Vì sao người dân sập bẫy khu đô thị 'ma' phân lô bán nền?

Là đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm, chưa giải tỏa đền bù, không được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép xây dựng, thế nhưng nhiều công ty tự vẽ phối cảnh, bản đồ phân lô bán đất nền thu tiền người dân.

Tự "vẽ" dự án ma lừa dân, hàng chục người sập bẫy

Những ngày qua, người dân phản ánh việc Công ty Cổ phần Nhất Thành Nam (Thành Nam Land, địa chỉ đường Lê Văn Hiến, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) bán đất nền dự án "ma" Coco Green Home, quảng cáo vị trí ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

IMG_3330

Đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm bị phân lô bán nền ở phường Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam. (Ảnh: Văn Luận).

Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc, khẳng định tại trên địa bàn phường không có dự án khu đô thị nào tên Coco Green Home.

Khu đất được giới thiệu trong phối cảnh, bản đồ phân lô là doanh nghiệp tự "vẽ" ra trên đất trồng cây lâu năm, không có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm để chuyển sang đất ở, chưa đủ căn cứ để thực hiện thủ tục chuyển mục đích theo qui định.

Nhiều người dân đang ngồi trên đống lửa vì rót tiền vào dự án ma do Thành Nam Land "vẽ" ra.

Tìm hiểu của chúng tôi, đây không phải là dự án "ma" đầu tiên người dân bị sập bẫy. Trước đó, ngày 14/3, hàng trăm người ở TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã đến trụ sở Công ty bất động sản Hoàng Nhất Nam (đường Nguyễn Văn Linh, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) để yêu cầu quyền lợi khi mua đất dự án Bách Đạt 1; khu đô thị 7B mở rộng; dự án Hera Complex Riverside.

Những dự án trên do Công ty CP Bách Đạt An làm chủ đầu tư tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, còn công ty Hoàng Nhất Nam là nhà phân phối. Theo người dân, họ đã bỏ ra gần 600 tỉ đồng để mua đất tại 3 dự án nhưng chủ đầu tư lẫn nhà phân phối không giao sổ đỏ dù quá hạn hợp đồng cam kết.

Thanh tra tỉnh Quảng Nam sau đó vào cuộc thanh tra, kết luận những dự án trên có sai phạm. Đáng chú ý nhất, dự án khu đô thị 7B mở rộng là dự án không có chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư của chính quyền tỉnh Quảng Nam; không kí cam kết tiến độ, thành lập doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án; không có quyết định thu hồi đất, giao đất, bản vẽ thi công...Thế nhưng doanh nghiệp đã huy động vốn, thu tiền đẩy rủi ro về người dân.

Ngày 1/10, chúng tôi đã tìm đến khu vực các dự án trên, người dân vẫn vào bên trong làm ruộng, trồng hoa màu. Hạ tầng chủ đầu tư làm còn dang dở trên vùng đất cát khô khốc, cỏ mọc cháy màu nắng.

"Dân chúng tôi còn làm ruộng đây, chưa đền bù, giải tỏa đã rao bán rồi. Nhiều người hỏi chúng tôi tên dự án nước ngoài lạ hoắc, chúng tôi có biết nó ở đâu đâu?", người dân tên An than phiền.

Chúng tôi cũng hỏi thăm nhiều người dân khối phố Hà Dừa, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn về dự án Coco Green Home nhưng không người dân nào nghe nói về dự án đó.

"Chúng tôi sống bao nhiêu năm ở đây, lần đầu tiên biết đến dự án đó!", người dân khối phố Hà Dừa nói.

20190918_020821781_iOS

Nhân viên Công ty CP bất động sản BroLand rao bán đất nền sai sự thật trên khu đất qui hoạch thương mại, dịch vụ. (Ảnh: Văn Luận).

Đó là câu chuyện ở tỉnh Quảng Nam, mới đây Công an quận Liên Chiểu, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cũng đã kịp thời cảnh báo người dân việc nhân viên Công ty CP bất động sản BroLand rao bán đất nền sai sự thật trên khu đất qui hoạch thương mại, dịch vụ.

Cụ thể, ngày 17/9/2019, tài khoản Facebook "Trần Yến Dung" đăng tải bài viết có nội dung bán 23 lô đất tại phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu có đầy đủ giá trị pháp lí, rẻ hơn giá thị trường 3-5 triệu/m2. Thực chất khu vực này là đất đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt qui hoạch đất thương mại.

Công an quận Liên Chiểu đã tiến hành xác minh,  bà Trần Yến Dung (25 tuổi, ngụ phường Hoà Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) - chủ tài khoản trên đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình, mục đích đăng tải nội dung sai sự thật để lôi kéo khách hàng và quảng bá sản phẩm phục vụ lợi ích cá nhân.

Hành vi của Dung đã làm nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng xấu đến ANTT tại địa phương nên cơ quan chức năng phạt 10 triệu.

Mua đất nền mà như mua bó rau ngoài chợ

Đó là chia sẻ của một người chuyên môi giới bất động sản tại thị trường Đà Nẵng – Quảng Nam khi biết thông tin nhiều người sập bẫy mua đất nền dự án khu đô thị ma ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Theo chia sẻ của người có 8 năm kinh nghiệm này, mua đất nền ở bất kì dự án nào, việc đầu tiên người mua cần làm là liên hệ ngay chính quyền địa phương nơi dự án đó rao bán để tìm hiểu pháp lí.

"Nếu cán bộ địa chính, lãnh đạo xã, phường lắc đầu thì đó là lừa đảo, tránh xa. Nhiều người mua đất nền mà cứ đọc thông tin một chiều do đơn vị phân phối rao, cắm đầu cắm cổ vay mượn, lấy tiền dành dụm đổ vào mua như mớ rau ngoài chợ thì trách ai bây giờ", người này nói.

Cũng theo người này, đảm bảo và an tâm nhất hiện nay là người dân nên mua đất thổ cư có Giấy chứng nhận quyền sử dụng.

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.