Bị Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM xử phạt vi phạm hành chính về hành vi thiết lập mạng xã hội không phép, tên miền Zalo.vn tạm ngừng hoạt động được cho một bài học cho doanh nghiệp với thương hiệu trực tuyến của mình.
Hoạt động chính trên ứng dụng là nguyên nhân để VNG dù không thiếu tiềm lực vẫn cho rằng việc xin phép mạng xã hội Zalo hiện chưa thật cần thiết. Điều này thể hiện rõ khi ngoài Zalo.vn, Zalo còn có tên miền Zalo.me và ứng dụng OTT hiện có gần 50 triệu người dùng thường xuyên.
Tên miền rất quan trọng với bất kì một doanh nghiệp nào. (Ảnh minh họa: sapo).
Đến thời điểm hiện tại, người dùng dường như không bị ảnh hưởng nhiều cho việc tên miền Zalo.vn tạm ngừng hoạt động, nhưng vụ việc cũng là một bài học cho những doanh nghiệp đang từng bước xây dựng thương hiệu trực tuyến của mình.
Bài toán tên miền được xem là một vấn đề được nhiều doanh nghiệp chú trọng bởi nó ảnh hưởng nhiều đến mô hình kinh doanh. Nhìn qua những công ty lớn, dễ dàng thấy rằng tên miền đóng vai trò rất nhiều để người dùng nhận diện tìm đến, như một địa chỉ số tin cậy trên internet để phát triển thị trường.
"Thường công ty khi làm thương hiệu trực tuyến đều mua nhiều tên miền, trong đó có cả quốc tế và Việt Nam để chạy song song. Tên miền quốc tế nhìn chung vẫn được chú trọng nhiều hơn", chị Huyền - CEO của một công ty về may mặc chia sẻ.
Đại diện một đơn vị cung cấp tên miền tiết lộ, đến thời điểm hiện tại, tên miền .vn vẫn chưa được ưa chuộng bằng tên miền quốc tế, điển hình là .com, .org và .net. Đây cũng là một phần khiến cho Zalo ít bị ảnh hưởng với việc tên miền .vn bị tạm ngừng hoạt động.
Với doanh nghiệp, tên miền .vn không quá khó để mua, việc duy trì song song cho thấy có biện cớ của nó, nhất là đồng hành trong việc kinh doanh trên thị trường và cả internet.
CEO một công ty truyền thông cho biết, không phải không muốn sử dụng tên miền .vn, nhưng hoạt động song song luôn là cần thiết khi phải giao dịch với khách hàng nước ngoài thì tên miền trong nước lại có hạn chế.
Chọn mua tên miền có thông điệp rõ ràng góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Minh Nguyễn).
Không khó để hình dung hiện vẫn còn nhiều bất cập với tên miền .vn đối với các công ty có thị trường nước ngoài. Định vị thị trường đồng hành với cách thể hiện thương hiệu trực tuyến thông qua tên miền, điều mà đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn rất chú trọng.
Điển hình như Bkav, dù đã tên miền bkav.com.vn đang có nhiều định vị tốt cho việc quảng bá sản phẩm, công ty vẫn bỏ ra hàng tỉ đồng để mua thêm tên miền bkav.com để hướng đến thị trường nước ngoài.
Hay như Vingroup với hàng loạt công ty nhỏ với nhiều tên miền .vn, nhưng trong đó vẫn sử dụng thường xuyên tên miền .net để khẳng định thương hiệu toàn cầu chất lượng của mình.
Bài toán thương hiệu trực tuyến và tên miền có được chỉnh chu hay không vẫn từ người xây nền móng. Chiến lược đúng đắn trong mô hình kinh doanh gắn với thương hiệu trực tuyến luôn được xem là vấn đề quan trọng, và tên miền cũng góp một phần vào sự thành công này.
Giá mua tên miền Việt Nam cao hơn quốc tế
Với doanh nghiệp, việc duy trì song song 2 tên miền là điều không khó. Nhưng với người dùng cá nhân, tên miền .vn thậm chí chỉ được xem là lựa chọn dự phòng với trở ngại duy nhất là giá cao.
Tham khảo giá thông qua nhà cung cấp tên miền, tên miền cấp 2 như .com.vn được bán với giá 650.000 đồng/năm, tên miền cấp 1 .vn được bán với giá 750.000 đồng/năm. Trong khi đó, tên miền quốc tế .com chỉ bán với giá 239.000 đồng/năm.
Mức gia hạn của tên miền quốc tế cũng khá rẻ chỉ 299.000 đồng/năm, so với tên miền Việt Nam lần lượt là 350.000 đồng và 450.000 đồng.