TS Lê Xuân Nghĩa: 'Đây chưa phải là lần cuối cùng Trung Quốc phá giá tiền tệ'

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cú giảm mạnh 1,3% so với USD hôm 5/8 chưa phải là lần cuối cùng Trung Quốc phá giá đồng nhân tệ. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt nên thận trọng, thực thi chính sách thương mại cởi mởi, tịnh tiến các thị trường khác ngoài Trung Quốc, để đa dạng hóa đầu ra cho hàng hóa của mình.

Đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc trong ngày 5/8 đã bất ngờ giảm mạnh 1,3% so với USD, đánh dấu lần đầu tiên vượt ngưỡng 7 CNY/USD kể từ năm 2009.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc kể từ đầu tháng 9 tới là nguyên nhân chính kích hoạt đà giảm mạnhcủa CNY.

Do đó, việc tỉ giá CNY/USD xuyên qua mức 7 sẽ khiến đồng tiền của các thị trường mới nổi khác ít nhiều chịu áp lực. Các chuyên gia cho rằng mốc 7 là lằn ranh đỏ để các nhà đầu tư tại Trung Quốc nhìn vào, quyết định ở lại hay tháo chạy.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã có lời giải thích cho việc điều chỉnh tỷ giá lần này nhưng theo một cách rất ẩn dụ. Theo đó, họ cho rằng số 7 này là "điều tất yếu của thời đại, hãy xem mốc 7 là một con số hiển thị mực nước trong một hồ chứa. Nước chạm đến số 7 không có nghĩa là đập sẽ bị vỡ, mà đơn giản nước lên trong mùa mưa và giảm đi vào mùa khô".

Ở một diễn biến liên quan, chính quyền ông Trump ngay lập tức tuyên bố Trung Quốc đã giảm giá tiền tệ thấp nhất trong lịch sử và gọi Trung Quốc là "quốc gia thao túng tiền tệ".

TS Lê Xuân Nghĩa: 'Đây chưa phải là lần cuối cùng Trung Quốc phá giá tiền tệ' - Ảnh 1.

TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia

Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, để tìm hiểu về nguyên nhân động thái phá giá đồng nhân dân tệ và dự báo ảnh hưởng của nó đối với thị trường tiền tệ thế giới.

- Nhiều ý kiến lo ngại, đồng nhân dân tệ mất giá sẽ châm ngòi cho làn sóng bán tháo trên khắp thị trường châu Á và kéo theo chiến tranh tiền tệ, ông nhận định sao về vấn đề này?

Ngày 5/8, đồng nhân dân tệ rớt giá khá lớn trong vòng 10 năm vừa qua, và hàng loạt thị trường chứng khoán châu Á đều tụt giảm mạnh, đặc biệt chỉ số Dow Jones tụt giảm tới trên 500 điểm. Điều này cho thấy, thị trường đang lo ngại về việc có thể có một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Trung Quốc phá giá với mục tiêu để giảm bớt thiệt hại của họ trong chính sách thuế của ông Trump trong cuộc chiến thương mại. Thế nhưng, đó là giảm thiệt hại cho họ, nhưng việc phá giá đó cũng gây thiệt hại cho rất nhiều nước có quan hệ thương mại với Trung Quốc như Nhật Bản, châu Âu, các nước Đông Nam Á,…

Chính vì thế, các nước khác sẽ không để yên, tức là có thể các quốc giá khác cũng đồng loạt phá giá tiền tệ nhiều hay ít để giảm thiểu thiệt hại của họ đối với Trung Quốc.

Như vậy, vô hình chung sẽ biến thành cuộc chạy đua phá giá tiền tệ, hay nói cách khác là chiến tranh tiền tệ. Điều này dẫn đến việc tiền sẽ được in ra nhiều hơn trên phạm vi toàn cầu, làm cho tỉ giá hối đoái toàn cầu biến động rất phức tạp và nó cũng thúc đẩy lạm phát toàn cầu tăng lên. Rất có thể, có một số loại đồng tiền nào đó rơi vào tình trạng cực kì khó khăn, thậm chí là khủng hoảng.

- Theo ông tình trạng đồng nhân dân tệ tuột dốc sẽ kéo dài trong bao lâu?

Theo tôi nghĩ, nếu Trung Quốc không có hành động nào thêm thì mỗi một lần như vậy chắc khoảng 3-4 tháng sẽ dừng lại, còn nếu Trung Quốc có hành động thêm thì tình hình sẽ vẫn tiếp tục diễn ra.

Đương nhiên, tác động của nó là lâu dài. Chẳng hạn, các nhà đầu tư dài hạn sẽ bắt đầu cảm thấy lo ngại về cuộc chiến tranh tiền tệ có thể nổ ra trong tương lai. Chính vì thế, họ sẽ phòng bị bằng cách không đầu tư dài hạn mà chỉ đầu tư ngắn hạn.

Thứ hai, có thể nhiều người sẽ không đầu tư mà mua vàng hoặc bất động sản, dầu mỏ để dự trữ. Việc này cũng sẽ làm dòng vốn đầu tư của toàn cầu suy giảm.

Thứ ba, các nước mới nổi như Việt Nam cũng sẽ gặp những khó khăn, bởi những nước mới nổi thường rơi vào những bất ổn của tiền tệ.

- Hôm 5/8, Mỹ đã cho rằng Trung Quốc là "quốc gia thao túng tiền tệ", ông có cho rằng đây là hành động cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc?

Chẳng riêng gì Trung Quốc, nhiều nước đã làm vậy từ xưa đến nay. Tức là, phá giá tiền tệ để tăng lợi thế thương mại của mình, mà theo như các nhà phân tích ví việc phá giá tiền tệ là “ăn cắp tài sản của nhà hàng xóm”. Thế nhưng, “nhà hàng xóm” cũng chẳng để yên, mà họ cũng sẽ phá giá theo.

Từ đó, sẽ dẫn đến cuộc chiến tranh tiền tệ và cuối cùng lạm phát sẽ tăng lên, kinh tế thực chẳng tăng trưởng được bao nhiêu, còn kinh tế ảo lại tăng lên.

Do đó, chuyện Mỹ coi Trung Quốc là một quốc gia thao túng tiền tệ thì phải nhận định rằng, trong đó Mỹ cũng là một nguyên nhân góp phần rất quan trọng đẩy Trung Quốc đến chỗ như thế. Một số nước ở Đông Nam Á cũng phá giá theo, thì đâu phải họ muốn thao túng mà chủ yếu họ muốn phòng vệ thương mại thôi.

- Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đang đổ lỗi cho “chủ nghĩa bảo hộ thương mại” và “chủ nghĩa đơn phương” khi gây ra sự sụt giá nhanh chóng của đồng nhân dân tệ, phải chăng như vậy?

Nói chung, phá giá tiền tệ là biện pháp phòng vệ thương mại ích kỉ, rất dễ dàng dẫn đến cuộc chiến tranh tiền tệ và gây những xáo trộn rất lớn cho ngành tài chính toàn cầu.

Nhưng, nhiều nước cũng phải làm chứ không riêng gì Trung Quốc, để giữ được mặt bằng cán cân thương mại.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên hành động ra sao để ứng phó với tình hình đồng nhân dân tệ rớt giá như hiện nay?

Theo tôi, nên xác định xem tác động của nó đối với thương mại của Việt Nam dự báo sẽ như thế nào. Trong trường hợp nếu không dẫn đến thâm hụt thương mại nghiêm trọng thì cũng nên hành động một cách cẩn thận. 

Về cơ bản cũng có thể điều hành tỉ giá hối đoái một cách linh hoạt hơn, nhưng không nên phá giá ồ ạt với cường độ lớn như đã làm cách đây 4-5 năm trước.

Việt Nam cần linh hoạt một cách thận trọng, tránh chuyện Mỹ cũng đổ tội cho Việt Nam cũng thao túng tiền tệ và tránh những tác động tâm lí. Bởi Việt Nam có tâm lí lạm phát rất mạnh, nếu người dân thấy mình phá giá quá nhiều họ lại lao vào mua mua Đô la thì rất bất lợi cho việc xuất khẩu của Việt Nam.

- Doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam cần làm gì để đối phó với việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, thưa ông?

Chủ yếu vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến những doanh nghiệp nào đang xuất khẩu sang Trung Quốc, nhập khẩu hàng từ Trung Quốc về thì có lợi, xuất khẩu hàng sang Trung Quốc thì bất lợi.

Và tính tổng thể, việc phá giá đồng nhân dân tệ vẫn tạo ra cho Việt Nam một số khó khăn nhất định trong việc xuất khẩu vì còn liên quan đến việc Mỹ đang kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Cho nên, mặc dù chúng ta đang có lợi về mặt nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, tuy nhiên việc nhập khẩu dễ nhưng lại không xuất khẩu được thì lại “rách việc”. vì thế, các doanh nghiệp nên thận trọng, đành phải thực thi chính sách thương mại cởi mởi, tức là tịnh tiến các thị trường khác ngoài Trung Quốc để đa dạng hóa đầu ra cho hàng hóa của mình.

Tôi cho rằng, đây chưa phải là lần cuối cùng Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.

Xin cảm ơn ông!

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.