Từ vụ Khá 'Bảnh' bị bắt: Tham gia đường dây lô đề bị xử phạt như thế nào?

Việc đánh lô đề được xem như là đánh bạc trái phép, hành vi này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Còn trường hợp tham gia tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề thì mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Sáng 2/4, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh xác nhận anh Ngô Bá Khá (26 tuổi, tức Khá Bảnh) cùng một số thanh niên đang bị tạm giữ để làm rõ hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc.

Công an tỉnh Bắc Ninh tiếp tục truy bắt một số người liên quan hoạt động lô đề của anh Khá.

Trong đêm 1/4, cảnh sát phối hợp cùng chính quyền địa phương đã khám nhà anh Khá ở thị xã Từ Sơn, thu "một số giấy tờ liên quan hoạt động vay mượn tín dụng đen và lô đề".

Dưới góc nhìn pháp lý, hành vi tham gia đường dây lô đề bị xử lý thế nào?

Từ vụ Khá Bảnh bị bắt: Tham gia đường dây lô đề bị xử phạt như thế nào? - Ảnh 1.

Anh Ngô Bá Khá. (Ảnh: VnExpress).

Việc chơi lô đề là hành vi bị cấm do vậy nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý theo quy định. Nếu chưa đủ diều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi đánh bạc trái phép sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều Điều 26 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, cụ thể như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh đề sau đây:

+ Làm chủ lô, đề.

+ Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề.

+ Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề.

Việc đánh lô đề được xem như là đánh bạc trái phép, hành vi này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Còn trường hợp tham gia tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề thì mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Chơi lô đề bị xử phạt như thế nào?

Đối với trường hợp nặng hơn, người đánh lô đề có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc theo Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nặng hơn là bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự, "đánh bạc trái phép" là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.

Khi xác định trách nhiệm hình sự với người đánh bạc thì không tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ từng lần để xem xét. Cụ thể như sau:

Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Đánh bạc.

Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đánh bạc đối với lần đánh bạc đó.

Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng "phạm tội nhiều lần.

Trường hợp đánh bạc từ 5 lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung "có tính chất chuyên nghiệp".

Định tội danh đối với hành vi bán lô đề

Dấu hiệu khách quan của Tội tổ chức đánh bạc theo Điều 322 BLHS năm 2015 được hiểu là hành vi cầm đầu, chủ mưu, chỉ huy, cưỡng bức, đe dọa, rủ rê, lôi kéo và tạo điều kiện thuận lợi khác cho những người khác tham gia đánh bạc trái phép với mục đích ăn thua bằng tiền hoặc hiện vật với nhau.

Điều 322 BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa "quy mô lớn" thành các trường hợp sau đây:

- Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 2 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng.

- Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên.

- Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên.

- Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người giam gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc.

Ngoài những trường hợp được xem là "quy mô lớn" vừa nêu, nếu người tổ chức đánh bạc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc hoặc đánh bạc; hoặc đã bị kết án về tội tổ chức đánh bạc, gá bạc hoặc đánh bác chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức đánh bạc.

Ngược lại, nếu tổ chức đánh bạc nhưng không thuộc trường hợp "quy mô lớn" nhưng số tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc có giá trị trên 5.000.000 đồng thì họ phải chịu trách nhiệm về tội đánh bạc với vai trò đồng phạm.

Với những phân tích trên thì việc định tội danh đối với hành vi đánh lô, đề trong từng vụ án cụ thể được xác định như sau:

- Nếu người bán số đề trực tiếp bán cho nhiều người và trực tiếp ăn thua với họ thì đây là trường hợp một người (chủ đề) đánh bạc với nhiều người (người mua số đề) nên việc định tội danh như sau:

Người bán số đề (chủ đề) phạm tội đánh bạc nếu tổng số tiền lô, đề đã bán cộng với số tiền mà người chơi trúng giải (nếu có) từ 5.000.000 đồng trở lên trong cùng một lô đề.

Người mua số đề phạm tội đánh bạc nếu tổng số tiền mua đề cộng với số tiền trúng giải (nếu có) là từ 5.000.000 đồng trở lên trong cùng một lô đề.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.