Vụ Cocobay Đà Nẵng: Chủ đầu tư và khách hàng cần ngồi lại với nhau

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cho rằng, trước vấn đề Cocobay Đà Nẵng tuyên bố không thể trả lợi nhuận condotel như cam kết, khách hàng và chủ đầu tư cần ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung.

Trong thông báo gửi khách hàng, CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (tập đoàn Empire) cho biết chỉ trả lợi nhuận theo cam kết đến ngày 31/12 với các chủ sở hữu condotel.

img4451-1574679820523726898452

Cocobay Đà Nẵng tuyên bố không thể trả lợi nhuận condotel như cam kết từ 31/12/2019. (Ảnh: Văn Luận)

Phía chủ đầu tư condotel Cocobay Đà Nẵng cho biết, việc kinh doanh loại hình sản phẩm bất động sản condotel thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Khung pháp lí chưa hoàn thiện dẫn đến nhiều bất cập, thủ tục pháp lí tại địa phương có nhiều vướng mắc. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận hành dự án.

Cụ thể, thông báo phát đi cho biết kể từ ngày 1/1/2020, do những khó khăn về dòng tiền, Công ty Thành Đô chấm dứt việc chi trả thu nhập cam kết như trong hợp đồng mua bán condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng. Phía chủ đầu tư sẽ chỉ chịu trách nhiệm chi trả lợi nhuận đến hết ngày 31/12 năm nay cho các chủ sở hữu condotel.

Cần tìm hướng đi chung

Liên quan đến lợi nhuận cam kết tại các dự án condotel, ông Lê Hoàng Châu cho biết, HoREA đã cảnh báo từ năm 2016 và liên tục cảnh báo trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn có nhiều lí do để loại hình này phát triển và người dân vẫn tiếp tục đầu tư vào các dự án condotel.

anh-1574679820519334744614

Chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp không tìm được tiến nói chung tại dự án Cocobay Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Luận)

Theo ông Châu, trong vụ việc tại dự án condotel Cocobay Đà Nẵng, chủ đầu tư và khách hàng phải ngồi lại với một tâm thế tìm ra giải pháp để dự án hoạt động tốt hơn.

"Họ đã ngồi lại 4 lần rồi nhưng mọi người không ở một tâm thế ngồi chung trong con thuyền đang gặp sóng gió. Lẽ ra, mọi người phải cùng chèo chống với nhau nhưng 2 bên đưa ra những mục tiêu mâu thuẫn với nhau", ông Châu nhận định.

Ông Châu cho rằng, khách hàng muốn phải được chia lãi đúng hợp đồng trong khi chủ đầu tư cho biết họ không thể. Do đó, cả hai cần ngồi lại giải quyết bài toán này.

"Đầu tiên nội bộ phía chủ đầu tư phải ngồi lại để định hướng chiến lược, cơ cấu lại kinh doanh, sản phẩm. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ sản phẩm. Nội bộ Cocobay phải ngồi lại để tìm hướng nâng cao tính cạnh tranh dự án mình", ông Châu cho biết.

Bởi theo ông Châu, dự án Cocobay Đà Nẵng có vị trí đẹp, lại ở trong TP Đà Nẵng - trung tâm giao thông trong khu vực ASEAN. Do đó, phía chủ đầu tư cũng cần phải tạo được mối liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác để thu thêm dòng khách và các dịch vụ đi kèm.

Ngoài ra, Đà Nằng còn nằm trên cung đường di sản của miền Trung, cung đường này từ Mỹ Sơn – Đà Nẵng – Huế - Quảng Trị - Quảng Bình và nằm đầu đường giao thông Đông –Tây qua Lào, Thái Lan nên vô cùng thuận lợi để phát triển.

"Đặc biệt, Nhà nước cần tháo gỡ những vướng mắc về pháp lí liên quan đến đất đai, sở hữu và chuẩn mực về mặt xây dựng", ông Châu kiến nghị.

Có thể kiện nhau ra tòa

Liên quan đến lợi nhuận cam kết tại các dự án condotel, luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn luật sư TP HCM cho biết, trong cam kết lợi nhuận có 2 vấn đề chính, nếu là thỏa thuận giữa 2 bên thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, trong trường hợp này là cam kết – chủ đầu tư đưa ra một nhận định rất chắc chắn tối thiểu 12% năm.

"Lợi nhuận luôn biến động nên việc cam kết này là thiếu thực tế. Nếu căn cứ vào cam kết lợi nhuận bản thân tôi sẽ lên sàn chứng khoán tìm những công ty có cam kết lợi nhuận, cổ tức và kế hoạch kinh doanh ổn định để đầu tư thay vì đầu tư vào các dự án condotel có cam kết cao", luật sư Phượng cho biết.

77135315_693100901096689_5631739896528896000_n

Khách hàng có thể kiện chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng vì phá bỏ cam kết lợi nhuận. (Ảnh: Văn Luận)

Theo luật sư Phượng, hiện có thể thấy, hầu như các dự án condotel đều đưa cho chủ đầu tư hoặc đơn vị thứ 3 quản lí nên dựa trên chiến lược kinh doanh của các đơn vị này để đưa ra cam kết lợi nhuận.

Tuy nhiên, từ câu chuyện Cocobay có thể thấy việc phá vỡ cam kết lợi nhuận tại dự án condotel đã được các chuyên gia cảnh báo cách đây vài năm nhưng tại dự án Cocobay lại diễn ra quá sớm. Do đó, cần phải xem lại năng lực tài chính của chủ đầu tư và đơn vị vận hành đang có vấn đề.

"Dự án này chưa đến thời kì bảo trì, tái đầu tư mà đã phá vỡ cam kết lợi nhuận thì cần phải xem lại năng lực tài chính của chủ đầu tư và những vấn đề liên quan đến dự án", luật sư Phương nhận định.

Ngoài ra, luật sư Trần Đức Phượng cũng cho biết, vào giai đoạn 2016-2017 đầu tư condotel đang làm một xu hướng khi các nhà đầu tư thứ cấp cho rằng vừa được sở hữu condotel vừa được thu lời từ cam kết lợi nhuận. Nhưng đến nay quyền sở hữu họ không có do pháp lí chưa cho phép, trong khi cam kết lợi nhuận cũng bị phá vỡ nên rủi ro thuộc về nhà đầu tư thứ cấp.

Trong trường hợp phá bỏ cam kết, nếu nhà đầu tư thứ cấp tiếp tục chịu đựng để tiếp tục chia sẻ với chủ đầu tư hoặc có thể kiện nhau ra tòa.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.