Trầm cảm sau sinh khiến mẹ có thể giết con mình bất cứ lúc nào | |
Bé 33 ngày tuổi chết trong chậu nước: Nghi phạm từng bị trầm cảm |
Một người mẹ trẻ đang sống ở nước ngoài, xa gia đình, một mình “quẩn quanh” với con, chị My Võ bị stress lâu ngày và thật may mắn rằng, chị đã phát hiện ra vấn đề của mình và cố gắng vượt qua bằng tất cả nghị lực và tình yêu thường dành cho con.
Chị My Võ cố gắng vượt qua căn bệnh trầm cảm sau sinh vì tình yêu gia đình. (Ảnh NVCC) |
Trầm cảm sau sinh là một vấn đề chưa bao giờ cũ và cũng chưa bao giờ hết tính thời sự, bởi các bà mẹ trẻ khi sinh con, đối mặt với những vấn đề mà trước đó chưa bao giờ gặp phải, nếu như không vững vàng, không có sự động viên của người thân bằng tất cả tình yêu, hậu quả sẽ không thể kể hết. Cùng trò chuyện với một người mẹ trẻ, để hiểu hơn về tâm sự của người trong cuộc, và để cảm thông, để bên cạnh họ, cùng họ vượt qua chặng đường không dễ dàng sau sinh.
- Chào chị, chị phát hiện ra mình bị trầm cảm sau sinh từ khi nào?
- Mình bị bệnh này và được phát hiện khi con được 7 tháng và mình gần như phát điên, đã phải điều trị với bác sĩ tâm lý. Sau này tinh thần đã ổn định lại nhưng bác sĩ nói có thể tái phát. Lúc nào mình cũng giữ tinh thần mình ổn định nhất có thể, lạc quan suy nghĩ. Đó là cách mình khống chế bệnh trầm cảm này.
Sau sinh được 7 tháng chị My Võ phát hiện mình bị trầm cảm. (Ảnh NVCC) |
- Có ai hiểu căn bệnh này của chị?
- Nhiều bạn bè, ngay cả gia đình Việt Nam mình lúc nào cũng nói bệnh gì đâu mà bệnh, vơ vẩn nhảm nhí, và mình thật sự buồn vì không ai hiểu, cảm thông cho mình. Ai cũng nói phải đẻ thêm đứa nữa cho có anh có em. Bác sĩ đã khuyên mình rằng nếu có thể tốt nhất không nên có thêm bé thứ 2 trừ khi mình thật sự sẵn sàng. Bác cũng nói bệnh mình không phải dạng nhẹ và mình thật sự đã rất giỏi, rất may mắn vì mình đã vượt qua nó. Có thể mình ích kỉ, chỉ nghĩ cho bản thân mình nhưng chồng mình không muốn mất mình và mình càng không muốn con mình không có mẹ.
Thế nên tốt nhất hiện tại mình không có ý định có thêm bé thứ 2 và hi vọng trong tương lai khi mình thật sự sẵn sàng, tâm lí thật sự 100% ổn định, nhất định mình sẽ cho con mình có em.
- Theo chị nguyên nhân nào khiến chị bị trầm cảm sau sinh?
- Thật ra mình đã có dấu hiệu khi sinh con ra và chịu áp lực khi con sinh non. Mọi thứ đổ dồn vào mình. Sau 1 tháng làm mẹ, mẹ mình qua đây giúp mình 3 tháng nên tâm trạng mình thoải mái, hạnh phúc. Sau đó mẹ mình về lại Việt Nam và cũng lúc đó con mình rơi vào giai đoạn biếng ăn sinh lý.
Lần đầu làm mẹ, không có ai bên cạnh, không có ai giúp đỡ, mình như rơi vào trạng thái "trên mây" không biết phải như thế nào. Cả ngày chỉ biết khóc và khóc. Tình trạng này kéo dài và đỉnh điểm khi con được 7 tháng. Con lần nữa rơi vào giai đoạn biếng ăn sinh lý. Cả ngày mình loay hoay với việc ăn uống của con. Có lúc mình như phát điên, đập đầu vào tường, nhốt mình ở trong toilet mà khóc. Bao nhiêu lần mình tự cdên và muốn tự tử cho xong. Mình bỏ ngoài tai hết tất cả lời khuyên của mọi người.
Nói chung là mình chỉ muốn kết thúc cuộc đời ở đây. Xa gia đình, không làm chủ được bản thân, không người chia sẻ, nhớ ba mẹ, nhớ Việt Nam, chia sẻ với mọi người thì bị cho là làm quá mọi việc, chia sẻ với chồng chồng thấu hiểu và khuyên mình đi khám bệnh nhưng chồng lại đi làm cả ngày, mình lại nhốt mình với 4 bức tường với con. Giai đoạn đó thật sự kinh khủng đối với mình. Chỉ biết khóc, khóc và khóc mà chẳng biết làm gì hơn.
Rồi một đêm mình điên cuồng, không làm chủ được bản thân và chồng mình buộc lòng phải gọi bác sĩ điều trị tâm lý khẩn cấp cho mình. Nhìn thấy chồng mình khóc. Lúc đó mình hiểu ra mình thật sự có vấn đề rồi, thật sự ảnh hưởng tới mọi người rồi và mình chủ động tiếp nhận điều trị tâm lý trước khi mình làm gì nguy hại tới con. Ai cũng nói làm mẹ có gì khó nhưng với mình làm mẹ là công việc khó nhất trên thế gian.
Chị My Võ đã từng đập đầu vào tường và cầm dao định tự tử. (Ảnh NVCC) |
Khi phát hiện ra vấn đề, chị đã nhờ đến bác sĩ tâm lý. (Ảnh NVCC) |
May mắn rằng chị đã tìm lại được chính mình. (Ảnh NVCC) |
Tận hưởng niềm hạnh phúc chăm con. (Ảnh NVCC) |
- Quá trình điều trị tâm lý của chị diễn ra như thế nào?
- Mình đang sống ở nước ngoài nên quá trình điều trị có thể khác với ở Việt Nam. Bác sĩ sẽ cho bé nhận sự chăm sóc của ba. Mẹ sẽ ở lại bệnh viện. Mẹ sẽ được các bác sĩ y tá hỗ trợ tối đa các nhu cầu của mẹ. Ngồi lắng nghe mình khóc lóc, than thở, nói đủ thứ trên trời dưới biển. Thật sự lúc đầu mình không tin bác sĩ đâu vì mình nghĩ người ngoài thì sao mà hiểu nhưng thật ra người ngoài có khi lại giúp ích được mình rất nhiều.
Bên cạnh đó, họ sẽ hỏi mình thích được làm gì, ăn gì, muốn gì nhất và họ cố gắng tìm cách đáp ứng cho mình. Và những ngày sống xa con, họ cho mình thấy được rằng sự quan trọng của người mẹ đối với con là như thế nào, đứa con quan trọng với mình ra sao. Và họ cũng cho mình gặp bác sĩ tư vấn dinh dưỡng và bác sĩ nhi để tâm sự hàng giờ. Họ giúp mình gỡ rối từ nút thắt trong lòng mình, từng cái từng cái một.
Lúc đầu mình không bao giờ tin chồng mình có thể chăm con nên cái gì mình cùng giành vào người mình, để rồi khi mình vắng mặt trong 1 tuần chồng mình có thể thay mình làm mọi thứ. Và mình thấy thoải mái hơn khi tin tưởng chồng nhiều hơn, có thể nhờ chồng san sẻ mọi việc.
Hạnh phúc vì được chồng san sẻ việc chăm con, chia sẻ lắng nghe tâm sự hàng ngày. (Ảnh NVCC) |
- Chị có lời khuyên gì dành cho các mẹ sau sinh, đặc biệt là các mẹ có dấu hiệu bị trầm cảm?
- Mình chỉ dám khuyên các mẹ rằng, nếu các mẹ thấy tâm trạng mình hoặc có dấu hiệu về trầm cảm sau sinh thì nên tìm đến bác sĩ tâm lý. Con luôn là tờ giấy trắng tinh khôi. Đừng để bệnh của mẹ mà ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý của con. Đừng lo sợ gì hết mà phải dám đối mặt với nó. Có một điều bác sĩ khuyên mình khi mình không điều khiển được cảm xúc đó là hãy mua 1 bó đũa hoặc những thanh gì đó cứng bó vào nhau. Khi bị stress cần giải toả thì nên đi ra khỏi phòng, lấy bó đũa đó và cố gắng bẻ nó. Nó cũng giúp mình giải toả được uất ức trong lòng mình. Hoặc có thể tìm một người để nói chuyện, ai cũng được nhưng phải nói ra cho nhẹ lòng.
Đặc biệt, các mẹ cố gắng suy nghĩ lạc quan, tích cực nhất. Làm mẹ không phải đơn giản, làm mẹ là “công việc” khó khăn nhất trên thế gian. Trước khi làm gì cũng phải nghĩ đến con đầu tiên.
- Hiện tại chị cảm thấy thoải mái hơn chứ?
- Đó là câu chuyện của mình cách đây một năm về trước. Hiện tại mình đã biết cách hạn chế những cảm xúc tiêu cực, chăm sóc con và hiểu con hơn nhờ việc đọc sách. Mình cũng an tâm hơn khi có chồng yêu thương, chia sẻ việc chăm con, chia sẻ những cảm xúc, tâm sự với mình hàng ngày.
- Cảm ơn chị đã chia sẻ tâm sự của mình với chuyên mục, chúc gia đình chị mãi bình yên và hạnh phúc.
Giảm giờ chơi sẽ tăng nguy cơ bị trầm cảm và rối loạn tâm lý ở trẻ em
Con cái được sinh ra và ở lại với chúng ta là do duyên trời. Con không phải sinh ra để phục vụ cho nhu ... |
Mẹ trẻ đăng ảnh trầm cảm sau sinh kêu gọi phụ huynh ngừng 'sống ảo'
Kathy cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải ngừng giả định rằng giai đoạn sau sinh lúc nào cũng hào hứng. |
Lối sống 20:17 | 28/04/2019
Lối sống 12:00 | 21/07/2018
Lối sống 11:19 | 21/07/2018
Giải trí 06:00 | 16/06/2017
Giải trí 05:00 | 16/06/2017
Lối sống 03:23 | 16/06/2017
Giải trí 02:56 | 16/06/2017
Lối sống 02:34 | 16/06/2017