tạt Hàn Quốc khiến chứng khoán châu Á choáng váng theo. Đặc biệt, chỉ số MSCI châu Á sáng nay đã có mức giao dịch thấp hơn 1,5% so với cuối tuần rồi.

Còn cổ phiếu ở Trung Quốc đại lục luôn bị xáo trộn vì là nơi phát dịch. Sàn Thượng Hải đã giảm hơn 0,44%, trong khi các chỉ số Hang Seng của Hong Kong giao dịch thấp hơn 1,3%.

Cổ phiếu tại Australia cũng giảm, với S & P / ASX 200 giảm hơn 2% do gần như tất cả các lĩnh vực đều giảm. Subindex giảm khoảng 4%, do cổ phiếu của các công ty dầu mỏ giảm. Santos giảm 4,42% trong khi Woodside Oil giảm mạnh hơn 6%.

Người lao động ở Hàn Quốc tự nguyện nghỉ việc hoặc giảm lương

Tờ Thời Báo Hàn Quốc sáng đầu tuần đã giựt một tít bài ngay trang nhất: "Nhiều công ty sa thải hàng loạt lao động trong bối cảnh virus corona khiến nền kinh tế suy thoái". Theo bài viết, xu hướng này lan rộng trong ngành hàng không, ô tô, viễn thông và cả công nghiệp nặng.

Không phải các công ty tự sa thải nhân viên mà ngược lại, Asiana Airlines, LG Uplus, S-Oil, Tập đoàn Công nghiệp nặng và Xây dựng Doosan, Renault Samsung và các công ty khác, cho biết họ đang nhận được "đơn xin thôi việc" từ nhân viên.

S-Oil, công ty dầu khí và nhà máy lọc dầu lớn thứ 5 thế giới, cho biết họ đang xem xét nhận đơn xin nghỉ việc tự nguyện từ các nhân viên ở vị trí quản lí trở lên. Năm ngoái, công ty này đã đón nhận cú sốc về thu nhập, do lợi nhuận giảm 29,8% so với cùng kì.

Samsung, LG, Lotte… nhận đòn nặng khi Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 2.

Người lao động Hàn Quốc đi làm trong tình trạng kiểm dịch nghiêm ngặt. (Ảnh: ABC).

LG Uplus, chi nhánh viễn thông của Tập đoàn LG, cũng đang thảo luận về chương trình nghỉ hưu tự nguyện với công đoàn lao động. Nếu được thực hiện, đây sẽ là đợt sa thải đầu tiên kể từ khi công ty được thành lập vào năm 2010, sau khi LG Telecom sáp nhập với LG Dacom và LG Powercom.

Các hãng hàng không cũng đang quay cuồng vì sự lây lan của virus corona. Asiana Airlines, hãng hàng không số 2 của Hàn Quốc, cho biết mọi nhân viên sẽ nghỉ phép không lương, vì dịch bệnh khiến nhu cầu đi lại bằng máy bay giảm. Hãng vận tải cho biết họ sẽ cắt giảm lương của CEO và lãnh đạo bộ phận từ 20% đến 40%, tuỳ vị trí.

Samsung hoãn bán Galaxy Fold và Flip Z?

Virus corona đang gậm nhấm nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, tiêu biểu là Samsung, doanh nghiệp đã ghi nhận ca nhiễm bệnh vào tuần rồi. 

Đại diện Samsung Electronics chia sẻ với Thời Báo Hàn Quốc, rằng quyết định "tạm thời đóng cửa" nhà máy điện thoại của họ ở Gumi, tỉnh Bắc Gyeongsang, nơi họ sản xuất điện thoại thông minh cao cấp Galaxy Fold và Galaxy Z Flip, sẽ có tác động hạn chế đến đầu ra.

Gumi là thành phố gần với Deagu, ổ dịch corona xuất phát từ những người tham dự lễ nhà thờ thuộc giáo phái Tân Thiên Địa. 

"Chúng tôi đặt sức khỏe nhân viên lên hàng đầu và sẽ thực hiện tất cả các biện pháp phòng dịch nhanh chóng nhất có thể. Tất cả những công nhân đã tiếp xúc với người bệnh đều phải được cách li và xét nghiệm", đại diện hãng này khẳng định.

Samsung, LG, Lotte… nhận đòn nặng khi Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 3.

Galaxy Flip Z đang là siêu phẩm chiến lược của Samsung trong bối cảnh thị trường smartphone dần bão hoà. (Ảnh: Engadget).

Tuy nhiên, về tác động đến sản xuất và kinh doanh, vị này lạc quan cho biết: "Chúng tôi không nghĩ rằng việc đóng cửa tạm thời nhà máy Gumi của chúng tôi sẽ có tác động rộng lớn, bởi tình hình đã được kiểm soát đúng mức". 

Nhà máy Gumi sẽ mở cửa trở lại vào chiều hôm nay, ngày 24/2, sau khi đóng cửa để làm công tác khử trùng trong 2 ngày. Sang hôm sau, 25/2, khu vực làm việc của nhân viên bị phát hiện nhiễm bệnh mới mở cửa hoạt động.

Tuy nhiên, vì khối lượng sản xuất tại nhà máy này nhỏ và dây chuyền công nghệ nặng đã chuyển phần lớn sản lượng sang Việt Nam trong vài năm qua, vì thế Samsung tự tin mọi chuyện vẫn trong tầm kiểm soát.

Công ty này cũng có thể xem xét việc trì hoãn thương mại hoá Fold and Flip Z, vì các nhà máy tại Việt Nam có thể gặp phải các vấn đề về chuỗi cung ứng, do sự lây lan của virus corona. Việt Nam đang kiểm dịch tốt nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về các vật liệu và thiết bị cần thiết để sản xuất 2 điện thoại cao cấp trên.

Ngành bán lẻ Hàn Quốc tê liệt

Cú sốc mang tên Sars-nCov-2 còn giáng xuống nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ phía Nam bán đảo Triều Tiên, vốn đã "già nua" và ngày càng đuối sức. 

Chuỗi cửa hàng bách hóa hàng đầu Hàn Quốc Shinsegae chia sẻ với tờ Yonhap, rằng họ sẽ đóng cửa một phần cửa hàng ở phía nam Seoul, để thực hiện biện pháp khử trùng, sau khi nhận được thông tin một bệnh nhân được chẩn đoán mắc virus corona đã ghé mua hàng.

Samsung, LG, Lotte… nhận đòn nặng khi Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 4.

Nhiều cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại tại Hàn Quốc đang đóng cửa để được khử trùng. (Ảnh: The Daily Beast).

Cửa hàng ở quận Gangnam sang trọng sẽ đóng cửa khu ẩm thực ở tầng hầm trong một ngày. Shinsegae cho biết họ đã quyết định duy trì hoạt động của các tầng khác, vì bệnh nhân chỉ đến thăm khu ẩm thực và có đeo khẩu trang.

Trước đó, vào đầu tháng 2, các chuỗi cửa hàng bách hóa và siêu thị khác như cửa hàng bách hóa Lotte và cửa hàng bách hóa Hyundai, cũng đã tệ liệt đình chỉ hoạt động các chi nhánh của họ, sau khi nhận tin các bệnh nhân nhiễm corona có ghé mua hàng.

Thời Báo Hàn Quốc đưa tin, xếp hạng tín dụng của hai nhà bán lẻ E-Mart và Lotte Shopping đã bị hạ cấp. Do sự bùng phát của virus corona, người dân ngừng các hoạt động ngoài trời và hạn chế đi đến nơi đông người.

Tổ chức Moody's và Dịch vụ tài chính của Standard & Poor (S & P) đã cắt giảm triển vọng của họ đối với hai nhà bán lẻ này, từ mức ổn định sang tiêu cực.

"Dự đoán của chúng tôi là những yếu tố tăng trưởng sẽ không cải thiện một cách có ý nghĩa trong vòng 1-2 năm tới", Phó Chủ tịch và Giám đốc tín dụng cao cấp của Moody, Yoo Wan-hee nói.

Samsung, LG, Lotte… nhận đòn nặng khi Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 5.

Người Hàn Quốc đang sợ ra đường khiến ngành bán lẻ bị tê liệt. (Ảnh: RFI).

Lợi nhuận của E-Mart trong năm 2019 là 150,7 tỉ won, giảm 67,4% so với năm trước. Nhà điều hành siêu thị hàng đầu Hàn Quốc cho biết họ sẽ tập trung vào các hoạt động kinh doanh mới, như bán lẻ trực tuyến thông qua SSG.com, bán lẻ và khách sạn ở nước ngoài. 

S & P dự báo rằng các nỗ lực tái cấu trúc liên tục của công ty cho các kênh mới sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn đối với lợi nhuận của E-Mart.

Lotte Shopping gần đây tuyên bố sẽ đóng 30% các cửa hàng của mình, chủ yếu là các siêu thị lớn và một số cửa hàng bách hóa, để cắt lỗ. Gã khổng lồ bán lẻ cho biết không phải tất cả 200 cửa hàng sẽ đóng cửa cùng một lúc và sẽ mất vài năm để làm điều này.