Tổng giám đốc Vietravel: Tôi không phải 'tay mơ' về hàng không

Tổng giám đốc Vietravel cho biết, mỗi năm doanh nghiệp lữ hành này bay tới 300 - 400 chuyến bay thuê chuyến (charter).
air-passengers2-1566804852-width589height290

85% khách đi du lịch bằng máy bay.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định ông không phải là "tay mơ" trong lĩnh vực hàng không. Những năm vừa qua, mỗi năm, doanh nghiệp này đã bay 300 - 400 chuyến bay thuê chuyến (charter).

Ấp ủ ý định lập hãng hàng không từ 10 năm trước

-Từ khi nào ông có ý định lập hãng hàng không?

Từ 10 năm trước tôi đã ấp ủ ý định lập hãng hàng không. 

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao lúc đó tôi chưa làm mà phải chờ đến bây giờ. Thực ra là vì còn phụ thuộc vào cơ chế chính sách, độ lớn thị trường, quan điểm nhận thức cũng như căn cứ vào khả năng tổ chức thị trường.

4 - 5 năm nay, chúng tôi tổ chức các chuyến bay thuê chuyến (charter) cũng chính là để tập dượt, đảm bảo đến khi tham gia vào vận tải hàng không là hoàn toàn tự tin.

avatar_1566815892193

Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kì.

Đừng nghĩ Vietravel là một hãng "tay mơ" về hàng không. Riêng bay charter đi Nhật, đi Hàn Quốc, chúng tôi chính là người tiên phong. Thực tế, mỗi năm chúng tôi bay 300 - 400 chuyến bay charter. Có những tuyến Vietravel tiên phong bay, sau đó các hãng hàng không mới bay theo, điển hình như tuyến Sài Gòn - Phuket, Đà Nẵng - Bangkok, Cần Thơ - Bangkok…

Với du lịch, Vietravel đứng đầu. Với hàng không, Vietravel có thể chưa phải là kinh doanh chính, sống bằng kinh doanh chính, nhưng chờ chúng tôi sẽ bắt tay vào làm và hoàn toàn tin tưởng là chúng tôi sẽ làm tốt.

Lập hãng hàng không vì không muốn ngoại tệ chảy ngược

vietravel-1566804706-width1280height720

Lãnh đạo Vietravel khẳng định với du lịch, vận chuyển là khâu cốt lõi để giữ khách, giữ được thị trường.

- Có một câu nói đùa trong ngành hàng không: Muốn làm triệu phú hàng không thì trước đó phải là tỉ phú hàng không. Câu này nói này thực chất muốn thể hiện sự khắc nghiệt của thị trường hàng không. Thực chất, trong 3 lĩnh vực lớn của hàng không thì vận tải là lĩnh vực mà khả năng sinh lời kém nhất, rủi ro nhất. Bản thân ông có tự tin vào hiệu quả của dự án kinh doanh này?

Rất nhiều người hỏi tôi có nhất thiết phải lập hãng hàng không, tại sao phải lập hãng hàng không. Câu trả lời rất đơn giản, vận chuyển là cốt lõi, mấu chốt của người làm du lịch.

Trong 2 từ du lịch thì từ du đứng trước, lịch đứng sau. Trong 4 lĩnh vực vận chuyển đường sắt, đường bộ, hàng không, đường thuỷ thì hàng không là tốc độ phát triển nhất, đầu tư nhanh nhất, vận chuyển khách nhanh nhất.

Thống kê của các tổ chức thế giới, 85% khách đi du lịch bằng máy bay. Cự li trên 300 km thì không phương thức nào địch nổi máy bay.

Trong khi đó, các công ty du lịch hiện không được các hãng hàng không cung cấp đủ chỗ, thậm chí là rất ít, nhiều tuyến không bay. Chúng tôi rất bị động. Vietravel muốn sống còn, muốn phát triển thì phải bay.

Với du lịch, vận chuyển là khâu cốt lõi để giữ khách, giữ được thị trường. Hiện tại, các hãng nước ngoài đang vận chuyển khách từ Nhật Bản, Hàn Quốc vào Đà Nẵng rồi lại lấy khách từ Việt Nam đưa ra. Tại sao những khách này, thị phần này không phải thuộc về một hãng hàng không Việt Nam. Vietravel tự tin có thể làm được việc này.

 Thực tế chúng tôi đã làm rồi, đưa khách Việt Nam mình ra thế giới và lấy khách ở các nước về Việt Nam. Thời gian tới chúng tôi sẽ làm tốt hơn.

Hệ thống chi nhánh của Vietravel có 40 văn phòng ở trong nước, 6 văn phòng ở nước ngoài. Duy nhất Vietravel có hệ thống có sẵn. Có những hãng hàng không hiện tại còn chưa có văn phòng ở nước ngoài.

Hiện có khoảng 30 hãng hàng không và công ty du lịch trên thế giới áp dụng mô hình tương tự Vietravel Airlines. Trong đó có các Công ty như Pegas (Thổ Nhĩ Kỳ), Nord Wind (Nga) đang khai thác theo mô hình này đến Việt Nam.

Tôi muốn tiết lộ một con số: Năm 2017, 2018, lượng khách du lịch vào Việt Nam tăng đột biến do có 51 nghìn chuyến bay charter của các hãng nước ngoài vào Việt Nam. Thị phần đó sao không phải của một hãng Việt Nam? Tại sao phải để ngoại tệ chảy ngược?

Chúng tôi chỉ đang bay có 300 - 400 chuyến charter/năm, con số này là quá nhỏ so với con số 51.000 chuyến. Có người nói chúng tôi yếu không đủ sức để làm.

 Nhìn lại kinh tế Việt Nam mình, chúng ta phải từ mạnh đi lên đâu, mà đang từ yếu thành mạnh mà.

Tính chuyện bay thường lệ khi thị trường đủ lớn

- Trong báo cáo thẩm định dự án Vietravel Airlines vừa được Cục Hàng không gửi Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan này đã khẳng định dự án đủ điều kiện để Bộ kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư. Dù vậy, Cục Hàng không khuyến cáo Vietravel Airlines về việc đỗ máy bay qua đêm tại Tân Sơn Nhất đã hết chỗ, Nội Bài cũng sẽ đến giới hạn khi các hãng tăng máy bay trong thời gian tới. Quan điểm của ông thế nào?

Đúng là Cục Hàng không Việt Nam có khuyến cáo về cơ sở hạ tầng, bảo trì, bảo dưỡng máy bay cũng như chỗ đậu máy bay.

Tôi xin khẳng định là chúng tôi không lo chỗ đậu, vì số lượng máy bay của Vietravel không lớn. Hơn nữa, tại sao không nghĩ là chúng tôi sẽ bay đêm, chúng tôi đâu có đậu lại sân bay. Chúng tôi bay quốc tế là chính. Đường bay trong nước chúng tôi sẽ không tham gia nhiều, nếu có là ở những sân bay lẻ là chính.

Theo quy hoạch ến năm 2020 định hướng đến 2030 sẽ nâng cấp Phú Bài là sân bay dân dụng cấp 4E, có thể tiếp nhận các loại Airbuss A320, A 321, Boeing B767, B777 và tương đương, số chỗ đỗ đến 2020 là 20 vị trí, lượng hành khách khoảng 5 triệu khách/năm.

Các hãng hàng không thông thường đưa máy bay vào bảo trì, bảo dưỡng vào ban đêm còn Viettravel thì ngược lại, ban đêm bay, ban ngày sẽ bảo trì, bảo dưỡng.

Chúng tôi bán cho khách là bán tour trọn gói, và chúng tôi sẽ tính toán sao để giá rẻ nhất. 

Ngay mới đây, chúng tôi vừa bán một tour du lịch từ Sài Gòn đi Phú Quốc 3 ngày, 2 đêm ở khách sạn 5 sao là 3,99 triệu đồng, quá rẻ đúng không. Vé máy bay không đã hơn 3 triệu rồi. Nhưng thực chất chúng tôi không bay giờ đẹp: 9h tối, vào đến nơi nhận khách sạn là 11h.

Hơn nữa, tôi muốn nhấn mạnh là chúng tôi đã chọn sân bay căn cứ tại Phú Bài. Cục Hàng không Việt Nam cũng đánh giá việc chọn cảng này làm sân bay căn cứ để khai thác các đường bay phục vụ khách du lịch theo hình thức thuê chuyến là phù hợp với năng lực của kết cấu hạ tầng hàng không.

Hơn nữa, với quy mô khai thác năm đầu tiên có 3 chiếc, năm thứ 2 có 6 chiếc, chúng tôi không lo lắng chỗ đậu. 

Viettravel có 48 văn phòng trên 40 chi nhánh trong cả nước. Chúng tôi có thể bay từ bất kỳ chỗ nào. Vừa qua chúng tôi đã bay ở Thanh Hoá, Cát Bi, Vân Đồn, Vinh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Liên Khương…

- Quy trình, thủ tục lập hãng hàng không với một hãng chỉ bay charter và hãng thường lệ là như nhau. Vậy Vietravel có tính tới việc sẽ bay thường lệ hay không?

Sau này là bao lâu? Khi đó thị trường có nhỏ như bây giờ không hay sẽ tăng vọt lên? Thị trường hàng không 4 năm trước đây so với bây giờ khác xa nhau. Khi thị trường đủ lớn thì tại sao chúng tôi lại không thể bay thường lệ?

Công ty lữ hành chính là công ty nghiên cứu, xây dựng, tổ chức và khai thác thị trường. Viettravel đứng đầu trong nhóm này.

3 ngày thu xếp xong 700 tỉ đồng

- Với quy mô của Vietravel, Cục Hàng không cũng đánh giá dự án Vietravel Airlines sẽ không tạo áp lực với tổng thể nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đã lập hãng hàng không thì vẫn cần chuẩn chỉ về nhân lực. Vietravel đã tính đến chuyện này?

Để đảm bảo nguồn nhân lực, trong giai đoạn đầu, chúng tôi dự kiến sẽ thuê phi công nước ngoài là chủ yếu. Giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ thực hiện đào tạo và tìm kiếm phi công có bằng lái cơ bản (ATPL), phi công quân sự để chuyển loại sang A320/A321 nhằm rút ngắn thời gian đào tạo và chi phí.

Tôi cũng xin tiết lộ, chúng tôi vừa mua 66% cổ phần của Trường cao đẳng quốc tế KENT, một cơ sở đào tạo cử nhân thực hành của Úc. Trong trường có khoa đào tạo về hàng không, được cấp bằng đôi (song song Việt Nam và nước ngoài).

 Về hàng không có 3 trường đang đào tạo là Học viện hàng không, ĐH Bách Khoa TP HCM và trường KENT, trong đó duy nhất có KENT được công nhận quốc tế. 

Hiện trường này đang đào tạo tiếp viên cho Bamboo Airways.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã làm việc với các tổ chức cung cấp nguồn nhân lực hàng không quốc tế như Brookfiel Aviation, Sigma Aviation Services… để cung cấp nguồn nhân lực chuyên ngành hàng không, đặc biệt phi công, thợ bảo dưỡng tàu bay… đồng thời tuyển dụng và gửi đi đào tạo các phi công cơ bản tại các cơ sở được Cục Hàng không Việt Nam công nhận hoặc chấp thuận.

- Ông rất tự tin khi quyết định tham gia thị trường hàng không. Thực tế thì có gì làm ông lo lắng không?

Cái lo lắng nhất của tôi là giá xăng dầu đang tăng cao. Làm hàng không, cứ 80 USD/ thùng trở lên là có vấn đề. Kế đó là việc tổ chức thị trường khách cũng như việc bảo trì, bảo dưỡng. Rất may, khi chọn đặt căn cứ tại Huế, địa phương đã cam kết cung cấp 7,8 ha cho chúng tôi để làm hangar bảo trì ở đó.

- Vốn đầu tư có phải là vấn đề của Vietravel?

Chúng tôi chọn cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi cho dự án Vietravel Airlines. Có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Doanh nghiệp khác thu xếp tiền như thế nào tôi không biết nhưng với Vietravel, chúng tôi chỉ cần 3 ngày đã thu xếp xong 700 tỉ đồng.

Giữa tháng 9 Vietravel sẽ lên sàn upcom, giá trị của bản thân Vietravel sẽ lên rất cao, đó là chưa nói có dự án Vietravel Airlines, chưa cổ phần hoá Vietravel Airlines.

Công ty Vietravel đang xin phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), tổng vốn đầu tư 700 tỉ đồng. Theo đó, Vietravel Airlines sẽ kinh doanh vận chuyển hàng không quốc tế, nội địa theo hình thức thuê chuyến (charter) kết hợp với vận chuyển thường lệ trên các đường bay nội địa.

Nếu được phê chuẩn, Vietravel muốn được bay ngay từ tháng 10/2020, với số tàu bay trong năm đầu tiên khai thác là 3 chiếc, tăng lên 8 chiếc vào năm thứ 5. Dự kiến, hãng sẽ khai thác loại tàu bay thân hẹp A320/A321 hoặc B737 hoặc tương đường và tàu bay thân rộng A330/A350 hoặc B787 hoặc tương đương.

Đối với các đường bay trong nước, Vietravel Airlines chủ trương chọn các cảng hàng không thứ cấp như Chu Lai, Vân Đồn, Hải Phòng, Cần Thơ nhằm tránh ùn tắc. Mạng đường bay chủ yếu từ Huế và TP HCM, gắn với các đường bay du lịch của công ty và các đường bay kết nối các cảng hàng không với nhau theo nhu cầu của khách du lịch.

Đối với quốc tế, Vietravel Airlines dự kiến khai thác mạng đường bay quốc tế từ CHK quốc tế Phú Bài, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và các cảng hàng không thứ cấp khác đi/đến các nước trong khụ vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore… hoặc các nước trong khu vực Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các điểm du lịch tại châu Úc, châu Âu, châu Mỹ.

"Mô hình khai thác dự kiến của Vietravel Airlines là charter phục vụ du lịch. Mô hình này cần được khuyến khích vì hiện tại Việt Nam chưa có hãng hàng không nào cung cấp dịch vụ này", Cục Hàng không đánh giá.


chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.