Sống là chính mình và nhận được sự yêu thương từ những người thân trong gia đình tưởng chừng như là lẽ thường tình đối với bất kỳ ai được sinh ra trên cuộc đời này, nhưng đối với người LGBT, để có được cả hai điều ấy lại là cả một hành trình dài đầy nước mắt mà không phải ai cũng có thể đi đến đích. Với mong muốn tiếp thêm động lực và trang bị những kỹ năng cần thiết cho người LGBT come out với gia đình, chiến dịch “Be loved be yourself” - Hiểu để được yêu thương đã ra đời.
LGBT - chông chênh giữa hai lối
Sống là chính mình hay được gia đình yêu thương, hai điều này không có một chút mâu thuẫn với nhau cả, vậy tại sao lại bắt buộc phải chọn một thứ. Ai cũng chỉ có một cuộc đời, mất đi một trong hai điều trên, cũng giống như mất đi một nửa cuộc đời. Bạn sẽ khó lòng sống vui vẻ lạc quan và yêu đời khi phải sống giấu diếm, giả dối với chính những người mình yêu thương và gặp gỡ hằng ngày.
Ngược lại, cũng không thể sống trọn vẹn khi đối mặt với sự ruồng bỏ từ gia đình mình thương yêu bấy lâu nay, nơi sinh ra và nuôi dưỡng mình suốt bao năm tháng qua. Điều đó giống như bạn đang phải đối đầu với ba mẹ, anh chị em ruột trong một cuộc chiến dù lặng lẽ, nhưng đau đớn và nghiệt ngã vô cùng.
Người LGBT đang phải đối mặt với nhiều áp lực khi come out. Ảnh: Fanpage Be loved be yourself. |
Một người chuyển giới từng nói rằng, ngày qua ngày, sống trong cùng một ngôi nhà, ngồi ăn chung bữa cơm, sớm muộn gì bố mẹ cũng biết, trừ khi bạn cẩn trọng bao bọc bản thân bởi một lớp vỏ kín đáo, chắc hẳn bên trong đó, những giọt nước mắt khó lòng ngừng rơi.
Come out là điều mà LGBT muốn làm hơn bao giờ hết, nhưng hay thử nghĩ xem, bỗng nhiên một ngày bạn không còn muốn bước vào chính ngôi nhà của mình, bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt luôn bao trùm. Không ai nghe bạn nói, không ai quan tâm đến suy nghĩ và cảm xúc của bạn, dù là hờ hững, lạnh nhạt hay cấm đoán gắt gao, bằng cách này hay cách khác, bạn lạc lõng bơ vơ, ức chế khổ đau trong chính nơi được gọi là “tổ ấm”.
Những trường hợp come out với gia đình không nhận được sự đồng tình ủng hộ đã khiến nhiều bạn trẻ trong cộng đồng LGBT càng thêm hoang mang, trăn trở việc sống là chính mình hay im lặng để được yêu thương. Sau mỗi lần come out thất bại, những ê chề, mặc cảm lại tăng lên gấp bội, bản thân người LGBT có khi lại tự mình đóng cánh cửa hy vọng lại, chấp nhận bằng lòng sống đúng với những quy ước của xã hội để đổi lại sự bình yên.
Tại sao phải đắn đo, khi chúng ta xứng đáng nhận về cả hai
Cuộc sống này là sự đa dạng với nhiều bản ngã khác nhau, những định kiến cổ hủ hình thành và tồn tại hàng nghìn năm đã khiến cho màu sắc xu hướng tính dục bị thu hẹp, mặc định trong nhận thức con người chỉ tồn tại hai màu đen, trắng. Không là nam thì phải là nữ, và ngược lại, đương nhiên, con trai thì phải yêu con gái, việc nữ yêu nữ, nam yêu nam dường như là điều nằm ngoài sức tưởng tượng của xã hội truyền thống, trở thành rào cản quá lớn trước cơ hội được sống đúng với bản dạng giới của người LGBT.
Những định kiến từ xã hội là rào cản lớn khiến người LGBT chưa thể công khai.. Ảnh: Fanpage Be loved be yourself. |
Việc come out với gia đình là có lẽ điều đầu tiên mà người LGBT muốn làm trong hành trình công khai giới tính của mình. Sống là chính mình và nhận được tình yêu thương từ ba mẹ giống như khi chưa come out là điều hoàn toàn chính đáng. Những đứa con đồng tính, chuyển giới hay song tính không có lỗi gì khi họ mang trong mình khát khao được sống theo cách mình muốn.
Đừng vì sự kì thị mà khiến con cái mình bị đeo bám bởi cảm giác tội lỗi, sau công khai là chuỗi ngày sống trong mặc cảm, dằn vặt như thể họ vừa làm điều gì đó rất xấu xa và tồi tệ.
Đồng cảm với những trăn trở, giằng xé của người LGBT khi loay hoay tìm cách đối diện với bản thân, gia đình và xã hội, dự án về cộng đồng LGBT mang tên “Be loved be yourself” - Hiểu để được yêu thương do nhóm sinh viên thuộc 2 tổ chức học bổng VietSeeds Foundation và SPELL đã chính thức ra đời.
Bạn Trần Thanh Phong, Leader dự án chia sẻ: “Xuất phát từ Insight các bạn LGBT luôn phải trăn trở giữa hai việc lựa chọn hoặc được là chính mình hoặc được gia đình yêu thương, mà đáng lẽ ra các bạn phải có cả hai. Tôi tập trung giải quyết insight này bằng việc định hướng các bạn sống như thế nào là chính mình và hiểu về hai phía để được yêu thương”.
“Be loved be yourself” đã thu hút được sự tham gia của nhiều tổ chức. Ảnh: Fanpage Be loved be yourself. |
Với các hoạt động sản xuất clip về LGBT và lan tỏa thông điệp đến cộng đồng, dự án còn tổ chức workshop "Vì con xứng đáng" đề nâng cao nhận thức của mọi người về LGBT, đặc biệt là đối tượng phụ huynh có con là đồng tính, chuyển giới hay song tính.
Hiện tại, “Be loved be yourself” đã thu hút được sự tham gia của nhiều tổ chức hoạt động vì cộng đồng và các chuyên gia quan tâm đến vấn đề này: anh Lương Thế Huy - nhà hoạt động quyền LGBTI+, anh Huỳnh Minh Thảo - Giám đốc truyền thông của Trung tâm ICS, cô Đinh Thị Yến Ly và cô Tiêu Hạnh Nhi - đại diện Hội PFLAG Việt Nam và một số nhân vật có ảnh hưởng trong cộng đồng LGBT...
Là một trong những người tham gia và ủng hộ dự án, chị Hứa Mỹ Sang, đại diện dự án cho biết: "Vì mục tiêu của dự án này rất đẹp - Sống thật, sống để hiểu và để yêu thương nhau nhiều hơn. Sự thấu hiểu nhau là vô cùng quan trọng trong bất cứ một mối quan hệ nào, nhất là với những người bạn LGBT khi xã hội đã có sẵn những địn kiến với các bạn. Thêm vào đó, khi thấy các em sinh viên đầy nhiệt huyết trưởng thành mỗi ngày cũng giúp mình cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn".
Nếu bạn chưa biết đến thì hãy tìm hiểu, để tất cả bản dạng giới trên thế giới này được đứng ngang hàng nhau, không ganh đua, không bất công, và không còn tồn tại nhóm người yếu thế chỉ vì xu hướng tính dục hay vì bất cứ lý do nào khác.
Đã đến lúc những quan điểm lỗi thời phải đập bỏ, để mọi người chung tay xây dựng một cộng đồng gắn kết và đa dạng. Điều đó, cần bắt đầu từ sự thấu cảm và tình yêu thương của gia đình.
Làm thế nào để công khai giới tính thực sự với bố mẹ? | |
Nữ luật sư chuyển giới đầu tiên Hàn Quốc và ước mơ xóa bỏ định kiến LGBT |