Vụ thanh niên đâm chết bạn gái ở Ninh Bình: Trung tá CSGT không can thiệp thì có phạm luật?

Việc trung tá CSGT có mặt tại hiện trường nam thanh niên đâm chết người yêu ở Ninh Bình có vi phạm Điều 132 Bộ luật Hình sự về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hay không còn phải dựa vào nhiều yếu tố.

Ngày 4/4, Công an tỉnh Ninh Bình đã có thông tin chính thức liên quan đến vụ án "Giết người" xảy ra ngày 1/4, tại phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình. Trong quá trình vụ án, có xuất hiện một chiến sĩ CSGT cầm điện thoại nhưng không có hành động can thiệp.

Ngay sau đó, cơ quan chức năng xác định viên CSGT trong vụ việc là trung tá Nguyễn Chí Kiều (SN 1966), cán bộ Đội Tuần tra kiểm soát nội tỉnh và dẫn đoàn, Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình.

Phòng CSGT đã tạm dừng phân công nhiệm vụ chuyên môn cho trung tá Kiều từ sáng 2/4, để có thời gian làm việc, cộng tác với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh trong quá trình điều tra, làm rõ vụ án.

Khi đoạn clip về vụ án xuất hiện trên mạng xã hội, đã có những tranh luận về cách xử lý tình huống của trung tá Kiều. Một số ý kiến cho rằng, lẽ ra trung tá CSGT này cần có hành động quyết liệt hơn để giải cứu nạn nhân.

Vụ thanh niên đâm chết bạn gái ở Ninh Bình: Trung tá CSGT không can thiệp thì có phạm luật? - Ảnh 1.

Hiện trường nơi chị H. nghi bị Nghị dùng kéo đâm chết.

Trường hợp này, trung tá Kiều có vi phạm Điều 132 Bộ luật Hình sự quy định về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hay không còn phải dựa vào nhiều yếu tố.

Việc cứu giúp không gây nguy hiểm cho bản thân hoặc cho người khác

Theo đó, tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" là hành vi thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết.

Dấu hiệu bắt buộc liên quan đến hành vi không cứu giúp nạn nhân của chủ thể phải gắn liền với việc người đó có điều kiện cứu giúp nạn nhân. Trong trường hợp cụ thể đó, chủ thể có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện hành vi cứu giúp nạn nhân và việc thực hiện hành vi này không gây nguy hiểm cho chủ thể. Hậu quả nạn nhân chết là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

Trường hợp người có điều kiện cứu giúp và đã cố gắng thực hiện hành vi cứu giúp nạn nhân nhưng hành vi mà họ thực hiện không phù hợp hoặc không có hiệu quả, hoặc trường hợp tuy người đó không cứu giúp nạn nhân nhưng vì một nguyên nhân nào đó nạn nhân không chết thì không cấu thành tội này.

Mặt khác, căn cứ theo hướng dẫn tại Mục 5 Chương II Nghị quyết Số: 04-HĐTPTANDTC/NQ Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự thì việc cứu giúp không gây nguy hiểm cho bản thân hoặc cho người khác.

Việc xử lý loại tội này nhằm chủ yếu nhằm giáo dục cho mọi người có ý thức cứu giúp người khác khi họ đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính trạng. Xét về mặt đạo đức, người có điều kiện mà không cứu giúp người bị nạn sẽ bị dư luận xã hội lên án, còn người quên mình giúp người bị nạn là tấm gương để mọi người noi theo.

Khi xét xử, tòa án lấy giáo dục là chủ yếu, ngay trong trường hợp phải phạt tù cũng cần giải thích để người phạm tội thấy rõ tội lỗi của mình, đồng thời thông qua phiên tòa giáo dục mọi công dân đề cao ý thức pháp luật, có trách nhiệm đối với tính mạng của con người, lên án những hành vi vô trách nhiệm đối với tính mạng của người khác, biểu dương những hành động dũng cảm xả thân vì người khác phê phán lối sống ích kỷ, tư tưởng lạc hậu trái với đạo đức.

Trong trường hợp này, nhận được tin báo, Trung tá Kiều đã đến hiện trường. Lúc này hung thủ Nghị đang ngồi đè lên người nạn nhân, tay cầm kéo đâm nhiều nhát vào ngực, cổ nạn nhân. Trung tá Kiều khuyên can nhưng bị hung thủ dùng kéo đe dọa. Trung tá Kiều đã gọi điện cho lực lượng Cảnh sát 113 đến hỗ trợ.

Như vậy, cần xác định xem thời điểm xảy ra sự việc đâm chết cô gái, CSGT có mặt tại hiện trường có công cụ hỗ trợ hay công cụ đủ để trấn áp nghi phạm trên không.

Nếu CSGT có công cụ hỗ trợ hay công cụ đủ để trấn áp người đàn ông trên mà không thực hiện thì rõ ràng người này đã vi phạm. Nếu như anh CSGT không có công cụ hỗ trợ hay công cụ đủ để trấn áp mà chỉ có gậy và thanh niên kia có kéo thì vấn đề có thể phải xem xét tiếp.

Nếu CSGT có súng thì được nổ súng mà không cần cảnh báo

Trường hợp CSGT có mặt tại hiện trường được trang bị súng thì việc nổ súng cũng phải tuân theo nguyên tắc quy định trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ tháng 7/2018.

Theo đó, người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào những trường hợp sau đây:

- Trường hợp, người đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

- Người đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

- Khi biết rõ trường hợp đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng mà không cần cảnh báo trong trường hợp sau:

- Người vi phạm đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó.

Về nguyên tắc nổ súng: Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà họ không tuân theo.

Nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay.

Không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác

Trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra.

Như vậy, trong vụ việc này, nếu CSGT có mặt tại hiện trường được trang bị súng thì được nổ súng mà không cần cảnh báo.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.