Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cụ thể việc giãn cách xã hội, dịch vụ nào cần tiếp tục đóng cửa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng trên địa bàn phù hợp theo các cấp độ. Các tỉnh, thành cũng quyết định cụ thể cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.

Hà Nội, TP HCM có thể cách li xã hội đến ngày 30/4

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có thông báo kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4/2020 về phòng, chống dịch Covid-19 và các giải pháp liên quan đến việc tiếp tục thực hiện cách li xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thông báo cho biết Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cụ thể việc giãn cách xã hội, dịch vụ nào cần tiếp tục đóng cửa - Ảnh 1.

Hà Nội, TP HCM có thể cách li xã hội đến ngày 30/4. (Ảnh: Phúc Minh).

Cụ thể, nhóm địa phương có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh. Các địa phương này tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22 hoặc 30/4/2020 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.

Đồng thời, 12 tỉnh thành thuộc nhóm có nguy cơ cao phải quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, xây dựng hạ tầng, bảo đảm lưu thông hàng hóa.

Nhóm địa phương có nguy cơ gồm 16 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Cần Thơ,  Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hà Giang. 

16 tỉnh thành thuộc nhóm có nguy cơ thực hiện nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị số 16 đến hết ngày 22/4 và sẽ có điều chỉnh vào ngày 22/4 tùy diễn biến dịch bệnh.

Nhóm có nguy cơ thấp gồm 35 tỉnh còn lại. Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 15 của Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn

Đáng chú ý tại thông báo kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng trên địa bàn của mình một cách phù hợp theo các cấp độ: yêu cầu, hạn chế, khuyến cáo đối với các hoạt động của 3 nhóm tỉnh, thành phố là: ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu, mở các cửa hàng không thiết yếu theo mức độ, việc vận chuyển hành khách bằng các phương tiện công cộng, việc tập trung đông người.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định cụ thể cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cụ thể việc giãn cách xã hội, dịch vụ nào cần tiếp tục đóng cửa - Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn. (Ảnh: Phúc Minh).

Đồng thời, chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ tại các dự án, công trường, cơ sở sản xuất kinh doanh và yêu cầu ngừng sản xuất, kinh doanh nếu cơ sở không đảm bảo việc phòng chống dịch; tập trung xử lí triệt để các ổ dịch đã phát hiện.

Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn của các địa phương chịu trách nhiệm: Quyết định việc kéo dài thời gian thực hiện biện pháp cách li xã hội theo Chỉ thị 16, có thể áp dụng biện pháp cách li xã hội theo quy mô cấp xã hoặc cấp huyện tuỳ thuộc nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương quyết định việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp và các sự kiện chính trị quan trọng trên địa bàn trên cơ sở bảo đảm đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.

Không nới lỏng chính sách hạn chế nhập cảnh đến ngày 30/4/2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh. Không nới lỏng chính sách hạn chế nhập cảnh đến ngày 30/4/2020. 

Kiểm soát chặt người nhập cảnh, tạm dừng cấp visa nhập cảnh với người nước ngoài cả đường bộ, đường không, đường thuỷ (trừ trường hợp ngoại giao, công vụ, chuyên gia, công nhân kĩ thuật cao, nhà đầu tư quốc tế…).

Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo hạn chế các chuyến bay quốc tế đi và đến Việt Nam, hạn chế chuyến bay nội địa. 

Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xử lí nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đánh giá về khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh ở các địa phương, nhất và các địa phương trọng điểm, địa phương có đường biên giới đường bộ; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 63 đội phản ứng nhanh trước đại dịch ở 63 tỉnh, thành.

Đề xuất nâng cao năng lực xét nghiệm và cơ sở vật chất, hỗ trợ nhân lực cho hệ thống y tế địa phương; nghiên cứu đề xuất cụ thể các ngưỡng phản ứng dựa trên số ca nhiễm, số người chết và tốc độ lây lan dịch bệnh và phương án ứng phó phù hợp với từng ngưỡng, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.

Bộ trưởng các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính và Chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành khẩn trương triển khai hỗ trợ an sinh xã hội theo đúng Nghị quyết của Chính phủ.

Thủ tướng: Xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch kéo dài

Cũng tại Thông báo này, Thủ tướng Chính phủ gửi lời cảm ơn toàn dân đã khắc phục khó khăn, ủng hộ và thực hiện nghiêm túc việc cách li toàn xã hội và các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. 

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cụ thể việc giãn cách xã hội, dịch vụ nào cần tiếp tục đóng cửa - Ảnh 3.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch kéo dài. (Ảnh: Phúc Minh).

Theo Thủ tướng, đến nay, Việt Nam vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh, việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách li, điều trị đạt kết quả, chưa có trường hợp tử vong… là kết quả rất tích cực. 

Tuy nhiên, vẫn không chủ quan, mất cảnh giác, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Đồng thời, kiên định các chiến lược đã đề ra là ngăn chặn, phát hiện nhanh; cách li, khoanh vùng, dập dịch triệt để và điều trị hiệu quả; có biện pháp thận trọng phù hợp để từng bước đưa nhịp sống trở lại bình thường.

Đồng thời, vừa duy trì được sự liên tục của hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, chuẩn bị khởi động lại nền kinh tế trên cơ sở phòng, chống dịch thành công, bảo đảm sự ổn định căn bản, lâu dài về việc làm và an sinh xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu chống dịch bao trùm của Việt Nam hiện nay là kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất, hạn chế các trường hợp tử vong, giảm thiểu tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội, có thể linh hoạt thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch có thể kéo dài.