Ngày 9/6, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn tại Quốc hội.
Trước câu hỏi của đại biểu về thu phí không dừng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, thu phí không dừng là công nghệ mới, cần ứng dụng để giúp việc đi lại và nộp thuế phí của người dân được tiện lợi, công khai, minh bạch.
Chính phủ đã triển khai ứng dụng công nghệ này từ năm 2015. Tuy nhiên trong quá trình triển khai đã gặp nhiều vướng mắc, do thói quen của người dân, vận hành gặp sơ suất kỹ thuật.
Năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết giao Chính phủ đến năm 2019 phải triển khai xong việc này. Tuy nhiên, với số lượng làn đường lớn, Bộ đã không đáp ứng được theo đúng tiến độ Nghị quyết đề ra. Đến năm 2019, các dự án BOT đều có ít nhất 2 làn thu phí không dừng. Tuy nhiên, vì vấn đề tái cơ cấu của Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) nên chậm tiến độ.
“Hai ngày trước, VEC đã ký hợp đồng tín dụng để triển khai nốt hạng mục thu phí ETC. Theo tiến độ chúng tôi nắm thì cơ bản đảm bảo”, ông Thể nói.
Bộ trưởng Thể khẳng định Chính phủ đang rất cương quyết, đến 30/6 các trạm thu phí phải lắp lắp đầy đủ trạm thu phí không dừng ở các làn, chỉ để lại một làn hỗn hợp mỗi trạm. Trạm nào không triển khai xong thì sẽ dừng thu phí.
"Đối với các trạm của VEC, đến 30/7 mà không triển khai xong thì cho xả trạm", Bộ trưởng GTVT nói.
VEC hiện quản lý 4 tuyến cao tốc gồm Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đến nay mới có tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình được triển khai thu phí không dừng, 3 tuyến còn lại vẫn đang chờ kinh phí.