Tư nhân làm sân bay, ga hàng không, đừng khép cửa, rồi đẩy việc khó

Nhiều doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng làm cảng hàng không, nhà ga nhưng vẫn phải chịu sự thờ ơ từ cấp có thẩm quyền.

Trong “Định hướng xã hội hóa đầu tư xây dựng cảng hàng không”, đang được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lấy ý kiến, Bộ này đề xuất danh mục cảng hàng không có thể kêu gọi xã hội hóa đầu tư toàn cảng là Sa Pa, Lai Châu và Quảng Trị. Đây hầu hết là các cảng hàng không nhỏ, địa bàn khó khăn, tiềm năng về lượng khách không cao.

Còn lại, Danh mục không thực hiện xã hội hóa đầu tư là 22 cảng do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản khai thác và cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thông tin này khiến không ít người băn khoăn. Bởi 3 cảng hàng không kể trên đều khó nhằn, ở địa bàn có nhu cầu không cao. Trong khi đó, những cảng hàng không lớn, lợi nhuận cao như Nội Bài, Tân Sơn Nhất,... vẫn nằm trong tay “ông lớn” ACV.

Tư nhân làm sân bay, ga hàng không, đừng khép cửa, rồi đẩy việc khó - Ảnh 1.

Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải.

Trên thực tế, dự án sân bay Long Thành, Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất giao cho ACV làm. Nhà ga T3 cũng vậy. Trong khi đó, lần lượt các đề xuất muốn được đầu tư nhà ga ở các cảng hàng không lớn đều lần lượt bị từ chối. Phải chăng Bộ Giao thông vận tải vẫn đang dành những miếng bánh ngon nhất cho doanh nghiệp nhà nước như ACV?

Liệu tư nhân Việt Nam có thể đảm đương được việc đầu tư một cảng hàng không hay một nhà ga hành khách hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Nhìn Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn do Sungroup đầu tư là đủ để thấy điều đó.

Đại diện Vietjet cũng nhiều lần khẳng định: Tư nhân đầu tư sân bay rất nhanh, không đến 2 năm có một nhà ga. Cho nên giải pháp là rà soát quy hoạch, hiện trạng xây dựng; kêu gọi các khối tư nhân đầu tư một phần hoặc toàn bộ cảng hàng không.

Theo phương án đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất của Vietstar, suất đầu tư bình quân chỉ 42 triệu đồng/m2 thấp hơn so với mức 84,5 triệu đồng/m2 của ACV.

Nhìn vào sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam thời gian qua, có thể thấy một số cảng hàng không đang đứng trước khả năng quá tải nghiêm trọng.

Hàng không Việt Nam đang khai thác 22 cảng, trong đó có 9 cảng quốc tế và 13 cảng nội địa. Giai đoạn 2014-2018, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có tốc độ phát triển hàng không nhanh nhất thế giới, bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ. Trong 5 năm (2014-2018), lượng hành khách tăng 103%. Năm 2014 mới có 51 triệu lượt hành khách thì đến 2018 đã vượt qua 100 triệu, tăng trưởng trung bình xấp xỉ 20%/năm.

Tuy nhiên, tổng công suất 22 cảng hàng không trung bình chỉ tăng 6,2%. Năm 2018 công suất thiết kế các cảng hàng không mới chỉ đạt 88 triệu lượt khách. Điều đó cho thấy, nguy cơ thiếu hụt hạ tầng vận tải hàng không là hiện hữu, là cản trở lớn với sự phát triển hàng không nói riêng, du lịch và kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh ấy, việc kêu gọi tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng hàng không là điều nên làm, nhất là khi ngân sách ngày càng hạn hẹp. Bởi vậy, mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có ý kiến kết luận rõ về cơ sở pháp để ra quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Phó Thủ tướng cũng nhắc phải làm rõ nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án, không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ 3 được tổ chức cuối tháng 12/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đã đến lúc phải thực sự thay đổi tư duy. “Không phải những gì mà Nhà nước không muốn làm thì chuyển cho tư nhân, mà là những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân tham gia, kể cả doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công”, Thủ tướng nói.

Một lần nữa, Thủ tướng nhấn mạnh: “Không phải cái khó đẩy cho tư nhân, mà cái gì tư nhân làm được nên ủng hộ”, và cũng không được có chuyện “dùng quyền lực mềm để hù dọa doanh nghiệp”.

Đó là thông điệp cứng rắn và mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chấp nhận cho một tập đoàn tư nhân làm đường dây 500 kV - đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tư nhân được phép tham gia đầu tư đường dây truyền tải, lĩnh vực vốn là độc quyền tự nhiên.

Cho nên, việc mở rộng cánh cửa cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng hàng không là cần thiết, thay vì chỉ muốn tư nhân đầu tư vào những vị trí “khó nhằn”.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.