Thủ tướng muốn lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp để tái khởi động nền kinh tế sau dịch

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, VCCI tổ chức Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, theo hình thức kết hợp truyền hình trực tiếp và trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế.

Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về việc tổ chức Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.

Thủ tướng nhận định hiện nay đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp là rất quan trọng, cần thiết, nhằm thể hiện tinh thần Chính phủ và các cấp chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp.

Đồng thời, thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa ưu tiên phòng chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát huy tinh thần yêu nước, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội, tái cấu trúc doanh nghiệp, tạo động lực cho phát triển và tái khởi động nền kinh tế.

Thủ tướng muốn lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp để tái khởi động nền kinh tế sau dịch - Ảnh 1.

Thủ tướng muốn lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp, tái khởi động nền kinh tế sau dịch. (Ảnh: Quốc Minh).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, cơ quan xây dựng báo cáo chuyên đề tại Hội nghị với tinh thần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.

Văn phòng Chính phủ được giao báo cáo về công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, việc triển khai và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ Tài chính báo cáo các giải pháp, đề xuất về chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp.

Bộ Công Thương báo cáo giải pháp đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu; chính sách ưu đãi đối với các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch; giải pháp thúc đẩy các dự án công nghiệp, năng lượng quy mô lớn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ báo cáo các giải pháp, đề xuất về chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo kinh tế vĩ mô.

Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số, phát triển các sản phẩm trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử… trên môi trường số.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo về các kiến nghị tổng hợp của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, VCCI tổ chức Hội nghị theo hình thức kết hợp truyền hình trực tiếp và trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước ngày 20/4.

Trước đó, tại cuộc họp hôm 13/4, Thủ tướng cho biết mục đích của Hội nghị này là ông muốn lắng nghe đầy đủ ý kiến của các loại hình doanh nghiệp, về những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, xem sự hỗ trợ của Chính phủ đã đến nơi, đến chốn chưa, có gì vướng mắc để có quyết sách đúng đắn.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.