Thiếu hàng tồn kho, Apec Investment (API) lỗ đậm nhất kể từ khi niêm yết

Năm 2023, Apec Investment ghi nhận doanh thu thuần 197,2 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 46,7 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ đậm nhất kể từ khi doanh nghiệp niêm yết vào năm 2010 đến nay.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2023 vừa công bố của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (Apec Investment, mã chứng khoán: API), công ty ghi nhận doanh thu thuần 47 tỷ đồng và doanh thu tài chính 20,6 tỷ đồng, giảm lần lượt 37% và 78% so với cùng kỳ. 

Trong quý, tổng giá vốn và các chi phí giảm 90% so với cùng kỳ. Song, thu không đủ bù chi, công ty lỗ sau thuế hơn 19,4 tỷ đồng. 

Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, khoản lỗ này là do thị trường bất động sản vĩ mô quý IV/2023 chịu nhiều tác động tiêu cực khiến cho nguồn cầu giảm mạnh đó. Bên cạnh đó, số lượng hàng tồn kho của công ty không còn nhiều nên khách hàng cũng ít sự lựa chọn hơn. 

Tại ngày 31/12/2023, danh mục tồn kho hàng hóa bất động sản bao gồm hai dự án Mandala Phú Yên (198 tỷ đồng) và Aqua Park Bắc Giang (tòa OCT8) (24,5 tỷ đồng). Tổng giá trị tồn kho hàng hóa bất động sản là hơn 222 tỷ đồng, giảm gần 50% so với thời điểm đầu năm 2023.

Mặt khác, cũng tại ngày 31/12/2023, “kho lương” khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của công ty đạt 194 tỷ đồng, giảm 20% so với tại đầu năm 2023, phần lớn đến từ khách mua tại các dự án bất động sản, gồm Mandala Phú Yên (146 tỷ đồng), Royal Park Huế (19 tỷ đồng), Aqua Park Bắc Giang (10 tỷ đồng), dự án Đa Hội (4,8 tỷ đồng).

 Phối cảnh dự án Mandala Phú Yên của Apec Investment. (Nguồn: Apec Investment).

Lũy kế cả năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần 197,2 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, chủ lực vẫn là mảng bán bất động sản với doanh thu gần 177 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ.  

Sau khi trừ giá vốn và các chi phí, công ty lỗ sau thuế 46,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 121 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ đậm nhất kể từ khi Apec Investment chính thức niêm yết lên sàn chứng khoán vào năm 2010 đến nay.

 Kết quả kinh doanh quý IV/2023 và năm 2023 của Apec Investment. (Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC). 

  (Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC).  

Tại ngày 31/12/2023, quy mô tổng tài sản của Apec Investment cũng thu hẹp 10% so với tại thời điểm đầu năm 2023, còn hơn 2.293 tỷ đồng. 

Chiếm tỷ trọng lớn nhất (38%) trong tổng tài sản là hàng tồn kho với giá trị gần 878 tỷ đồng, giảm 19% so với đầu năm. 

Bên cạnh tồn kho hàng hóa bất động sản giảm gần 50% như đã nêu, công ty cũng ghi nhận chi phí sản xuất kinh doanh dở dang gần 642 tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm, chủ yếu ghi nhận tại các dự án Royal Park Huế (303 tỷ đồng), Khu công nghiệp Đa Hội (114 tỷ đồng), Golden Palace Lạng Sơn (88 tỷ đồng),...

Mặt khác, tại ngày 31/12/2023, tổng nợ phải trả của Apec Investment đạt gần 1.355 tỷ đồng, giảm 13% so với đầu năm 2023. Trong đó, dư nợ vay tài chính (cả ngắn hạn và dài hạn) là hơn 700 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm, với tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu ở mức gần 0,75.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, trong năm 2023, công ty đã thu được từ đi vay gần 276 tỷ đồng, đồng thời, chi hơn 327 tỷ đồng để trả nợ gốc vay. Do đó, dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính âm hơn 51,8 tỷ đồng và kéo dòng tiền thuần trong năm âm hơn 8,4 tỷ đồng, dù có dòng tiền dương từ các hoạt động kinh doanh, đầu tư.

Trong năm 2023, Apec Investment cùng Apec Group cũng vướng lùm xùm khi vào cuối tháng 6/2023, hàng loạt lãnh đạo nhóm Apec Group, trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch HĐQT Apec Investment, đã bị khởi tố, tạm giam về tội Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại nhóm doanh nghiệp, theo quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội. 

Khi đó, HĐQT Apec Investment đã bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Ly đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT thay bà Thanh. Ông Ly cũng đồng thời là người phụ trách công bố thông tin của công ty.