Thị trường TP HCM 'thấm đòn' giãn cách, liệu có làn sóng cắt lỗ BĐS?

Giãn cách kéo dài tiếp tục tác động tiêu cực đến thị trường BĐS tại TP HCM. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia dự báo về xu hướng bán cắt lỗ 20 - 30% nếu tình hình dịch bệnh không cải thiện.
Thị trường TP HCM 'thấm đòn' giãn cách, liệu có làn sóng cắt lỗ BĐS? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Trước diễn biến của dịch Covid-19, đợt giãn cách xã hội tại TP HCM dự kiến sẽ còn tiếp tục đến cuối tháng 9. Tình trạng giãn cách kéo dài khiến thị trường bất động sản (BĐS) TP HCM ngày càng "thấm đòn". 

Báo cáo của Batdongsan.com.vn cho thấy, lượng tin đăng về BĐS trong tháng 8 tại TP HCM giảm mạnh 59% so với hồi tháng 7, chủ yếu giảm ở phân khúc nhà riêng, nhà mặt phố và căn hộ chung cư. Mức độ quan tâm BĐS ở địa phương này cũng giảm 17% so với tháng đó.

Do giãn cách diện rộng, một số tỉnh giáp ranh TP HCM như Bình Dương và Đồng Nai cũng ghi nhận mức độ quan tâm BĐS giảm mạnh.

Theo thống kê của DKRA Việt Nam, đối với phân khúc đất nền, sức cầu thị trường tại TP. HCM và các tỉnh giáp ranh không có nhiều khởi sắc. Việc bán hàng online cũng không có nhiều hiệu quả, khi mà BĐS vốn là tài sản có giá trị lớn, mang tính đặc thù, nhà đầu tư cần giao dịch trực tiếp mới có thể xuống tiền.

Thị trường đất nền thứ cấp cũng kém sôi động, thanh khoản thị trường ở mức rất thấp. Đã xuất hiện việc một số nhà đầu tư giảm giá/cắt lỗ/giảm một phần lợi nhuận để tạo thanh khoản, do chịu áp lực từ lãi vay.

Đối với phân khúc căn hộ, trong tháng 8, TP HCM ghi nhận 2 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 1.452 sản phẩm. Giao dịch trên thị trường thứ cấp gần như đóng băng do giãn cách, dẫn đến tắc nghẽn trong khâu mua bán.

Phân khúc nhà phố, biệt thự tại TP. HCM và các tỉnh giáp ranh tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới, nhiều dự án phải dời thời gian mở bán. Giao dịch thứ cấp kém sôi động, thị trường có dấu hiệu giảm giá bán, cắt lỗ.

Sẽ có xu hướng bán cắt lỗ chưa thể gọi là làn sóng

Nhận định về nguy cơ xảy ra làn sóng bán tháo BĐS, ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group cho rằng từ nay đến cuối năm sẽ không xảy ra làn sóng bán tháo BĐS. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh chưa cải thiện, lượng bán có thể sẽ tăng dần từ quý II/2022.

Theo ông Chánh, những nhà đầu tư BĐS chuyên nghiệp sẽ tính được khả năng nắm giữ tài sản (khả năng chi trả lãi vay và tiền gốc nếu dùng đòn bẩy), thông thường khoảng 12 - 24 tháng.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển dự báo, trong vài tháng tới, nếu thị trường vẫn diễn biến như hiện nay, khả năng nhà đầu tư sẽ chấp nhận bán cắt lỗ BĐS 20 - 30%. Tuy nhiên, đây chỉ có thể gọi là xu hướng chứ không thể gọi là làn sóng bán tháo.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng thương mại được giãn thu nợ các doanh nghiệp thế chấp BĐS trong 3 - 6 tháng.

"Trong trường hợp kinh tế phục hồi, dịch bệnh lắng xuống thì 6 tháng là đủ để nhà đầu tư khôi phục lại hoạt động kinh doanh, cải thiện thu nhập để trả nợ ngân hàng. Với kịch bản này, việc giãn nợ là chiến lược tốt. Ngược lại, nếu không khống chế được dịch bệnh thì chiến lược này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro", ông Hiển cho biết.

Về thời điểm giao dịch, ông Hiển cho rằng nếu các phương án chống dịch của TP HCM hiệu quả, dự kiến đến hết tháng 9 mới có thể tháo gỡ giãn cách và qua tháng 10 mới bình thường trở lại. Do đó trong trường hợp lạc quan nhất, người bán và người mua nên chờ qua tháng 10.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.