Ai đang sở hữu nhãn hiệu Asanzo?

Nhãn hiệu Asanzo ban đầu được Công TNHH Điện tử Bảo Ngọc đăng kí và sở hữu, sau đó được chuyển giao cho CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam.

Ngày 21/6, Báo Điện tử Vietnamnet dẫn lời ông Phạm Văn Tam, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Asanzo, cho biết công ty này đã từng có công văn gửi sang phía công an khẳng định không bảo hộ đối với thương hiệu của mình.

Cũng theo thông tin trong bài báo nói trên, ông Tam cho biết nhãn hiệu Asanzo đang được nhượng quyền cho một vài công ty khác sử dụng, và do đó công ty này không khiếu nại việc các đơn vị được nhượng quyền thuê nhà sản xuất Trung Quốc đóng logo Asanzo vào sản phẩm điện gia dụng rồi nhập về bán tại Việt Nam.

Cũng từ đó, "ông Tam cho rằng trong tập đoàn Asanzo có rất nhiều công ty con khác nhau, bộ phận nào làm sai thì đơn vị đó sẽ chịu trách nhiệm", báo Vietnamnet cho hay.

Vậy ai thực sự đang sở hữu nhãn hiệu Asanzo, để có thể nhượng quyền cho các công ty khác đóng logo vào các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc về bán tại Việt Nam?

Ai đang sở hữu nhãn hiệu Asanzo? - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Tam trình bày với các phóng viên về kết cấu chiếc TV Asanzo. (Ảnh: Thanh Niên).

Thực tế, theo tìm hiểu của người viết, nhãn hiệu Asanzo đã được cấp bằng bảo hộ từ tháng 3/2014 cho hầu hết sản phẩm điện gia dụng như máy ép trái cây, nồi hấp điện, bếp gas, ấm đun nước, bình lọc nước, lò nướng...

Văn bằng bảo hộ cũng cho thấy, ngoài ngành hàng điện gia dụng, thì phạm vi bảo hộ còn bao gồm hầu hết các ngành hàng mà sản phẩm Asanzo có mặt trên thị trường, từ đồ điện tử (tivi, loa, đầu đĩa, bộ khuếch đại âm thanh...) đến điện lạnh (điều hòa không khí).

Đơn vị nộp đơn xin cấp bảo hộ từ tháng 11/2012 là Công ty TNHH Điện tử Bảo Ngọc (có địa chỉ tại quận Tân Phú, TP HCM). Nhãn hiệu này sau đó được Bảo Ngọc chuyển nhượng lại cho CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam, cũng là chủ sở hữu thương hiệu Asanzo thời điểm hiện tại.

Công ty TNHH Điện tử Bảo Ngọc đã ngừng hoạt động từ ngày 31/8/2018, tuy nhiên chưa hoàn thành xong thủ tục đóng mã số thuế. Người đại diện pháp luật của công ty này chính là ông Phạm Văn Tam, người được biết đến là nhà sáng lập thương hiệu Asanzo.

Trong khi đó, CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam thành lập từ tháng 11/2014 với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thiết bị chiếu sáng, người đại diện pháp luật hiện tại là ông Lê Đình Lâm.

Được biết, CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam lại là một trong 6 chủ đầu tư ban đầu góp vốn vào CTCP Tập đoàn Asanzo (đơn vị kinh doanh chính các sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo trên thị trường), khi mới thành lập, ông Phạm Văn Tam góp 90 tỉ đồng (tương đương tỷ lệ 90%), 4 chủ đầu tư khác gồm CTCP Truyền thông Asanzo; các cá nhân bà Phạm Thị The, ông Phạm Văn Toản và ông Phạm Xuân Tình mỗi người góp 2 tỉ đồng (tương đương tỷ lệ 2%).

Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, ông Phạm Văn Tam chỉ còn sở hữu 1%, hai cổ đông tổ chức là CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam và CTCP Truyền thông Asanzo đã thoái hết vốn. Tổng sở hữu của các cổ đông sáng lập tại CTCP Tập đoàn Asanzo chỉ còn 7%.

Hiện, ông Phạm Văn Tam đang là người đại điện pháp luật của hai công ty đang hoạt động là CTCP Truyền thông và Giải trí Asanzo, thành lập tháng 9/2014 vốn điều lệ 50 tỉ đồng và CTCP Công nghệ Cao Asanzo mới thành lập tháng 1/2019 vốn điều lệ 300 tỉ đồng.

Tag:
chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.