Theo cáo buộc của VKS, một trong những căn cứ để quy kết Hoàng Công Lương (cựu bác sĩ khoa Hồi sức tích cực) phạm tội vô ý làm chết người là việc Lương chính là người đề xuất sửa chữa hệ thống RO số 2, biết rõ việc sửa chữa sẽ diễn ra vào ngày 28/5/2017.
Tuy nhiên, tại phần tranh luận sáng nay (24/1), rất nhiều LS bào chữa cho Lương đã đưa ra một văn bản được cho là mang tính quyết định đến tội danh của thân chủ mình.
Bị cáo Hoàng Công Lương. |
Theo đó, LS Nguyễn Thị Thúy Kiều đề nghị HĐXX trưng cầu giám định biên bản kiểm tra tình trạng thiết bị được lập vào ngày 20/4/2017.
Nữ LS cho rằng biên bản này do Phòng Vật tư thiết bị y tế BV đa khoa tỉnh Hòa Bình soạn thảo, có chữ ký của bị cáo Trần Văn Thắng, Trần Văn Sơn và Hoàng Công Lương. Tuy nhiên, biên bản đã bị sửa chữa rất nhiều chi tiết.
Cụ thể, chi tiết thứ nhất, “Vào hồi… giờ… phút… ngày 20 tháng 04 năm 2016” bị sửa thành “Vào hồi… giờ… phút… ngày 20 tháng 04 năm 2017”.
Chi tiết thứ 2, tên thiết bị máy ở dòng 11 từ trên xuống dưới là “hệ thống nước RO số 1” bị sửa thành “hệ thống nước RO số 2”.
Chi tiết thứ 3, tại mục II, nguyên nhân hỏng của thiết bị bán tắc màng Ro và van 05, đã bị sửa thành 03.
Chi tiết thứ 4, tại mục III kết luận có ghi “tẩy rửa màng RO và các đường ống của hệ thống thay 5 van nước, bộ đèn UV, khởi động từ, bảo dưỡng và thay thế”, bị sửa thành “tẩy rửa màng RO và các đường ống của hệ thống thay 3 van nước, bộ đèn UV, khởi động từ, bảo dưỡng và thay thế”.
Theo bà Kiều, văn bản này đã có sự sửa chữa nên liệu có thể đảm tính khách quan để đưa vào làm chứng cứ buộc tội đối với Hoàng Công Lương? Thậm chí, LS này còn cho rằng việc sửa chữa như trên có dấu hiệu hành vi làm giả tài liệu, hồ sơ vụ án.
“Đây là vấn đề mới và quan trọng trong vụ án này, đề nghị HĐXX, VKS xem xét để có một quyết định thấu tình đạt lý” – LS Kiều nói.
Tương tự, nhiều LS khác bào chữa cho Hoàng Công Lương cũng đề nghị HĐXX đối chiếu lại các tài liệu để xác định chính xác vấn đề trên.
“Chúng tôi có đủ cơ sở khẳng định biên bản kiểm tra tình trạng thiết bị lập ngày 20/4/2017 là của hệ thống RO số 1 chứ không phải của RO số 2. Việc này có dấu hiệu hợp thức hồ sơ, làm sai lệch vụ án…” – LS Ngô Thị Thu Hằng nói.
Đối đáp lại ngay sau đó, bà Bùi Thị Thu Hằng, đại diện VKS, khẳng định quá trình điều tra lần 1 và phiên tòa sơ thẩm lần 1, các bị cáo Trần Văn Sơn và Hoàng Công Lương đều thừa nhận có tham gia ký và xác nhận đây là biên bản do Sơn lập vào ngày 20/4/2017.
Về ý kiến của LS cho rằng lý lịch máy trong biên bản thuộc hệ thống RO số 1 chứ không phải RO số 2, bà Hằng cho hay đây sẽ là một nội dung để cơ quan tố tụng tiếp tục làm rõ trong giai đoạn tiếp theo.
Cũng theo đại diện VKS, vào thời điểm phiên tòa sơ thẩm lần trước, chưa ai phát hiện đây có phải là tài liệu hợp thức hóa hay không. Với những diễn biến vừa diễn ra, nếu cho rằng có việc hợp thức hóa thì chỉ là mới bị phát hiện. Ngay trong nội dung cáo trạng, cơ quan tố tụng đã khẳng định sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ về các tài liệu có dấu hiệu bị chỉnh sửa.
Tuy nhiên, nữ KSV nói vấn đề này không làm thay đổi bản chất của vụ án, bởi Lương là người đề xuất sửa chữa và biết rõ ngày sửa chữa. Cho dù sửa chữa gì đi nữa thì với trách nhiệm của một bác sĩ, Lương buộc phải kiểm tra các điều kiện đã an toàn hay chưa để đưa vào sử dụng.
“Căn cứ để xác định Lương biết ngày 28/5 sửa chữa là qua chính lời khai của bị cáo và điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng. Về vấn đề chỉnh sửa tài liệu các LS đưa ra, nó chỉ là một dấu hiệu phát sinh trách nhiệm với hành vi khác về việc hợp thức hóa hồ sơ. Đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử, đại diện VKS không đồng ý với quan điểm trả hồ sơ” – đại diện VKS kết thúc lượt tranh luận.
Liên quan đến vụ cướp ngân hàng Agribank chi nhánh xã Vũ Tiến (Vũ Thư, Thái Bình), sáng 24/1, thiếu tá Bùi Tiến Trường, Trưởng Công an huyện Vũ Thư (Thái Bình) cho biết, cơ quan công an đã bắt giữ đối tượng gây ra vụ cướp ngân hàng Agribank tại Thái Bình.
Vụ cướp ngân hàng Agribank chi nhánh xã Vũ Tiến (Vũ Thư, Thái Bình) xảy ra vào khoảng 10h sáng 23/1. (Ảnh: CTV). |
“Đối tượng cướp ngân hàng là Lê Văn Cẩn (SN 1969, trú tại thôn Kiều Mộc, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư) và đã thu hồi được 199 triệu đồng”, thiếu tá Trường nói.
Khi được hỏi về lời khai ban đầu của Lê Văn Cẩn tại cơ quan công an, theo thiếu tá Trường thông tin, Lê Văn Cẩn đã khai báo và thừa hành vi phạm tội của mình.
Cẩn khai do gần Tết, áp lực nợ nần nên đã nảy sinh ý định đi cướp ngân hàng Agribank để trả nợ. Từ lúc nảy sinh ý định đến lúc thực hiện hành vi cướp ngân hàng của mình, Cẩn chuẩn bị chỉ 1-2 ngày.
Cùng chia sẻ về Lê Văn Cẩn, ông Nguyễn Trọng Đại, Trưởng Công an xã Tự Tân (Vũ Thư, Thái Bình) cho biết, Lê Văn Cẩn từ trước đến nay ở quê là người hiền lành, không mâu thuẫn với ai.
“Cẩn không tiền án, tiền sự, không sử dụng ma túy, không chơi cờ bạc. Tuy nhiên, cuộc sống của Cẩn thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn, vợ chồng li thân”, ông Đại nói.
Trước đó, vào khoảng 10h, Lê Văn Cẩn đội mũ bảo hiểm, mặc áo khoác xám, đeo khẩu trang cầm theo một chiếc túi từ ngoài đi thẳng vào trong phòng giao dịch Agribank . Lúc đó, phòng giao dịch có 5 cán bộ, 2 khách hàng đến giao dịch và 2 bảo vệ.
Bất ngờ, Cẩn rút ra một con dao quắm và một bình xịt hơi cay xịt thẳng vào vùng mặt tất cả những người có mặt rồi vơ số tiền có trên quầy giao dịch cho vào túi và quay người tẩu thoát.
Ngay sau đó, nhân viên phòng giao dịch lập tức nhấn chuông báo động.
“Khi nghe thấy tiếng chuông báo động, Trưởng công an xã Vũ Tiến đang có mặt tại trụ sở UBND xã ở bên cạnh đã chạy sang. Cùng lúc đó, một tổ công tác của Đội CSGT (Công an huyện Vũ Thư) đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát gần đấy cũng lập tức chạy đến, nhưng Cẩn rất manh động và hung hãn.
Cẩn cầm dao quắm khua loạn xạ và tiếp tục xịt hơi cay vào mặt những người ứng cứu rồi vứt lại con dao, chạy ra đường tẩu thoát,…
Sau khi cướp ngân hàng xong, Cẩn về nhà giấu tiền và đến Công ty CP Ngũ Kim Phúc Khánh làm việc bình thường (Cẩn là công nhân tại công ty).
Sáng 24/1, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình đã thưởng cho Công an tỉnh 100 triệu đồng; Giám đốc Công an tỉnh đã thưởng cho các lực lượng trực tiếp điều tra khám phá vụ án 40 triệu đồng.
Cơ quan công an tỉnh Thái Bình và huyện Vũ Thư đang điều tra làm rõ xem có thêm đồng phạm với đối tượng Cẩn trong vụ cướp ngân hàng Agribank.
Ngày 23/1, TAND tỉnh Cà Mau đã mở phiên xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp tờ vé số độc đắc giữa ông mua ve chai và chị công nhân. Cuối buổi chiều phiên tòa vẫn chưa xong phần hỏi, HĐXX tuyên bố phiên tòa sẽ được tiếp tục vào chiều nay.
Theo nội dung bản án sơ thẩm được công bố thì nguyên đơn Lê Văn Dữ cho rằng vào ngày 12/8/2017 ông đến nhà vợ chồng anh Ngô Văn Hậu - Hứa Thị Phỉ ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau nhậu. Tại đây, ông đã mua chịu một tờ vé số của ông Phan Văn Tến và cất vào túi quần.
Hôm sau, ông Dữ tiếp tục nhậu tại nhà anh Hậu, ông Tến bán vé số lại đến và dò giùm ông tờ vé số hôm trước mua thì phát hiện trúng giải đặc biệt 2 tỉ đồng. Nhưng do quá say rượu nên dù hay tin trúng số nhưng ông vẫn ngủ tiếp.
Từ đó vợ chồng chủ nhà đã lấy tờ vé số đi lãnh thưởng nhưng lại nói ông là chỉ trúng giải an ủi và đưa ông 8 triệu đồng.
TAND TP Cà Mau xử sơ thẩm, tuyên ông là người chủ sở hữu tờ độc đắc. Phía vợ chồng bà Phỉ kháng cáo.
HĐXX phúc thẩm tập trung hỏi ông Dữ về tình tiết ngay lúc nghe ông Tến hô lên là trúng độc đắc. Ông Dữ trình bày rằng lúc đó có nghe nhưng vì say quá nên chỉ nói “Trúng vậy được rồi” xong ngủ tiếp.
HĐXX hỏi tiếp: “Ông hay biết mình trúng độc đắc tại sao không tự đi lãnh thưởng mà để người khác đi? Tại sao khi bà Phỉ lãnh thưởng về đưa ông 8 triệu đồng, ông vẫn nhận mà không thắc mắc gì? ”. Nghe xong, ông Dữ không trả lời được.
Nhân chứng là ông bán vé số Phan Văn Tến khai nhất quán từ đầu rằng khi ông la lên “Ông Dữ trúng độc đắc rồi” thì bà Phỉ chủ nhà ra đòi xem và sau đó giật tờ vé số trên tay ông. HĐXX hỏi lúc đó có nhiều người đàn ông đang ngồi nhậu nhưng sao họ không giật được mà bà Phỉ giật được. Ông Dữ trả lời do sợ tờ vé số bị rách nên ông buông tay cho bà Phỉ lấy đi ra sau nhà.
“Khi bị bà Phỉ giật tờ vé số trên tay, sao ông không báo công an mà sau đó còn đi cùng bà Phỉ, ông Hậu, ông Tú qua đại lý lãnh thưởng?” - HĐXX truy tiếp. Ông Tến giải thích không báo công an vì tờ vé số là của ông Dữ chứ không phải của mình. Việc đi lãnh thưởng cùng là vì nghĩ rằng đi lãnh giùm ông Dữ, khi đem về sẽ được ông Dữ cho tiền…
Bị đơn là bà Phỉ cũng xác định người mua tờ vé số là ông Dữ nhưng sau khi mua ông Dữ đã tặng lại cho chồng bà là ông Hậu. Chồng bà đã bỏ tờ vé số này vào cái cóng để trên bàn máy may từ khi được tặng là ngày 12/8/2017 đến khi đem ra dò trúng đặc biệt vào hôm sau.
Bà Phỉ trình bày: “Tối 12/8/2017, tôi đi làm về nghe anh Hậu kể được anh Dữ mua tặng tờ vé số bỏ trong cái cóng để trên bàn máy may. Theo lẽ, bình thường anh Hậu mua vé số rồi đưa cho tôi đem đến chỗ làm dò luôn. Nhưng hôm đó tôi ra ca muộn nên không đi. Khi ông Tến đến, anh Hậu kêu tôi lấy tờ vé số đưa anh và anh đưa ông Tến dò giùm. Khi ông Tến dò trúng hô lên “Anh Hậu trúng độc đắc rồi”, tôi mới từ nhà sau ra xem và lấy tờ vé số. Ông Tến đưa vé số cho tôi chứ tôi không giật như ông Tến nói”.
Luật sư bảo vệ cho ông Dữ, một thành viên HĐXX và đại diện VKS cùng đặt câu hỏi với bà Phỉ là có bằng chứng gì chứng minh cho lời trình bày của mình. Lúc này bà Phỉ cho rằng việc được tặng vé số là nghe chồng kể lại, còn việc nó ở trong cái cóng của nhà mình trước khi được đưa ra dò trúng thì bà không có bằng chứng nào.
Trả lời luật sư của nguyên đơn về tình trạng tâm thần của ông Hậu, bà Phỉ cho biết chồng bị tâm thần từ nhiều năm qua. Trước phiên xử phúc thẩm ông Hậu được giám định là mắc bệnh tâm thần trước, trong và sau khi xảy ra vụ trúng số độc đắc. Luật sư hỏi lời kể của ông Hậu về việc được tặng vé số có tin tưởng được không. Bà Phỉ đáp: “Người tâm thần thì có lúc bình thường, có lúc lên cơn chứ đâu phải lúc nào cũng vậy”.
Đại diện VKS cũng đặt vấn đề về tình trạng tâm thần của ông Hậu và tính pháp lý khi bà Phỉ làm đại diện pháp lý cho ông Hậu trong phiên phúc thẩm (ông Hậu vắng mặt). Tuy nhiên, lúc này chủ tọa đã cho tạm dừng phiên xử vì đã hết giờ làm việc.
Chiều ngày 24/1 trao đổi với PV, lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội thông tin: lực lượng liên ngành Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Nam Từ Liêm) và Đội QLTT số 6, Cục QLTT Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra tầng 3 một căn biệt thự trong khu đô thị, phát hiện số lượng "khủng" sản phẩm kích dục.
Ngành chức năng kiểm đếm số sản phẩm kích dục tại tầng 3 căn biệt thự trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. |
Trước đó, từ nguồn tin trinh sát, sau nhiều ngày theo dõi đến chiều tối 22/1, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đối với cơ sở do anh Nguyễn Bá Tước (SN 1993, trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội) là chủ hộ kinh doanh tại địa chỉ Lô 15, khu đô thị Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, đã phát hiện thu giữ hơn 1.000 sản phẩm kích dục các loại.
Trong đó, các sản phẩm bao gồm: thuốc và sản phẩm kích dục các loại, chủ yếu là các loại nước hoa gợi tình, xịt chống xuất tinh sớm, thuốc cường dương nam, tăng cường sinh lý nữ…
Được biết, hiện số lượng hàng hóa đã bị lực lượng liên ngành tạm giữ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tin tức pháp luật: Cướp Agribank ở Thái Bình, yêu râu xanh hiếp dâm con gái bạn thân mới 9 tuổi
Tin tức pháp luật hôm nay, 23/1, gồm có: Cướp ngân hàng Agribank ở Thái Bình, yêu râu xanh hiếp dâm con gái bạn thân ... |
Tin tức pháp luật: Dựng hiện trường vụ nữ MC xinh đẹp bị sát hại, chồng sát hại vợ nghi do ghen tuông
Tin tức pháp luật hôm nay, 18/1, gồm có: Dựng hiện trường vụ nữ MC xinh đẹp bị sát hại, chồng sát hại vợ nghi ... |
Pháp luật 18:35 | 22/05/2019
Pháp luật 18:27 | 21/05/2019
Pháp luật 19:10 | 18/05/2019
Pháp luật 18:02 | 10/05/2019
Pháp luật 18:02 | 09/05/2019
Pháp luật 19:12 | 08/05/2019
Pháp luật 18:01 | 07/05/2019
Pháp luật 18:06 | 06/05/2019