Xác định giá trị đất đai không chính xác làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng vốn nhà nước

Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước – một hoạt động kinh tế vừa tăng nguồn thu ngân sách, vừa cung cấp lượng “hàng hóa mới” cho thị trường bất động sản thời gian qua chưa đạt kết quả đề ra. Nguyên nhân chính do phương án định giá, sắp xếp lại, xử lý nhà đất còn nhiều vướng mắc, tồn tại.

Sáng 12/5, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phối hợp với Hội Tư vấn Thuế Việt Nam tổ chức Hội thảo "Khai thác nguồn lực tài chính từ đất, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản". Một trong các nội dung được đưa ra tại hội thảo là làm rõ những khó khăn trong khi xác định giá đất khi cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước và các giao dịch về đất.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 31/12/2020, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 cả nước đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm và gặp nhiều khó khăn là do vướng mắc về việc xác định giá trị đất đai. 

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính. (Ảnh: Tạp chí Tài chính doanh nghiệp).

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp phân tích, các doanh nghiệp nhà nước đang được giao quyền sử dụng và quản lý một diện tích rất lớn đất đai, nhà và công trình trên đất. Đa phần diện tích này nằm ở các vị trí đắc địa có giá trị lớn nhưng hiệu quả sử dụng lại không cao.

Do đất đai mang tính cụ thể cao nên giá giao dịch trên thị trường của mỗi thửa đất có sự khác biệt nhất định. Ở nước ta hiện nay tồn tại hai giá đất: Giá nhà nước và giá thị trường. Việc tồn tại hai giá là một tất yếu khách quan và nhà nước sẽ định hướng giá đất theo một trong các cơ chế: Bám sát giá đất thị trường theo hướng “nước nổi, bèo nổi”; bám sát giá đất thị trường nhưng giá đất Nhà nước quy định luôn giữ một khoảng cách nhất định, phục vụ chính sách quản lý của Nhà nước và thoát ly giá đất thị trường.

"Trên thực tiễn vẫn tồn tại sự chênh lệch lớn giữa giá đất nhà nước so với giá đất thị trường. Việc xác định giá trị đất đai không chính xác đã gây thất thoát vốn nhà nước hàng nghìn tỷ đồng trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn. Theo Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán giai đoạn 2016 - 2020 đã xác định tăng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thêm gần 15.500 tỷ đồng. Trong đó, một phần lớn số tiền chưa được tính đúng tính đủ là từ đất đai", ông Đặng Quyết Tiến cho biết.

Các sai phạm trong xác định giá trị đất đai thể hiện ở nhiều hình thức. Đơn cử như tình trạng cơ quan quản lý lách luật, tách lô đất lớn thành nhiều thửa có giá trị dưới 10 tỷ đồng để cho thuê theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành thay vì đấu thầu theo quy định.

Một số doanh nghiệp không áp dụng đơn giá xây dựng cơ bản do cơ quan có thẩm quyền ban hành tại thời điểm gần nhất với thời điểm định giá trong việc định giá tài sản nhà cửa vật kiến trúc. 

Nhiều doanh nghiệp được giao quản lý sử dụng những khu “đất vàng” có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng trong tiến trình cổ phần hóa, định giá đất đai rẻ hơn nhiều so với giá trị thị trường.

Một số doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ví dụ thành các dự án nhà ở thương mại để thu lợi nhuận lớn. Theo Thanh tra Chính phủ, tính đến hết năm 2016, trên địa bàn TP Hà Nội có 69 dự án với tổng diện tích 180 ha đất đã được chuyển đổi chủ yếu từ đất sản xuất, nhà xưởng, trụ sở sang mục đích đất ở, văn phòng và trung tâm thương mại.

Bên cạnh đó, khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp nhà nước không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa và không thực hiện đấu giá khi cổ phần hóa.

"Những sai phạm, kẽ hở trên đã dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước và tạo cơ hội cho hoạt động đầu cơ, trục lợi; làm méo mó môi trường kinh doanh và sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường", Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (20/4 - 26/4): Khởi công cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, TP Phan Thiết sẽ mở rộng  thêm 94 km2
Sắp thông xe cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo; khởi công nút giao phức tạp nhất trên vành đai 3 TP HCM; khởi công cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.