Vụ clip Khá Bảnh đập và đốt xe máy: YouTube có trách nhiệm gì?

Theo quy định của Pháp luật Việt Nam, YouTube thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư số 38/2016/TT-BTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

Ngày 28/3, nhân vật mạng Khá Bảnh đăng một video lên YouTube với tựa đề “đi xe máy tốn xăng bực mình đập xe”.

Trong clip, Ngô Bá Khá (tên thật của Khá Bảnh) đi một chiếc xe tay ga nhưng kêu tốn xăng, sau đó rủ bạn của mình dùng gậy sắt đập nát chiếc xe.

Không dừng ở đó, Khá Bảnh còn châm xăng, đốt xe và khẳng định “đốt luôn không mọi người lại bảo đập xong lại sửa lại cho mới”.

Trong quá trình đập phá xe, thanh niên này cũng liên tục đưa ra giấy đăng ký, lặp đi lặp lại cụm từ “xe của Bảnh nhé”, và nói rằng mua xe với giá 70 triệu đồng.

Hiện video này đã được kênh Khá Bảnh chủ động gỡ bỏ.

Vụ clip Khá Bảnh đập và đốt xe máy: YouTube có trách nhiệm gì? - Ảnh 1.

Việc đốt xe máy như vậy có sai phạm gì không và luật nào quy định?

Về việc đốt xe, muốn kết luận hành vi này có vi phạm pháp luật hay không cần xác định rõ chiếc xe bị đốt là tài sản của ai.

Trong trường hợp Khá Bảnh là chủ sở hữu thì theo quy định tại Điều 158 Bộ luật dân sự 2015: "Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật".

Do đó, Khá Bảnh hoàn toàn có quyền sử dụng và định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình. Rõ hơn, tại quy định ở Điểm 2 Điều 160 BLDS 2015"Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác".

Vì vậy, nếu chiếc xe thuộc sở hữu của Khá Bảnh thì Khá Bảnh hoàn toàn có quyền thực hiện mọi hành vi đối với chiếc xe của mình.

Tuy nhiên, việc thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản của mình phải nằm trong giới hạn là không làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người khác.

Ngoài ra, việc Khá Bảnh đốt phương tiện giao thông nói trên hoàn toàn có thể xem xét ở góc độ gây nguy hại đến môi trường hay không?.

Pháp luật quy định rất rõ về việc xử lý chất thải nhằm đảm bảo cho việc bảo vệ môi trường và nhằm tránh gây nguy hại đến cộng đồng dân cư.

Một trong các đối tượng nằm trong danh sách chất thải nguy hại là các phương tiện giao thông đã hết hạn sử dụng. Phương tiện giao thông hết hạn sử dụng được xem là chất thải nguy hại và được phân loại là có độc, và thậm chí là độc tính sinh thái được quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Việc xử lý hay tiêu huỷ các loại chất thải này cần phải tuân theo trình tự quy định pháp luật cực kỳ nghiêm ngặt. Trường hợp nếu người nào "xử lý chất thải nguy hại khi không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định" thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 150 triệu đến 250 triệu đồng (theo điểm đ, khoản 5, điều 23 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường).

Vì vậy đối với trường hợp của Khá Bảnh, do phương tiện giao thông này còn mới, pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về việc xử lý phương tiện giao thông còn đang lưu hành, nên khó đưa vào hành vi trên để xử lý. Tuy nhiên ta có thể xem xét điều khoản trên để đưa ra cách xử lý thích hợp.

Hãng xe Pega có trách nhiệm gì không?

Nếu hành vi đốt xe đổi xe điện của Khá Bảnh là tự phát, không có thỏa thuận quảng cáo với hãng xe Pega thì không thể khẳng định Pega phải có trách nhiệm trong vụ việc này.

Hành vi của Khá Bảnh trên chỉ có thể xem xét dưới góc độ người tiêu dùng đang thực hiện quyền của họ đối với tài sản của mình nên rất khó đưa trách nhiệm của hãng Pega trong trường hợp này nếu đây là hành vi tự phát của Khá bảnh.

Nếu có đủ căn cứ chứng minh Pega hợp tác với Khá Bảnh đốt xe PCX của hãng xe Honda để quảng cáo thì hành vi này vi phạm Luật cạnh tranh.

Khi xem xét hành vi của Khá Bảnh, ta có thể thấy đây là hành vi quảng cáo cho dòng sản phẩm xe điện của Pega vì kiểu dáng, mẫu mã và công dụng của xe điện Pega trong clip hoàn toàn có thể thay thế cho dòng xe PCX của hãng xe Honda.

Đây là hành vi quảng cáo có nội dung so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.

Do đó hành vi này đã vi phạm pháp luật về Luật cạnh tranh, cụ thể là hành vi Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh theo điều 45 của Luật Cạnh tranh.

Như vậy, trong trường hợp này, căn cứ theo điều 33 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, thì Pega hoàn toàn có khả năng bị phạt đến 80 triệu đồng và có thể bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung, khắc phục là "Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm" và "Buộc cải chính công khai".

Vụ clip Khá Bảnh đập và đốt xe máy: YouTube có trách nhiệm gì? - Ảnh 2.

Ngoài video đập và đốt xe, Khá Bảnh còn đăng tải các video liên quan đến trang FB88. (Ảnh cắt clip).

Ngoài đập và đốt xe, Khá Bảnh còn đăng tải các video 'quảng cáo' cho trang FB88 và Live88. Việc quảng cáo nội dung này được pháp luật Việt Nam quy định như thế nào?

Khi xem xét riêng về việc nội dung quảng cáo theo quy định pháp luật của Việt Nam thì theo quy định tại Điều 7 Luật Quảng cáo 2012, Chính phủ quy định rất rõ các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo, trong đó, ngoài các sản phẩm dịch vụ cụ thể thì Chính phủ quy định cấm quảng cáo đối với "Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật".

Theo quy định của Luật đầu tư 2014, thì ngành nghề kinh doanh casino và kinh doanh đặt cược là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không phải là ngành nghề, dịch vụ bị cấm kinh doanh.

Do đó, về lý thuyết, dịch vụ casino và dịch vụ đặt được là nội dung được phép quảng cáo và phải thực hiện theo quy định pháp luật Luật quảng cáo.

YouTube có trách nhiệm gì trong việc quản lý nội dung trên?

Theo quy định của Pháp luật Việt Nam, YouTube là trang website của tổ chức nước ngoài có hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới được sử dụng rất nhiều tại Việt Nam, do đó YouTube thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư số 38/2016/TT-BTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư này các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam khi cung cấp thông tin công cộng cho người sử dụng tại Việt Nam.

Nếu có hành vi vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ có Nguyên tắc, biện pháp và cơ chế phối hợp xử lý thông tin vi phạm trên mạng.

Theo đó Bộ Thông tin và Truyền thông có quyền xem xét các nội dung trên youtube để xác định các thông tin vi phạm và tiến hành gỡ bỏ hoặc chặn không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập đến (khoản 1 Điều 5 Thông tư 38/2016/TT-BTTT).

Ngoài việc tuân thủ quy định quốc gia, thì người dùng sẽ phải tuân thủ các quy định riêng của chính Youtube.

Trên thực tế, đối với các sản phẩm dịch vụ như cờ bạc, rượu hay các sản phẩm nguy hại khác đều được Youtube đưa ra các chính sách xử lý rất cụ thể.

Theo đó, Youtube có chính sách riêng về "Bán hàng hóa bất hợp pháp hoặc hàng hóa theo quy định", nếu người dùng phát hiện ra trên các video của youtube có đăng tải các nội dung, sản phẩm nếu trên nhằm mục đích bán trực tiếp bất kỳ mặt hàng nào dưới đây hoặc liên kết đến các trang web rao bán các mặt hàng này thì Youtube sẽ tiến hành gỡ bỏ các nội dung này.

Các người dùng khác hoàn toàn có quyền báo cáo các sai phạm nêu trên cho Youtube để đề nghị gỡ bỏ clip có chứa nội dung vi phạm.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.