Bằng mắt thường, người dùng dễ nhận thấy, hầu hết các loại khẩu trang đều có thiết kế khá giống nhau. Tuy nhiên chất lượng của từng loại vẫn là dấu hỏi dù nó được quảng cáo với tên gọi rất kêu: 4 lớp, kháng khuẩn, chắn bụi, khẩu trang y tế.
Khi dịch bùng phát, mặt hàng khẩu trang tại các nhà thuốc ở Việt Nam rơi cảnh “cháy hàng”, giá tăng phi mã. Trước đây, khẩu trang thường được bán buôn từ Hà Nội về các tỉnh thành khác, nhưng giờ, đường đi của khẩu trang ngược lại, từ các tỉnh tấp nập đổ về Hà Nội.
Hơn 1 tháng sau khi dịch Covid-19 thành đại dịch, các nhà thuốc, cửa hàng vật tư y tế tại Hà Nội đồng loạt treo biển “không có khẩu trang, không bán nước rửa tay kháng khuẩn”. Nhà thuốc không bán, khẩu trang bỗng dưng trở thành mặt hàng khan hiếm, khiến người dân nghĩ đủ cách săn lùng khẩu trang và nước rửa tay kháng khuẩn.
Tranh thủ cơ hội kiếm tiền từ mặt hàng này, nhiều cá nhân đã rao bán khẩu trang trên mạng xã hội Facebook và các trang web bán hàng online, với đủ loại khẩu trang của các thương hiệu khác nhau. Hầu hết người bán đều quảng cáo đây là “khẩu trang y tế”, “khẩu trang kháng khuẩn”, thậm chí có người còn cam đoan khẩu trang này đạt tiêu chuẩn “hàng xuất EU”, hàng đi Mỹ. Tuy nhiên khẩu trang đó có đúng là đạt tiêu chuẩn y tế, kháng khuẩn hay không thì… có trời mới biết.
Để tìm hiểu rõ quy trình sản xuất khẩu trang, chúng tôi theo chân anh Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế tại Hưng Yên, và tận mắt thấy trong khu nhà xưởng rộng vài trăm m2, anh Tuấn dành riêng một khu chứa nguyên liệu sản xuất khẩu trang.
“Đây là các loại nguyên liệu làm khẩu trang như vải, giấy, dây chun và giấy kháng khuẩn. Trong các nguyên liệu này, giấy kháng khuẩn có giá bán cao nhất, và cũng khó mua nhất”, vừa chỉ tay về phía hàng hoá chất đống cao sát trần nhà, anh Tuấn giải thích.
Vào đến khu vực nhà xưởng, trước mắt chúng tôi là những dây chuyền sản xuất khẩu trang đang chạy hối hả, tiếng máy dập xoành xoạch liên hồi. Anh Tuấn nhặt lên 2 chiếc khẩu trang từ 2 dây chuyền cạnh nhau đưa cho chúng tôi xem và đề nghị phân biệt sự khác nhau.
Nhìn bề ngoài, 2 chiếc khẩu trang có độ dày, kích thước, màu sắc giống hệt nhau. Khi đeo thử, cảm giác cũng không có gì khác biệt. Tuy nhiên anh Tuấn cho biết sự khác biệt chính là ở giá bán 2 chiếc khẩu trang này. Bởi một loại là khẩu trang ngăn bụi thông thường, còn loại kia có tác dụng kháng khuẩn.
“Nếu nhìn bề ngoài, 2 chiếc khẩu trang này hoàn toàn giống nhau. Nhưng sự khác biệt nằm ở lớp giấy kháng khuẩn bên trong. Lớp giấy kháng khuẩn này quyết định đến chất lượng và giá bán”, anh Tuấn cho biết.
Theo anh Tuấn, giá nguyên liệu giấy kháng khuẩn lên tới 1,2-1,5 tỉ đồng/tấn. Mức giá dao động của giấy kháng khuẩn phụ thuộc vào độ dày của giấy. Nếu theo tiêu chuẩn Mỹ, trọng lượng 1m2 giấy kháng khuẩn khoảng 20gram và có giá cao nhất.
Còn theo tiêu chuẩn của châu Âu, trọng lượng 1m2 giấy kháng khuẩn khoảng 30-40 gram. Giấy kháng khuẩn càng mỏng, càng nhẹ, giá càng cao.
Theo quy định hiện nay, khẩu trang y tế bắt buộc phải có lớp giấy kháng khuẩn bên trong, còn đối với khẩu trang ngăn bụi thông thường không cần loại giấy này. Lớp giấy kháng khuẩn giúp ngăn nước, ngăn virus từ trong miệng thoát ra, đồng thời ngăn virus từ bên ngoài xâm nhập.
Là công nhân có thâm niên làm việc 5-6 năm trong các xưởng sản xuất, anh Nguyễn Văn Hùng hướng dẫn chúng tôi cách phân biệt các loại khẩu trang.
Theo đó, cùng 1 loại khẩu trang y tế 4 lớp, trong đó lớp kháng khuẩn có thể bằng giấy kháng khuẩn hoặc vải kháng khuẩn. Loại khẩu trang có 1 lớp giấy kháng khuẩn sẽ có giá thành cao hơn so với vải kháng khuẩn.
Để phân biệt khẩu trang y tế kháng khuẩn và khẩu trang ngăn bụi thông thường, người tiêu dùng chỉ cần cắt đôi chiếc khẩu trang. Lớp kháng khuẩn thường được xếp thứ 3 từ ngoài vào, và dù là vải hay giấy đều không thấm nước. Đổ nước lên dễ dàng nhận thấy nước không thể lọt qua lớp kháng khuẩn này.
Lợi dụng người tiêu dùng thiếu kĩ năng phân biệt giấy kháng khuẩn và giấy thông thường, một số gian thương đã nhập nhèm, thay thế lớp giấy kháng khuẩn này bằng giấy vệ sinh thông thường. Vào tháng 2/2020, Cục Quản lí thị trường (QLTT) Hà Nội đã bắt quả tang một cơ sở sản xuất khẩu trang tại Thường Tín (Hà Nội) dùng giấy vệ sinh thay cho lớp giấy, vải kháng khuẩn để sản xuất khẩu trang.
Bao bì của sản phẩm này ghi nhãn hiệu Tuylips cùng dòng quảng cáo “khẩu trang kháng khuẩn 3D”, thiết kế thông minh, cấu trúc lọc đa lớp, loại bỏ 99% vi khuẩn bảo vệ sức khoẻ. Tuy nhiên, màng lọc kháng khuẩn - yếu tố quan trọng nhất lại được làm từ… giấy vệ sinh.
Ông Trần Hùng, Tổ trưởng tổ 304, Tổng cục QLTT, cho biết hiện nay có 4 loại khẩu trang: Khẩu trang chống bụi mịn N95; khẩu trang y tế; khẩu trang vải và khẩu trang bảo hộ (có thể 3-4 lớp). Mỗi loại khẩu trang có công dụng khác nhau.
Ví dụ, khẩu trang phẫu thuật dành riêng cho bác sĩ trong phòng phẫu thuật, có mức độ lọc bụi, lọc vi khuẩn tốt nhất. Tuỳ từng mức độ lọc bụi, lọc vi khuẩn sẽ phân biệt các loại khẩu trang. Khẩu trang y tế của Việt Nam có các tiêu chí quy định rõ ràng.
Tại Quyết định số 1444/QĐ-BYT về việc hướng dẫn tạm thời về lựa chọn và sử dụng khẩu trang trong phòng chống dịch, Bộ Y tế đã đưa ra tiêu chí về các loại khẩu trang. Theo đó, khẩu trang y tế N95 dùng cho kĩ thuật viên xét nghiệm, nhân viên y tế, người tiếp xúc trực tiếp để khám, điều trị, chăm sóc cho người bệnh Covid-19. Khẩu trang y tế dành cho cán bộ y tế làm việc trong môi trường y tế ở khu vực có khả năng lây nhiễm, tiếp xúc với người bệnh.
Hai loại khẩu trang này được quản lí là trang thiết bị y tế, đáp ứng tiêu chuẩn và được cơ quan y tế có thẩm quyền cấp theo quy định của Nghị định 36/2016/NĐ-CP.
Ngoài ra, theo quyết định này, còn một số loại khẩu trang khác. Bao gồm, khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn dành cho người làm việc nơi ít nguy cơ, khu vực công cộng và quản lí như hàng hoá thông thường, sản xuất theo quy định của Bộ Y tế hướng dẫn. Loại khẩu trang 3-4 lớp (không đủ điều kiện là trang thiết bị y tế), khẩu trang vải thông thường, sử dụng cho người khoẻ mạnh và khu vực ít nguy cơ lây nhiễm sản xuất theo tiêu chuẩn cơ sở, tuân thủ điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá.
"Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, một số gian thương sản xuất khẩu trang chống bụi 3-4 lớp giống y hệt khẩu trang y tế, mượn vỏ hộp và lưu thông, gây rối thị trường", ông Trần Hùng, Tổ trưởng tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường.
Tiêu dùng 08:16 | 13/06/2020
Tiêu dùng 12:41 | 06/06/2020
Tiêu dùng 05:43 | 24/05/2020
Tiêu dùng 14:51 | 21/05/2020
Tiêu dùng 12:31 | 04/05/2020
Tiêu dùng 05:40 | 04/05/2020
Tiêu dùng 18:41 | 02/05/2020
Kinh doanh 18:31 | 30/04/2020