Tìm đầu ra cho thiết bị công nghệ 5G, cần có chính sách phát triển phù hợp

Động thái nhiều công ty Việt Nam tham gia nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ 5G và IoT được cho là mở ra tương lai mới, nhưng cũng cần có chính sách phù hợp để phát triển.

Người dùng mua điện thoại 5G chứ không phải mua chip

Đó là ý kiến của đại diện FPT khi đơn vị này cho biết dù rất muốn tham gia phát triển và sản xuất thiết bị công nghệ 5G lẫn chipset trên nền tảng IoT, nhưng vẫn cần sự thận trọng tại buổi tọa đàm định hướng và giải pháp phát triển chipset và thiết bị mạng 5G.

"Thế giới nói nhiều về 5G và IoT và FPT cũng như các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam rất máu lửa mong muốn mình làm được cái gì đấy. Nhưng thực tế đa số người dùng mua điện thoại chứ không mua chip. Làm chip xong không biết bán cho ai vì chúng ta thiếu hệ sinh thái", đại diện FPT cho hay.

tim-dau-ra-cho-thiet-bi-cong-nghe-5g-can-co-chinh-sach-phat-trien-phu-hop-2

Các doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại tọa đàm. (Ảnh: Điện tử Ngày nay).

Đó là chưa kể, theo FPT, dù nhân sự sản xuất chip đông người, nhưng các công ty của Việt Nam khá rời rạc, không liên kết với nhau để cùng phát triển, có thể dẫn đến chậm chân lẫn nhau.

"Chiến lược của chúng tôi xác định việc sản xuất chip với thời gian 10 năm và đi từng bước đi khá thận trọng. Lộ trình này cũng đưa ra con số sau 5 năm, FPT có hơn 100 kỹ sư có thể thiết kế được chip và tập trung ban đầu vào đội ngũ đang làm cho đối tác nước ngoài", đại diện FPT chia sẻ thêm.

Theo lãnh đạo của Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel, hiện tập đoàn đã phê duyệt dự toán ngân sách 500 tỷ đồng cho việc phát triển thiết bị công nghệ 5G và đang đầu tư phòng Lab trị giá 200 tỷ đồng.

"Với đội ngũ kĩ sư lên đến 1.000 người, Viettel cũng đang hợp tác với nhiều đối tác của Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ về chiset và phần cứng phần mềm cho 5G với kì vọng 3 năm sẽ làm được", vị này kì vọng cho việc đưa phổ cập 5G trong tương lai.

Câu chuyên băn khoăn của FPT hay kì vọng của Viettel có thể hiểu được trong bối cảnh công nghệ 5G và nền tảng IoT đang là xu hướng trong khu vực và trên thế giới. Nhiều con số dự báo về công nghệ 5G cũng cho thấy những thuận lợi và khó khăn nhất định của vấn đề này.

Cụ thể, theo số liệu Cisco dự báo phải đến 2025, thuê bao 5G Việt Nam chỉ đạt 6 triệu, tức chưa tới 10% dân số sẽ dùng công nghệ tốc độ cao này.

Và để có được thêm 300 triệu USD thăng dư từ 2025, các nhà mạng tại Việt Nam cần chi khoảng 1,5 – 2,5 tỉ USD cho 5G trong giai đoạn phát triển 2020 – 2025. Điều này cho thấy việc tìm đầu ra cho nghiên cứu là quan trọng hơn cho việc phát triển từ thời điểm này, như những gì mà FPT lo ngại.

Cần sự hỗ trợ từ chính sách để phát triển tốt hơn

Dù kì vọng công nghệ 5G sẽ mở ra nhiều bước tiến, nhưng trở ngại không phải là không có khi mà theo Cisco, để khai thác tiềm năng, các quốc gia khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cần giải quyết một số thách thức.

Trong đó, điều tiên quyết là việc chậm trễ giải phóng và cung cấp băng tần cho dịch vụ 5G sẽ kéo theo vấn đề triển khai mạng lưới không được tối ưu tốt nhất, có thể ảnh hưởng chất lượng dịch vụ trong giai đoạn 5 năm để đạt con số 6 triệu thuê bao 5G tại Việt Nam.

Giai đoạn 5 năm cho nghiên cứu và phát triển với nhiều công ty Việt Nam dành cho công nghệ 5G và thiết bị IoT dù đã có hoạch định, nhưng vẫn cần sự hỗ trợ từ chính sách để tốt hơn trong xu thế hội nhập.

tim-dau-ra-cho-thiet-bi-cong-nghe-5g-can-co-chinh-sach-phat-trien-phu-hop-3

Bản đồ phủ sóng mạng 5G của Viettel tại TP HCM. (Ảnh: Định Phạm).

Theo vị đại diện Viettel, cam kết theo đuổi chương trình trọng điểm này, đơn vị này sẽ thử nghiệm từ 6/2020 với toàn bộ phần cứng và phần mềm cho thiết bị 5G đều được nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam.

Với công ty VinSmart, thuộc Tập đoàn Vingroup, đơn vị dự kiến đến tháng 7/2020 sẽ có sản phẩm điện thoại 5G đầu tiên ra mắt. Lộ trình từ tháng 8/2020, Vingroup sẽ bắt đầu thử nghiệm các thiết bị viễn thông 5G. "VinSmart cũng đã làm việc với Cisco, Intel để phát triển các thiết bị mạng 5G", đại diện cho biết.

Riêng FPT, dù phải có tư duy làm chủ sản phẩm của mình cho công nghệ 5G, nhưng để làm được được điều đó, cần nhà nước hỗ trợ nhiều hơn như miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân ở khu công nghệ cao.

Vấn đề của FPT cũng được xem là khá quan trọng cho chiến lược Make in Vietnam vì mục tiêu sản xuất chipset cho mạng 5G và các thiết bị IoT vươn tầm khu vực mà nhiều công ty có thể gặp phải.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Phan Tâm tại buổi tọa đàm, Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi cho sản xuất chipset công nghệ 5G, IoT vì đây là lĩnh vực công nghệ cao để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để làm được việc này cần rất nhiều nhân tài ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, muốn thành công này cần phải xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp sản xuất thiết bị công nghiệp CNTT lớn mạnh, thứ trưởng Phan Tam nhấn mạnh.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.